Thị trường chứng khoán hy vọng ở nửa sau tháng 9

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Các quỹ ETF liên tiếp rút vốn ròng thời gian qua được xem là nguyên nhân chính khiến thị trường mất điểm. Tuy nhiên, lượng chứng chỉ quỹ của cả 2 quỹ ETF hiện đã giảm về mức thấp hơn đầu năm. Bức tranh kinh tế vĩ mô chưa có những chuyển biến rõ nét, thị trường chứng khoán (TTCK) vận động trong khó khăn là điều tất yếu.

Thị trường chứng khoán hy vọng ở nửa sau tháng 9
TTCK tháng 9 là giai đoạn tích lũy và hình thành mặt bằng giá sau một quá trình giảm điểm. Nguồn: internet
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), TTCK tháng 9 là giai đoạn tích lũy và hình thành mặt bằng giá sau một quá trình giảm điểm. Trong nửa đầu tháng 9, việc 2 quỹ ETF cơ cấu danh mục đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, nhưng diễn biến sẽ tích cực hơn từ nửa sau tháng 9 với các yếu tố sau: Thông tư hướng dẫn VAMC đi vào hiệu lực, NHNN đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng toàn Ngành để đạt mục tiêu 12%, dòng vốn đầu tư sẽ quay trở lại đón đầu các DN dự kiến có kết quả kinh doanh quý III tốt…

Liên quan đến tác động tiêu cực tới thị trường từ việc rút vốn ngoại thời gian gần đây, cuộc họp Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) của Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 17-18/9 được nhận định sẽ ảnh hưởng mạnh đến sự dịch chuyển của các dòng vốn giá rẻ trên thế giới, trong đó có thị trường Việt Nam.

Bởi vì, cuộc họp này sẽ cung cấp thông tin rõ hơn cho vấn đề cắt giảm gói nới lỏng định lượng QE3. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn duy trì lãi suất thấp gần bằng 0% ít nhất là cho đến năm 2014 và nếu so sánh với mặt bằng lãi suất tại Việt Nam thì rủi ro dòng vốn chảy ngược về Mỹ trong ngắn hạn có lẽ sẽ chưa quá lớn.

Làn sóng rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra liên tục trong 3 tháng gần đây sau khi Hoa Kỳ phát đi tín hiệu đầu tiên về việc ngừng gói nới lỏng định lượng QE3 trong cuộc họp vào cuối tháng 5/2013. Tại Việt Nam, lượng vốn rút ròng trên TTCK khoảng 128 triệu USD, giảm 46% trong tổng lượng vốn ròng đổ vào trong 5 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nếu so với làn sóng rút vốn ồ ạt tại các thị trường mới nổi thì mức bán ròng ở Việt Nam là thấp bởi Việt Nam cũng chỉ nằm trong nhóm thị trường cận biên, mà áp lực rút vốn tại các thị trường cận biên thực tế không mạnh bằng các thị trường mới nổi.

Hơn nữa, nếu xét trên bối cảnh chung của khu vực, trong khi một số nền kinh tế tại các nước lân cận (Indonesia và Ấn Độ) đang gặp vấn đề về suy giảm tăng trưởng, đồng tiền mất giá mạnh và thâm hụt thương mại tăng cao thì Việt Nam vẫn có được những điểm tích cực hơn. Môi trường vĩ mô hiện nay tương đối ổn định: lạm phát được kiểm soát, sản xuất có dấu hiệu hồi phục trong tháng 8, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán tổng thể tiếp tục thặng dư…

Bên cạnh đó là hoạt động xem xét lại danh mục quý III của 2 quỹ ETF. Thông thường hoạt động này sẽ giúp thị trường trở nên sôi động nhưng việc rút vốn ròng từ các quỹ này có ảnh hưởng khá lớn đến thị trường, đặc biệt là về mặt tâm lý bởi mỗi lần có sự thay đổi về lượng chứng chỉ quỹ lưu hành, các lệnh mua-bán phải được thực hiện trong ngày và lý do thứ hai là các mã cổ phiếu trong danh mục của hai quỹ ETF đều là các cổ phiếu bluechips.

Và việc các quỹ ETF liên tiếp rút vốn ròng thời gian qua được xem là nguyên nhân chính khiến thị trường mất điểm. Tuy nhiên, do lượng chứng chỉ quỹ của cả 2 quỹ ETF hiện đã giảm về mức thấp hơn đầu năm nên thị trường cũng có cơ sở để kỳ vọng việc bán ròng của 2 quỹ ETF này sẽ không còn mạnh, đồng thời sẽ hạ nhiệt trong tháng 9.

Tuy nhiên, vấn đề chính ảnh hưởng đến sức bứt phá của TTCK vẫn do kinh tế Việt Nam còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Có thể thấy các chỉ số vĩ mô chính liên quan tới sức sản xuất của nền kinh tế đang trong xu hướng đi ngang hoặc chỉ tăng chậm; FDI, xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh nhưng tín dụng, tỷ giá và CPI còn tiềm ẩn rủi ro.

Việc Chính phủ điều chỉnh giảm mục tiêu GDP năm 2014 từ 6% xuống 5,8% phản ánh lo ngại về tốc độ phục hồi của nền kinh tế do tăng trưởng GDP năm 2013 ước tính chỉ đạt 5,2%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là 5,5%. Như vậy, để đạt mục tiêu mới, nền kinh tế vẫn phải tăng được tổng cầu và sản xuất.

Trong khi đó, tổng cầu đang phục hồi chậm và tăng trưởng tổng mức bán lẻ thực tế gần đây chỉ đạt 5,1%, tức thấp hơn so với mức bình quân 3 năm là 6,8%. Chỉ số PMI tháng 8/2013 dù có cải thiện so với tháng 7/2013 nhưng cũng chỉ đạt 49,4 điểm và vẫn dưới mốc đánh dấu tăng trưởng là 50 điểm.

Về kiểm soát lạm phát, việc TP. Hồ Chí Minh ra quyết định tăng học phí trường công lên gấp 2 - 6 lần so với năm ngoái sẽ tác động đáng kể lên lạm phát cả nước tháng này, tương tự như ảnh hưởng của chi phí khám chữa bệnh tại Hà Nội tháng trước.

Ngoài ra, việc tăng giá điện 5% và thay đổi chi phí khám chữa bệnh tại Hà Nội vẫn còn gây ảnh hưởng. Do đó, CPI tháng 9/2013 được giới chuyên gia dự báo có thể sẽ tăng khoảng 1 - 1,2% so với tháng 8/2013 và sẽ tăng khoảng 7,5% so với năm ngoái.

Khi mà bức tranh kinh tế vĩ mô chưa có những chuyển biến rõ nét, TTCK vận động trong khó khăn là điều tất yếu.