Thị trường chứng khoán: Nhiều chuyển biến tích cực

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Năm 2013, thị trường chứng khoán (TTCK) đã ghi nhận nhiều sự chuyển biến tích cực. Trên TTCK, nhiều giải pháp tập trung và đồng bộ đã được triển khai, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp và thành viên thị trường tham gia thị trường, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư và các thành viên thị trường, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động trên thị TTCK.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường đón nhận nhiều hàng hóa có chất lượng

Đối với doanh nghiệp nói chung, năm 2013 vẫn là một năm khó khăn, nhưng Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Hà Nội cũng đã đón nhận 11 cổ phiếu niêm yết mới với giá trị niêm yết đạt 963,3 tỷ đồng theo mệnh giá. Đồng thời Sở cũng hủy niêm yết 30 doanh nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2013, tổng số doanh nghiệp niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội là 377 công ty với tổng khối lượng niêm yết đạt 8,75 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị niêm yết 87.515 tỷ đồng theo mệnh giá (tăng 2,36% so với năm 2012).

Giao dịch trên thị trường cổ phiếu niêm yết HNX được duy trì với khối lượng giao dịch trung bình đạt 42,3 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch trung bình đạt 328,5 tỷ đồng/phiên. Chỉ số HNX-Index đạt 67,84 điểm vào phiên giao dịch cuối cùng của năm, tăng 10,75 điểm (18,83%) so với năm 2012, HNX30 đạt 127,15 điểm tăng 19,34% so với phiên cuối năm 2012. Giá trị thị trường tại thời điểm ngày 31/12/2013 đạt 106.870 tỷ đồng (23,49% so với năm 2012).

Việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vẫn được các doanh nghiệp sử dụng một cách hiệu quả, đặc biệt là các doanh nghiệp làm ăn có uy tín, có kết quả kinh doanh tốt hoặc triển vọng kinh doanh khả quan, thể hiện qua việc 45 doanh nghiệp niêm yết đã được Sở ký quyết định niêm yết bổ sung cổ phiếu với tổng giá trị niêm yết bổ sung hơn 4.213 tỷ đồng tính theo mệnh giá.

Để có được những thành quả trên, không thể không kể đến những đóng góp của Sở GDCK Hà Nội trong việc tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống giao dịch và phát triển các sản phẩm mới trên thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết nâng cao năng lực quản trị công ty, hoàn thiện hệ thống CIMS.

Để hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết nâng cao chất lượng quản trị công ty, với mục tiêu năm 2013 là nâng cao nhận thức về tính minh bạch thông tin và chất lượng công bố thông tin (CBTT) của doanh nghiệp niêm yết trên TTCK, lần đầu tiên Sở GDCK Hà Nội tổ chức Chương trình Đánh giá Quản trị công ty 2012-2013 với chủ đề “Công bố thông tin và minh bạch”. Chương trình nhằm ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp niêm yết trong việc thực hiện nghĩa vụ CBTT minh bạch với thị trường, qua đó vinh danh 30 doanh nghiệp minh bạch nhất trong năm 2013.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quy định về quản trị công ty và thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức các chương trình đưa công ty niêm yết đi học hỏi kinh nghiệm về quản trị công ty tại Malaysia, Thái Lan, Đài Loan. Chương trình đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ phía các đơn vị tham gia.

Ngoài ra, Sở GDCK Hà Nội cũng đã tổ chức 4 đợt tiếp xúc doanh nghiệp niêm yết tại Sài Gòn, Nhà Trang, Đà Nẵng, và Quảng Ninh để kịp thời nắm bắt những khó khăn, hạn chế của doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán, cùng trao đổi với doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ hoặc kiến nghị lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) để tìm giải pháp xử lý, đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa Sở GDCK Hà Nội với các doanh nghiệp niêm yết. 

Không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu Sở GDCK Hà Nội, còn chú trọng tới các chương trình “tạo hàng”, tiếp xúc các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những quyền và nghĩa vụ, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tham gia TTCK, cũng như hướng dẫn doanh nghiệp về các thủ tục, chuẩn bị hồ sơ khi niêm yết. Đây là một cách để tạo ra nguồn hàng phong phú và hấp dẫn hơn cho thị trường.

Động thái này của Sở GDCK Hà Nội đã được các doanh nghiệp đại chúng rất quan tâm đón nhận. Chính bởi vậy, Hội nghị doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết 2013 do Sở GDCK Hà Nội phối hợp với UBCKNN tổ chức đã thu hút sự tham dự của gần 400 đại biểu là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, các công ty đại chúng và các thành viên thị trường. Qua hội nghị, các đơn vị tham gia đã có dịp trao đổi thông tin trực tiếp với cơ quan quản lý về các quy định và hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận với TTCK.

Bên cạnh đó, Hệ thống CBTT (CIMS) cũng dần được hoàn thiện. Sau hơn 1 năm triển khai, đã có 353/377 doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội sử dụng hệ thống CBTT công ty (CIMS). Nhờ có CIMS, thời gian CBTT của doanh nghiệp đã được rút ngắn rất nhiều và giảm thiểu sai sót. Tỷ lệ vi phạm CBTT đã giảm xuống, trong 11 tháng đầu năm 2013 chỉ còn 788 trường hợp vi phạm so với 1.100 trường hợp của năm 2012, giảm 28,36%. Trong năm 2014, Sở GDCK Hà Nội dự kiến triển khai CIMS đến toàn bộ các công ty niêm yết trên HNX.

Thị trường UPCoM tiếp tục được duy trì

Năm 2013, thị trường UPCoM cũng gặp nhiều khó khăn, thanh khoản giảm sút đáng kể so với năm 2012. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 80,12 triệu cổ phiếu, giá trị gia dịch tương ứng đạt 510,68 tỷ đồng, bình quân, khối lượng giao dịch đạt 320.483 cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch tương ứng đạt 2,04 tỷ đồng/phiên (-56,80% khối lượng giao dịch, -89,94% giá trị gia dịch so với năm 2012).

Thị trường UPCoM hiện có 142 cổ phiếu đang giao dịch với giá trị đăng ký giao dịch đạt 20.773 tỷ đồng, tăng 5.9% so với cuối năm 2012. Cùng với việc tiếp tục củng cố, duy trì thị trường, Sở đã nghiên cứu và có báo cáo các cơ quan quản lý, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nghiên cứu cơ chế gắn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Để cơ sở pháp lý ngày càng được hoàn thiện, Sở cũng đã kiến nghị và phối hợp UBCKNN xây dựng và trình Bộ Tài chính dự thảo Thông tư thay thế cho Quyết định 108/2008/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế Tổ chức và Quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Sở. Vai trò và sự phát triển của thị trường UPCOM được lãnh đạo Bộ Tài chính quan tâm và sẽ có cơ chế thoáng để phát triển thị trường này.

Trên thị trường sơ cấp, hoạt động đấu giá cổ phần cũng có những chuyển biến tích cực. Trong năm Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức 26 phiên bán đấu giá cổ phần và đấu giá trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi (cao hơn gấp 2,8 lần so với năm 2012), trong đó có 15 phiên bán đấu giá cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, 8 phiên bán đấu giá cổ phần thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước và 3 phiên bán đấu giá cổ phần ra bên ngoài của các công ty cổ phần.

Trong số 26 phiên bán đấu giá tổ chức tại Sở GDCK Hà Nội có tới 60% số phiên bán hết 100% số chứng khoán chào bán. Tổng giá trị chứng khoán bán được đạt trên 960 tỷ đồng (cao hơn gấp 6,8 lần so với năm 2012). Đặc biệt, trong tháng 9/2013, lần đầu tiên, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức thành công đợt bán đấu giá trái phiếu chuyển đổi của Tổng công ty Hàng không Việt Nam tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương, bán toàn bộ 827.847 trái phiếu, giá trị bán được là 109,85 tỷ đồng.

Một sự kiện quan trọng có ý nghĩa lớn đối với hoạt động đấu giá năm 2013 đó việc Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tổ chức ký kết MOU nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi thông tin giữa hai bên, đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhà nước. Qua đó, SCIC và HNX phối hợp thực hiện đấu giá cổ phần các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC trên thị trường chứng khoán, khuyến khích các doanh nghiệp này thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở GDCK, và tuân thủ các quy định trên thị trường chứng khoán. Đây là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động đấu giá cổ phần.

Có thể lạc quan nói rằng hoạt động đấu giá cổ phần đã khởi sắc hơn và những kết quả này cũng đã phản ánh khá rõ nét những nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và góp phần thúc đẩy việc thoái vốn ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty một cách hiệu quả hơn.

Thị trường TPCP đạt kết quả tích cực

Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục có những kết quả tích cực, góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô và giúp định hướng điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá của Chính phủ. Trên thị trường sơ cấp đã hình thành rõ một thị trường đấu thầu có xu hướng cạnh tranh cao, minh bạch về giá, giúp định hướng lãi suất nợ và tiết kiệm chi phí vay.

Các tổ chức phát hành đã thực hiện khá triệt để việc xây dựng lịch biểu phát hành chi tiết hàng tháng, quý, nêu rõ khối lượng phát hành theo từng phương thức, từng loại kỳ hạn, công bố trước ngày tổ chức phát hành trái phiếu trong năm nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư chủ động bố trí vốn tham gia thị trường. Từ cuối năm 2012, Sở GDCK Hà Nội đã đưa hệ thống đấu thầu điện tử vào hoạt động. Sau hơn 1 năm triển khai, hệ thống đã hoạt động an toàn, ổn định, kết nối thông suốt với cơ quan quản lý, tổ chức phát hành, và các thành viên.

Trong năm 2013, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức 336 phiên đấu thầu cho các tổ chức phát hành bao gồm: Kho bạc Nhà nước (KBNN); Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, UBND TP. Hà Nội với khối lượng trúng thầu đạt mức kỷ lục hơn 194,8 nghìn tỷ trên tổng khối lượng gọi thầu là 370.398 tỷ, tương ứng mức thành công là 52,59%. Trong đó, KBNN huy động được hơn 143 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 73% giá trị trúng thầu toàn thị trường, tiếp theo là Ngân hàng Phát triển Việt Nam với 40 nghìn tỷ đồng (21%), Ngân hàng chính sách xã hội với 7.380 tỷ đồng (4%)  và UBND TP. Hà Nội với 4.400 tỷ đồng (2%).

Năm 2013, Sở GDCK Hà Nội tiếp tục phối hợp với KBNN thực hiện hoán đổi 04 đợt, giảm 6 mã TPCP, khối lượng trái phiếu được hoán đổi là 33,42 triệu trái phiếu. Đến nay, chương trình hoán đổi trái phiếu kết hợp với phát hành lô lớn đã giảm được số mã trái phiếu Kho bạc từ 175 mã vào thời điểm cuối năm 2010 xuống chỉ còn gần 90 mã, với quy mô bình quân mã tăng từ  650 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 3.000 tỷ đồng, góp phần tăng thanh khoản cho TPCP.

Trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết đạt 556.417 tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm 2012, trong đó giá trị niêm yết TPCP là 360.376 tỷ đồng (65%), TPCP bảo lãnh là 147.181 tỷ đồng (26%), tín phiếu Kho bạc là 35.490 tỷ đồng (chiếm 6%) và trái phiếu chính quyền địa phương là 13.010 tỷ đồng (2%).

Về hệ thống giao dịch thứ cấp, ngày 18/3/2013, Sở đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 2 hỗ trợ đa thị trường, đa tiền tệ. Đây là hệ thống hiện đại tích hợp các hoạt động đấu thầu, giao dịch tín phiếu, trái phiếu và CBTT, tạo được sự liên thông giữa đấu thầu với giao dịch công cụ nợ ngắn hạn và dài hạn. Cùng với đó, hệ thống đường cong lợi suất TPCP cũng được đánh giá là một trong những chỉ báo thanh khoản quan trọng giúp cơ quản lý, tổ chức phát hành và nhà đầu tư đưa ra nhận định xu thế của thị trường và định giá trái phiếu.

Ngoài ra, các thành viên cũng thực hiện nghiêm túc quy định mới của Bộ Tài chính và UBCKNN về việc thành viên chào giá trên hệ thống đường cong lợi suất, và thành viên đấu thầu đồng thời là thành viên thứ cấp phải chào giá chắc chắn trên hệ thống giao dịch.

Nhờ đó, thanh khoản trên thị trường TPCP đã tăng mạnh, tổng giá trị giao dịch TPCP và tín phiếu đạt 417.106  tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 1.668 tỷ đồng/phiên, tăng gấp 2 lần so với năm 2012; tỷ lệ thanh khoản đã tăng từ mức 0,05 0,6 lần trong năm 2012 lên 0,3 0,9 lần trong năm 2013. Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2013 tăng trưởng cao nhất khu vực: tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 25 tỷ USD, trong đó thị trường TPCP tăng 24,8%, đạt 24 tỷ USD.

Sự phát triển của thị trường TPCP gần đây đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức thông tin tài chính lớn như Reuters và Bloomberg. Cụ thể, Bloomberg sẽ kết nối thông tin với Sở từ tháng 7/2014; thiết lập cơ chế trao đổi thông tin hai chiều, trực tuyến giữa hệ thống trái phiếu của Sở GDCK Hà Nội và hệ thống trái phiếu của Bloomberg nhằm tổng hợp toàn diện dữ liệu giao dịch thị trường, mở rộng phạm vi hoạt động giao dịch của thị trường TPCP Việt Nam.

Phát triển hệ thống sản phẩm mới

Nhằm xây dựng một hệ thống giao dịch hiện đại, nâng cao năng lực xử lý của hệ thống góp phần tăng cường thanh khoản và cung cấp thêm một số dịch vụ mới cho thị trường, sau một thời gian triển khai, dự án tích hợp và nâng cấp hệ thống giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/7/2013.

Hệ thống giao dịch mới được xây dựng trên cơ sở tích hợp hệ thống giao dịch dành cho thị trường cổ phiếu niêm yết, UPCoM và các thị trường dự kiến sẽ mở trong tương lai vào chung cùng một nền tảng phần mềm giao dịch, tạo thuận lợi cho công tác quản lý và vận hành giao dịch, tiết kiệm tài nguyên khi vận hành các thị trường hiện tại cũng như khi phát triển các thị trường mới.

Hệ thống được thiết kế linh hoạt, cho phép người sử dụng có thể thiết lập các dạng kết cấu phiên giao dịch khác nhau với những phương thức giao dịch, loại lệnh và các luật giao dịch khác nhau. Các quy định về giao dịch này có thể được áp dụng chung cho toàn thị trường, cho từng bảng giao dịch hoặc cho từng chứng khoán tùy theo nhu cầu của cơ quan quản lý, kể cả trong các trường hợp chứng khoán bị quản lý đặc biệt như hạn chế giao dịch trong ngày, trong tuần.

Được xây dựng trên nền công nghệ mới, áp dụng công nghệ xử lý khớp lệnh trên memory, đồng thời việc tách biệt các module tính toán thông tin giao dịch ra khỏi module xử lý giao dịch đã gia tăng đáng kể tốc độ xử lý của hệ thống. Năng lực xử lý của hệ thống có thể đạt 20 triệu đến 30 triệu lệnh trong một phiên giao dịch, đảm bảo khả năng xử lý lệnh trong cùng một thời điểm đạt ngưỡng 15.000 – 20.000 lệnh/giây (gấp 20-30 lần năng lực của hệ thống hiện nay).

Sau hơn 04 tháng triển khai, hệ thống giao dịch mới đã hoạt động ổn định, an toàn, tốc độ xử lý nhanh, số lượng lệnh và tần suất giao dịch của thị trường hiện tại chỉ chiếm 1 - 2% công suất của hệ thống.

Tiếp theo việc triển khai hệ thống phân ngành và kết quả phân ngành năm 2012, Sở GDCK Hà Nội đã công bố hệ thống phân ngành phiên bản 1.0 đối với các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở GDCK Hà Nội (HaSIC), đồng thời công bố kết quả phân ngành cấp I, cấp II của các doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội năm 2013 tính đến thời điểm ngày 30/9/2013. HaSIC được HNX xây dựng dựa trên cơ sở hệ thống phân ngành Việt Nam (Vietnam Standard Industrial Classification 2007 - VSIC 2007), các khuyến nghị về gộp ngành và tham khảo nguyên tắc, phương pháp phân ngành của một số hệ thống phân ngành lớn trên thế giới như: ICB, GICS... trong đó căn cứ vào tiêu chí chính là doanh thu để xác định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết.

Các doanh nghiệp niêm yết cũng được tham gia vào quá trình phân ngành, qua đó giúp Sở GDCK Hà Nội biết được quan điểm chính thức từ phía doanh nghiệp niêm yết, đồng thời bản thân doanh nghiệp cũng xác định được vị thế của mình khi so sánh với các doanh nghiệp khác trên TTCK.

Trên thị trường trái phiếu,  Sở đã hoàn thành dự thảo Bộ nguyên tắc xây dựng và quản lý chỉ số trái phiếu (Bond index) và chạy thử nghiệm bộ dữ liệu chỉ số trái phiếu Kho bạc; bên cạnh đó Sở cũng đang tiếp tục triển khai phát triển các sản phẩm mới như When issued, Bond future, Bond options, Cross repos currency, đến nay đang trong giai đoạn hoàn thiện đề tài nghiên cứu.