Thị trường chứng khoán - kỳ vọng tuổi 14

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước sang tuổi 14 kể từ ngày 20/7/2013. Từ những chuyển biến trong 13 năm đã qua, có thể kỳ vọng gì cho thị trường này khi bước sang tuổi mới?

 Thị trường chứng khoán - kỳ vọng tuổi 14
Thị trường chứng khoán đang mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư. Nguồn: internet
Kể từ khi chính thức ra mắt - ngày 20/7/2000, số doanh nghiệp (DN) niêm yết đã tăng lên đáng kể, từ con số 41 cuối năm 2005 lên 737 DN vào cuối tháng 6/2013, đó là chưa kể 135 DN trên thị trường UPCOM. Tuy tăng lên như vậy, nhưng so với tổng số công ty cổ phần của cả nước thì số DN niêm yết vẫn còn quá ít ỏi, thậm chí gần đây, số DN niêm yết mới còn ít hơn số huỷ niêm yết. Điều đó đông nghĩa với việc còn khá nhiều những DN lớn, DN hoạt động có hiệu quả vẫn chưa lên sàn,  mà nếu khuyến khích được số này tham gia niêm yết trên cơ sở đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều kỳ vọng mới cho thị trường chứng khoán trong nước.
 
Sau 13 năm hoạt động, tổng giá trị vốn hoá thị trường đã tăng nhanh qua các năm, từ trên dưới 1 nghìn tỷ đồng cuối năm 2005, lên 904 nghìn tỷ đồng cuối tháng 6/2013. Tỷ lệ vốn hoá thị trường cuối tháng 6/2013 đạt khoảng 27,9% GDP 2012, cao hơn con số tương ứng của năm 2006 (21,8%). Tuy nhiên, đây cũng là tỷ lệ còn thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, vì thế thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ được đánh giá là thị trường chứng khoán cận biên, chưa được xếp vào nhóm thị trường mới nổi. 
 
Theo thống kê, giá trị giao dịch bình quân 1 ngày của tháng 6/2013 đã đạt 1507 tỷ đồng, tuy cao hơn của tháng 12 trong năm 2007 là 3159 tỷ đồng, năm 2009 là 2600 tỷ đồng, năm 2010 là 2469 tỷ đồng, quy mô này chưa thật hấp dẫn các nhà đầu tư. Gần đây trên thị trường đã có tín hiệu khả quan khi lượng “tiền vào” nhiều hơn “tiền ra”, cộng thêm với chính sách nới lỏng tiền tệ, hy vọng lượng tiền vào thị trường tới đây sẽ gia tăng trở lại để có thể vượt mốc 2000 tỷ đồng/ngày.
 
Cũng theo thống kê, toàn thị trường hiện có khoảng 1 triệu tài khoản nhà đầu tư. Con số này chưa phải là nhiều so với quy mô dân số lao động của Việt Nam song lại chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, số nhà đầu tư tổ chức còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ (dưới 10%), ngược với xu thế của thị trường chứng khoán các nước phát triển. Do các nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ lớn nên trên thị trường, tính đầu tư phong trào, đầu tư theo đám đông còn khá nặng, dẫn đến sự sụt giảm trong nhiều trường hợp là thái quá... nhất là khi trình độ, tính chuyên nghiệp và sự kiên trì của nhà đầu tư còn thấp cũng khiến thị trường thiếu sức hút.
 
Đến thời điểm này, điểm số chung của VN-Index (sàn TP. Hồ Chí Minh) đã đạt quanh mức 500 điểm, cao gấp 4,9 lần cách đây 13 năm, tương đương tốc độ tăng 13%/năm; so với cuối năm trước đã tăng 20%, trong đó của một số mã còn tăng cao hơn nhiều. Đó là những tốc độ tăng thuộc loại khá cao. Tuy nhiên, điểm số chung trên sàn Hà Nội (HNX) chỉ còn bằng 62% khởi điểm sau 8 năm thành lập, với gần 2/3 tổng số mã hiện đã ở mức dưới mệnh giá! Điểm số trên thị trường UPCOM còn bị rớt thảm hại hơn, với điểm số trên sàn TP. Hồ Chí Minh hiện chưa bằng một nửa so với đỉnh điểm trước đây; còn trên sàn Hà Nội chưa bằng 1/3!
 
Với xu thế này, số vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu và cổ phần hoá 6 tháng 2013 đạt 5 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước; vốn huy động qua phát hành trái phiếu chính phủ đạt 123 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên dòng vốn FII trên thị trường chứng khoán chính thức vào thuần đạt 404 triệu USD, cao gấp 8 lần so với cùng kỳ. Trong điều kiện tăng trưởng tín dụng ngân hàng thấp, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán rất có ý nghĩa. Kỳ vọng khi các loại hình quỹ mới được thành lập; tỷ lệ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán được mở rộng... sẽ góp phần tăng lượng vốn huy động trên thị trường chứng khoán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.
 
Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn; là chỉ báo quan trọng của kinh tế vĩ mô, nên mọi diễn biến trên thị trường đều tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô; ngược lại, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tác động đến thị trường chứng khoán.
 
Hiện nay, kinh tế vĩ mô đang có những dấu hiệu tích cực trên nhiều mặt: lạm phát bước đầu được kiềm chế và có khả năng đạt được mục tiêu; tăng trưởng kinh tế của quý II cao hơn của quý I và nếu có xung lực mới thì có thể tiếp tục cao lên trong quý III, quý IV và cả năm sẽ cao hơn của năm trước; cán cân thanh toán tiếp tục được thặng dư, khi 2 tháng nay đã xuất siêu trở lại và sau 7 tháng chỉ nhập siêu 733 triệu USD; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng so với cùng kỳ; nguồn vốn hỗ trợ phát triển giải ngân đạt kỷ lục; tỷ giá cơ bản ổn định; thu, chi ngân sách và các điểm nghẽn lớn của nền kinh tế bước đầu có tín hiệu khả quan và đang dần được cải thiện... Đây là nền tảng để kỳ vọng thị trường chứng khoán bước sang tuổi 14 sẽ có dấu hiệu khởi sắc và là kênh đầu tư có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất hiện nay. 
 
Theo các chuyên gia, kể từ thời điểm này, các đợt sóng trên thị trường chứng khoán sẽ giống như răng cưa nhưng có điều cái cưa này không phải nằm chúc xuống như trước kia mà bắt đầu nằm ngang và dốc lên, tức là “đỉnh sau cao hơn đỉnh trước”, mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư.   

Với sự chậm lại của lạm phát trong 2 năm liên tiếp; sự giảm xuống hiện còn ở mức thấp của lãi suất huy động; với sự nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá; trong khi thị trường bất động sản chưa hồi phục, thị trường vàng đã kết thúc thập kỷ tăng và thị trường ngoại tệ tương đối ổn định hiện nay, nhiều chuyên gia đã dự đoán, chỉ số VN-Index có thể vượt qua mốc 550 điểm và chỉ số HNX sẽ vượt qua mốc 80 điểm vào cuối năm 2013.