Thị trường chứng khoán: Ngắn hạn rủi ro và cơ hội cho cổ phiếu dược

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán đang trong nhịp điều chỉnh giảm của xu thế ngắn hạn. Mặc dù chỉ số thị trường đã có hồi phục, nhưng khối lượng giao dịch thấp cho thấy rủi ro giảm điểm vẫn cao. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư (NĐT) lựa chọn và mua vào những cổ phiếu tốt, kết quả kinh doanh (KQKD) khả quan trong năm 2014.

Thị trường điều chỉnh là cơ hội đầu tư dài hạn vào cổ phiếu ngành dược. Nguồn: internet
Thị trường điều chỉnh là cơ hội đầu tư dài hạn vào cổ phiếu ngành dược. Nguồn: internet

Nút thắt khối lượng

Sau phiên mất điểm mạnh ngày 18/4, khối lượng giao dịch trên HSX đã sụt giảm xuống dưới ngưỡng 100 triệu đơn vị/phiên. Thậm chí đến phiên ngày 24/4, khối lượng giao dịch chỉ còn 56,6 triệu đơn vị. Việc khối lượng giao dịch liên tục suy giảm nhanh cho thấy tâm lý của NĐT ở cả 2 phía mua và bán đều hết sức thận trọng. Phía người bán e dè thị trường đã giảm đủ sâu, và nhiều khả năng sẽ bán cổ phiếu đúng vào vùng đáy của đợt điều chỉnh ngắn hạn này.

Còn về phía người mua thì không thấy có thông tin hỗ trợ nào đáng kể để sẵn sàng xuống tiền mua cổ phiếu. Dường như mọi chú ý đang dồn về KQKD quý I và diễn biến từ đại hội cổ đông của doanh nghiệp (DN) khi giữa các nhóm cổ phiếu đang có sự phân hóa khá rõ nét.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán (CTCK), chừng nào nút thắt khối lượng chưa được giải tỏa thì thị trường vẫn còn tiếp tục ở trạng thái giằng co trong 1-2 tuần tiếp theo để tạo một nền tảng giá mới trước khi có thể đảo chiều tăng điểm.

Dài hạn với cổ phiếu dược

Nếu như việc trading ngắn hạn gặp nhiều rủi ro và cũng ít cơ hội, thì hành động hợp lý đối với nhiều NĐT là tìm kiếm và gia tăng sở hữu với cổ phiếu thực sự tốt, tiềm năng trong dài hạn. Nhìn vào diễn biến các cổ phiếu trong thời gian qua cũng như triển vọng kinh doanh, nhiều CTCK khuyến nghị các NĐT dành phần vốn cho các cổ phiếu dược với 2 đại diện DHG và IMP.

Tại báo cáo thăm DN, CTCK KimengMaybank đánh giá, mặc dù KQKD quý I không đạt mục tiêu, nhưng triển vọng cả năm 2014 của IMP vẫn rất khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 174,7 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 27,7 tỉ đồng, bằng 23% kế hoạch cả năm.

Lý giải cho KQKD quý I thấp, KimengMaybank cho biết, do ảnh hưởng từ thông tư 01 của Bộ Y tế nên doanh thu mảng ETC (thuốc kê đơn) giảm mạnh. Tuy nhiên, IMP cũng đang chuyển hướng mạnh sang mảng OTC (thuốc không kê đơn). VCBS đánh giá việc kết quả quý I chậm hơn so với kế hoạch cũng là điều thường gặp ở các Công ty Dược sau thời gian nghỉ Tết kéo dài. Để bù đắp sự suy giảm của mảng ETC, IMP cũng đã hướng tới gia công xuất khẩu với mục tiêu lấp đầy công suất nhà máy.

“Doanh thu xuất khẩu nhiều khả năng sẽ đạt trên 1 triệu USD với các hợp đồng ký sau Tết âm lịch” – báo cáo phân tích VCBS nhận định.

Còn KimengMaybank cho rằng, với cơ sở kênh OTC đã được phát triển cùng kế hoạch phát hành tăng vốn để phát triển hệ thống phân phối ra miền Trung và miền Bắc, khả năng hoạt động IMP sẽ khả quan hơn năm 2013. Tuy nhiên, với sự thận trọng trong đánh giá, KimengMaybank cho rằng IMP đạt LNTT khoảng 117 tỉ đồng, EPS điều chỉnh sau phát hành là 3.151 đồng/cổ phiếu. Với giá sau phát hành 37.000 đồng/cổ phiếu thì P/E chỉ 10 lần thấp hơn mức 14 lần bình quân ngành. Với EPS như vậy, Kimeng định giá IMP là 66.000 đồng/cổ phiếu và giá đóng cửa ngày 24/4 của IMP là 56.500 đồng/cổ phiếu.

Khác với IMP, trường hợp của DHG được CTCK Bản Việt – VCSC đánh giá khả quan nhờ nhà máy mới bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2014, giúp Công ty tăng trưởng EPS ổn định 14%/năm cho đến 2018. Lợi nhuận ròng dự kiến sẽ tăng 7% so với năm 2013. Tuy nhiên, năm 2013 DHG nhận khoản lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng nhãn hàng Eugica, nên nếu không tính khoản lợi nhuận này thì năm 2014 lợi nhuận ròng tăng 27%.

Để có được mức tăng trưởng khả quan như vậy, DHG sẽ tiếp tục tối ưu hóa hệ thống phân phối và đặt mục tiêu giữ cho chi phí SG&A ở mức 22% doanh thu thuần. Đồng thời để giảm tiền thuế thu nhập DN, DHG dự kiến chuyển 80% hoạt động sản xuất từ nhà máy cũ sang nhà máy mới, do nhà máy mới được miễn thuế từ năm 2014-2017.

Không chỉ hấp dẫn bởi nền tảng kinh doanh bền vững, DHG được đánh giá cao bởi cổ tức bằng tiền mặt 2013 là 3.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu thưởng tỉ lệ 3:1. Với tiền mặt nhiều, dự kiến cổ tức 2014 bằng tiền có thể lên 4.000 đồng/cổ phiếu.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh 2014, VCSC dự phòng EPS của DHG năm 2014 là 9.683 đồng/cổ phiếu, chưa tính đến cổ phiếu thưởng 3:1 dự kiến được đề xuất tại ĐHCĐ. Với giá giao dịch hiện tại, P/E của DHG ở mức rất thấp là 14,7 lần - thấp thấp hơn mức 17,2 lần của các Công ty có cùng vị thế tại các thị trường mới nổi. Vì thế, VCSC đặt giá mục tiêu cho DHG là 158.000 đồng/cổ phiếu - cao hơn 12% so với mức giá đóng cửa ngày 24/4.