Thị trường chứng khoán đang có tiềm năng lớn để phát triển

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

(Tài chính) Nhân những ngày đầu năm mới, vị Tư lệnh ngành Tài chính đã có những chia sẻ về cơ hội phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK). Xin trích những thông điệp của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Thị trường chứng khoán đang có tiềm năng lớn để phát triển
Lĩnh vực chứng khoán có nhiều nỗ lực trong năm 2013. Nguồn: internet

Đất nước ta vừa trải qua năm 2013 với nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng nợ đọng, hàng tồn kho lớn, không tìm được thị trường tiêu thụ, dẫn đến sản xuất suy giảm, thậm chí phải ngừng hoạt động, phá sản, giải thể. Trong bối cảnh như vậy, các chỉ tiêu chính trên TTCK như mức độ vốn hóa/GDP, tổng lượng vốn huy động qua TTCK, số doanh nghiệp niêm yết mới… vẫn có sự tăng lên, cho thấy những nỗ lực lớn của ngành chứng khoán năm 2013.

Sự hồi phục bước đầu của TTCK, thể hiện qua các con số thống kê, cho thấy sự ấm dần lên của các doanh nghiệp, của nền kinh tế và từ đó, TTCK cũng sẽ có lực để tiếp tục phát triển mạnh hơn. Năm 2013, ngành chứng khoán đã đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc hàng hóa và nhà đầu tư, nhiều chủ thể yếu kém, nhiều công ty chứng khoán yếu kém đã bị thanh lọc, nhường không gian kinh doanh hiệu quả hơn cho các chủ thể lành mạnh.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của TTCK không ngừng được hoàn thiện, chúng ta đã đi rất nhanh, nhưng rất đúng, vừa làm, vừa bổ sung, hoàn thiện pháp lý, để TTCK hoạt động minh bạch hơn, lành mạnh hơn.

Thông qua TTCK, Chính phủ đã huy động được lượng vốn lớn phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế đất nước, nhiều doanh nghiệp cũng đã huy động được lượng vốn cần thiết để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, ở vai trò là kênh đầu tư của công chúng, tôi cho rằng, TTCK cần phải làm truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, để người dân hiểu và tham gia nhiều hơn.

Hiện TTCK Việt Nam có sự tham gia của 1,2 triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng theo tôi, cần tiếp tục khơi dậy các nguồn lực xã hội xây dựng TTCK, mà trước hết là các nguồn lực trong nước, để thị trường đạt được các mục tiêu chiến lược đã đặt ra.

Để khơi dậy các nguồn lực xã hội cho TTCK, cần phải tuyên truyền nhiều hơn, sâu hơn về thị trường này để người dân bình thường nhất cũng có thể hiểu được. Để có thể làm tốt công tác tuyên truyền, ngành chứng khoán cần phải thể hiện rõ vai trò của mình trong nền kinh tế.

Theo đó, cần làm đậm hơn giá trị từ những con số, ví dụ, vốn hóa thị trường tương đương 31% có ý nghĩa như thế nào với nền kinh tế? Khối lượng huy động vốn năm 2013 khoảng 200.000 tỷ đồng, nếu so sánh với lượng vốn huy động qua kênh ngân hàng thì ra sao? So với tổng đầu tư toàn xã hội ở mức nào?...

Bước sang năm 2014, điểm thuận lợi của TTCK là quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ, trong đó có tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc ngành ngân hàng, sẽ tiếp tục được thực hiện mạnh mẽ. Đó là không gian rộng lớn để TTCK thu hút thêm hàng hóa mới lên sàn.

Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc TTCK theo 3 trụ cột chính là tái cấu trúc hàng hóa, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư và tái cấu trúc các tổ chức trung gian trên TTCK, cần tiếp tục được làm mạnh mẽ hơn nữa, để thị trường tăng tính chuyên nghiệp và minh bạch.

Mục tiêu quan trọng nhất là phát triển TTCK trở thành kênh đầu tư, kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, bên cạnh kênh dẫn vốn là hệ thống ngân hàng.

Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện hạ tầng pháp lý, đảm bảo cho TTCK vận hành thông suốt, đáp ứng các yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời sẽ quyết tâm thúc đẩy công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thúc đẩy các doanh nghiệp đại chúng phải đưa cổ phiếu lên sàn.

Chúng tôi cũng sẽ kiên định việc trình Chính phủ giải pháp nới tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK, nhất là với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần phải nắm giữ cổ phần, để tạo đà, tăng sức hấp dẫn cho dòng vốn ngoại.

Tôi hiểu rằng, ngành chứng khoán còn nhiều việc phải làm trong quá trình tái cấu trúc TTCK, cùng với đó là nhiệm vụ giữ cho thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh, giảm thiểu tình trạng thao túng, làm giá, mua tay này, bán tay khác, giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp làm đẹp số liệu tài chính để tự đánh bóng mình, gây hậu quả lâu dài cho nhà đầu tư…

Tuy nhiên, với những nỗ lực tự thân của ngành chứng khoán, với quyết tâm cải cách nền kinh tế của các bộ ngành, tôi tin rằng, TTCK Việt Nam đang có tiềm năng lớn để phát triển và từ sự phát triển này sẽ mang lại những tác động tích cực đến doanh nghiệp, đến nền kinh tế vĩ mô.