Thị trường chứng khoán "chờ" quyết sách xử lý nợ xấu


Một khi thông tin về thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC) rõ ràng hơn, sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán (TTCK)…

    Thị trường chứng khoán "chờ" quyết sách xử lý nợ xấu  - Ảnh 1
    TS. Alan T. Pham
    Đó là nhận định của TS. Alan T. Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital về triển vọng thị trường trong thời gian tới.

    Chính phủ vừa phát đi thông điệp chuẩn bị ban hành Nghị định về thành lập VAMC, để mở đường cho sự ra đời và hoạt động của tổ chức này. Diễn biến này sẽ thúc đẩy việc xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn?

    Cho đến thời điểm này, thị trường cũng như giới đầu tư chưa nhận được thông tin chính xác về thời điểm ra đời và phương thức hoạt động của VAMC. Trong khi đó, với đặc thù của thị trường tài chính nói chung, TTCK nói riêng, nếu những vấn đề cốt yếu này không sớm được công khai, thì rất khó để giới đầu tư hoạch định kế hoạch đầu tư, kinh doanh. Bởi vậy, câu hỏi mà thị trường mong đợi nhất là bao giờ VAMC ra đời, lộ trình hoạt động ra sao, phương thức mua bán nợ xấu thế nào...? Chỉ khi các câu hỏi này có lời giải rõ ràng, thì mới có thể nhìn nhận về khả năng xử lý nợ xấu của VAMC.

    Theo thông lệ quốc tế, cũng như từ thực tiễn Việt Nam, theo ông, VAMC nên hoạt động theo phương thức nào để đảm bảo hiệu quả trong xử lý nợ xấu?

    Nếu việc mua nợ xấu được thiết kế theo phương thức là mua bằng giá trị sổ sách, trong khi lẽ ra phải mua theo giá thị trường, thì sẽ kém thu hút nhà đầu tư tham gia, đồng thời gây nên những hệ lụy khó lường trong dài hạn. Lý do là về bản chất, sớm hay muộn, nợ xấu phải được xử lý, chứ không thể chạy lòng vòng từ tay tổ chức này sang tay tổ chức khác. Nói cách khác, thị trường, giới đầu tư cần nhìn thấy những hiệu quả rõ nét trong xử lý nợ xấu, để từ đó hoạch định kế hoạch và chiến lược đầu tư, kinh doanh.

    Ngoài ra, để VAMC vận hành hiệu quả, ban lãnh đạo của tổ chức này có vị trí rất quan trọng. Họ phải là những người thực sự chuyên nghiệp trong xử lý nợ xấu giữa các ngân hàng với nhau và giữa ngân hàng với DN, thì mới giúp VAMC hoạt động sáng tạo, hiệu quả theo nghĩa một DN xử lý nợ xấu thay vì một tổ chức mang tính hành chính nhà nước. Tóm lại, điều quan trọng nhất là từ bộ máy nhân sự, đến cơ chế hoạt động của VAMC cần được thiết kế mang tính thị trường nhiều hơn, tránh các can thiệp hành chính quá nhiều, bất hợp lý.

    Trong bối cảnh nợ xấu chậm được xử lý, ông có cho rằng, ngay cả khi mặt bằng lãi suất huy động giảm tiếp từ mức 7,5%/năm hiện tại, DN vẫn khó tiếp cận vốn?

    Với diễn biến lạm phát tăng thấp tính đến tháng 4/2013, trong khi các DN vẫn rất khó tiếp cận vốn do việc xử lý nợ xấu diễn ra chậm, nên nhiều khả năng, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm còn 7%/năm trong quý II này.

    Kịch bản giảm phát trong tháng 6 - 7/2012 đang có dấu hiệu lặp lại trong các tháng giữa năm nay. Nguyên nhân của tình trạng này là bởi tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn rất yếu, trong khi các giải pháp kích cầu vừa triển khai chậm, DN chưa được thụ hưởng nhiều, lại vừa chưa đủ liều lượng. Với diễn biến lạm phát cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác tính đến thời điểm này, có cơ sở để nhận định, lạm phát sẽ không đáng lo ngại trong năm nay. Do vậy, nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2013 là triển khai đồng bộ các giải pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế, nếu không sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% như kế hoạch đề ra. Việc tiếp tục kéo dài tình trạng đình đốn của nền kinh tế như hiện tại sẽ gây nên những hệ lụy, phải tốn nhiều công sức lẫn tiền của mới có thể vực nền kinh tế và DN phục hồi đà tăng trưởng trong những năm tới.

    Nếu lãi suất giảm thêm, cộng với các giải pháp kích thích tăng trưởng phát huy hiệu quả, TTCK sẽ khởi sắc, theo ông?

    Chưa cần triển khai các giải pháp trên, thì TTCK đang nhận được lực đỡ khá vững từ khối ngoại. Trong cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, so với các TTCK lân cận, giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam hiện tại khá rẻ khi đặt trong chiến lược đầu tư trung và dài hạn (1 - 3 năm) của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nói cách khác, với mặt bằng giá cổ phiếu tốt hiện tại, chỉ cần mức điều chỉnh hợp lý là (khối ngoại và các nhà đầu tư trong nước có cái nhìn dài hạn) sẽ giải ngân.

    Tuy nhiên, một khi việc xử lý nợ xấu diễn ra nhanh và hiệu quả hơn, cùng với các giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế được Chính phủ phát đi mạnh mẽ và đạt được những hiệu quả rõ nét hơn, sẽ là điều kiện lý tưởng để TTCK lấy lại đà hứng khởi trong tháng 6 tới, sau tháng 5 với nhiều dự báo đi ngang.