Thị trường chứng khoán 2014: Triển vọng phát triển

Theo sggp.org.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2013 khép lại với sự tăng trưởng khá tốt của cả hai sàn: VN-Index tăng trên 22%, HNX-Index tăng gần 19% so với năm 2012. Sự gia tăng của các chỉ số chứng khoán trong năm 2013, Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ phục hồi thị trường mạnh nhất thế giới. Với đà phục hồi mạnh mẽ này, các chuyên gia kinh tế nhận định TTCK đang có dấu hiệu khởi sắc và kỳ vọng TTCK năm 2014 sẽ tăng trưởng bền vững hơn.

Thị trường chứng khoán 2014: Triển vọng phát triển
Thị trường chứng khoán năm 2014 được kỳ vọng sẽ phát triển sôi động hơn năm 2013. Nguồn: internet

TTCK 2013 có mức vốn hóa đạt 31% GDP

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2013, VN-Index tăng 22,2% lên 504,63 điểm và HNX-Index tăng 18,9% lên 67,84 điểm. Sự tăng trưởng này được các chuyên gia kinh tế bầu chọn là một trong những sự kiện kinh tế nổi bật nhất của năm 2013. Không chỉ có sự gia tăng ở các chỉ số chứng khoán mà mức vốn hóa thị trường cũng tăng gần 200.000 tỷ đồng so với năm trước, đạt khoảng 964.000 tỷ đồng, tương đương 31% GDP.

Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.578 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2012, trong đó chủ yếu là nhờ giao dịch trái phiếu Chính phủ. Cụ thể, bình quân giao dịch trái phiếu Chính phủ đạt 1.257 tỷ đồng/phiên (tăng 90% so với năm 2012) và bình quân giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.322 tỷ đồng/phiên (tăng 1,5%).

Theo một vị lãnh đạo của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, sự phục hồi mạnh của TTCK 2013 trở thành sự kiện bởi lẽ khi bước vào năm 2013, thị trường được dự báo phải chứng kiến sự thoái lui của nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển trong năm qua vẫn tăng 54% và giá trị danh mục cao hơn 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27 triệu, trong đó khối ngoại tăng 55%.

Năm 2013 không có những vụ bê bối như năm trước cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường. Cùng với đó, TTCK còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách vĩ mô như: gói kích cầu cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đưa ra nhiều phương án xử lý nợ xấu. Đến nửa cuối năm 2013, các kênh đầu tư khác vẫn kém hấp dẫn: lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm, giá vàng biến động mạnh, thị trường bất động sản vẫn còn yên ắng nên đây cũng là một nhân tố kéo dòng tiền đầu cơ đổ vào TTCK.

Mặc dù vẫn giữ được mức tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng năm 2013 vẫn là một năm “thanh lọc” đối với nhóm công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ. Số liệu từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong năm 2013, 58/94 công ty chứng khoán (chiếm 63%) có lỗ lũy kế với mức lỗ âm (-) 5.267 tỷ đồng. Đối với các công ty quản lý quỹ, tính đến hết quý 3-2013, có 41/47 công ty quản lý quỹ còn hoạt động, trong đó chỉ có 22 công ty hoạt động có lãi, 6 công ty đã được xử lý bằng nhiều giải pháp như giải thể, tạm ngừng hoạt động, bị đình chỉ hoạt động…

Yếu tố vĩ mô hỗ trợ TTCK 2014

Trong năm 2013, dòng vốn ngoại gần như chi phối thị trường. Khối ngoại đã rót ròng 7.667 tỷ đồng (tương đương 365 triệu USD) vào TTCK Việt Nam, trong đó mua ròng trên sàn HOSE gần 6.330 tỷ và mua ròng trên sàn HNX (Hà Nội) hơn 1.337 tỷ đồng. Chính vì thế, TTCK năm 2014 cũng kỳ vọng vào dòng vốn này, đặc biệt là khi Chính phủ đã ban hành NĐ 01 chính thức nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần ngân hàng từ 15% lên 20%.

TTCK năm 2014 có những phiên giao dịch đầu năm khá phấn khởi, đặc biệt là từ thông tin nới “room” cho khối ngoại sở hữu cổ phần ngân hàng khiến dòng tiền đổ mạnh vào thị trường và duy trì ở mức cao. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng đã có phiên tăng giá mạnh, đặc biệt là trong ngày 7-1. Lý giải việc này, Vietstock cho rằng, bên cạnh thông tin trên, TTCK luôn tăng điểm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Thống kê của Vietstock cho thấy, trong 6 năm vừa qua (2008 - 2013), mặc dù mức độ và thời gian tăng điểm có khác nhau nhưng thị trường luôn tăng điểm vào thời điểm cận tết.

Việc kỳ vọng dòng vốn từ khối ngoại, các chuyên gia phân tích của Vietstock cho rằng, trên lý thuyết đây sẽ là thông tin tích cực tác động lên giao dịch của khối ngoại cũng như toàn thị trường, đặc biệt là ở các cổ phiếu bluechip (uy tín, lâu năm). Tuy nhiên, chính bức tranh lợi nhuận DN mới là lực hút bền vững đối với dòng tiền khối ngoại.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Khối phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định, việc tăng sở hữu nước ngoài tại ngân hàng không có tác động nhiều đến TTCK mà chủ yếu là hỗ trợ về mặt dài hạn khi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được sở hữu nhiều hơn trong ngân hàng, từ đó có thể thu hút vốn ngoại đầu tư vào các ngân hàng trong dài hạn. Việc nới “room” này cũng nằm ngoài kỳ vọng của thị trường vì nhà đầu tư đang chờ đợi việc nới “room” nước ngoài tại các công ty cổ phần đại chúng lên cao hơn.

“Bởi lẽ trên thực tế, Nghị định 01 của Chính phủ chỉ tăng thêm tỷ lệ sở hữu cho một đối tác chiến lược nước ngoài cũng như một tổ chức và các bên liên quan tại một ngân hàng chứ về tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả cổ đông nước ngoài vẫn không thay đổi, vẫn giữ ở mức 30%”, ông Nguyễn Xuân Bình nói.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, nhận định, năm 2014 sẽ có nhiều thuận lợi hơn cho TTCK bởi những giải pháp và chương trình của Chính phủ triển khai trong thời gian qua đã bắt đầu phát huy tác dụng và đang đi đúng hướng.

Theo ông Bằng, những giải pháp kinh tế vĩ mô thuận lợi sẽ là cơ sở để TTCK có những bước tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường được triển khai như: kéo dài thời gian giao dịch, triển khai các chỉ số mới, đề xuất các giải pháp gia tăng năng lực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho TTCK… tác động tích cực đến sự phát triển của TTCK trong năm 2013 và sẽ mở ra triển vọng phát triển mới trong năm 2014.