Thị trường chứng khoán phái sinh: Sân chơi cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo Bùi Xuân/nhandan.com.vn

Thị trường chứng khoán phái sinh ra mắt trung tuần tháng 8 vừa qua là một bước phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam, mở ra kênh giao dịch mới cho các nhà đầu tư, tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho thị trường tài chính. Song không phải thị trường mới mở nào cũng đầy hấp lực mà sự phát triển của nó còn phụ thuộc vào thị trường cơ sở và chính năng lực của các nhà đầu tư.

Với tỷ lệ đòn bẩy cao thị trường chứng khoán phái sinh luôn là một hấp lực đối với nhà đầu tư.Ảnh: Quang Minh
Với tỷ lệ đòn bẩy cao thị trường chứng khoán phái sinh luôn là một hấp lực đối với nhà đầu tư.Ảnh: Quang Minh

Rủi ro và cơ hội song hành

Nói đến thị trường chứng khoán phái sinh phần lớn các chuyên gia đưa ra các câu trả lời trong đó từ khóa “rủi ro” xuất hiện khá phổ biến. Vậy tại sao Việt Nam cần có thị trường chứng khoán phái sinh. Câu trả lời đơn giản là rủi ro và cơ hội luôn song hành. Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 17 năm phát triển đã đạt được mức độ ổn định và sự ra đời của các sản phẩm phái sinh là sự phát triển tiếp theo chuyên sâu hơn, hoàn thiện cấu trúc thị trường. Chức năng chính của thị trường phái sinh là giúp nhà đầu tư phòng ngừa rủi ro. Khi nhà đầu tư có công cụ để hạn chế được rủi ro thì họ sẽ yên tâm đổ nhiều nguồn lực hơn vào thị trường.

Sản phẩm chính của thị trường chứng khoán phái sinh là các hợp đồng tương lai. Có thể hình dung là các hợp đồng được ký kết trong thời điểm hiện tại nhưng việc giao dịch sẽ được thực hiện trong tương lai với giá được ấn định trước. Đây là một hợp đồng mang tính rủi ro cao cho người mua lẫn người bán. Nhưng trong tất cả các thị trường tài chính, người ta kinh doanh trên cái rủi ro và như các nhà chuyên gia vẫn hay nói “cái rủi ro có một cái giá cho người mua và một cái giá cho người bán”.

Nhưng dựa trên cơ sở đó thị trường cũng sẽ nắm bắt được cung cầu và giá trị của hàng hóa sẽ được xác định một cách thị trường hơn. Hơn thế nữa người mua sẽ được thúc đẩy đầu tư với một tỷ lệ đòn bẩy cao (tỷ lệ ký quỹ 10%) do đó thị trường chứng khoán phái sinh luôn là một hấp lực mạnh đối với các nhà đầu tư đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Nhờ đó sẽ thúc đẩy sự phát triển thanh khoản của thị trường cơ sở. Đó cũng là một trong những mục đích mà nhà quản lý thị trường nhắm tới. Và nó đồng thời cũng là một vế khác của sự rủi ro khi đòn bẩy cao sẽ thúc đẩy “lòng tham” của người chơi, dẫn đến tỷ lệ rủi ro cao nếu nhà đầu tư không nắm vững luật chơi cũng như thiếu dày dạn kinh nghiệm trong việc điều tiết lệnh đặt.

Nhà đầu tư có thể sử dụng đầu tư đòn bẩy với khối lượng lớn hơn rất nhiều số tiền ký quỹ hoặc sử dụng thị trường chứng khoán phái sinh làm công cụ phòng ngừa rủi ro khi thị trường có những biến động ngoài dự đoán. Do vậy lời khuyên của các chuyên gia là nhà đầu tư cần hiểu đầy đủ hơn về thị trường này để có quyết định đúng đắn hơn khi tham gia.

Phát triển một cách thận trọng

Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) Nguyễn Anh Phong cho biết, sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh chịu ảnh hưởng lớn của thị trường chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh ra đời thì thị trường cơ sở phát triển hiệu quả hơn. Bởi thị trường chứng khoán phái sinh thể hiện kỳ vọng của các nhà đầu tư nhìn nhận về thị trường cơ sở làm cho giá hàng hóa cơ sở mang tính thị trường hơn. Với đặc thù như vậy, quan điểm phát triển thị trường của các cơ quan quản lý sẽ đi từng bước chắc chắn, nhằm bảo đảm hạn chế ảnh hưởng tới thị trường cơ sở hiện nay. Do đó sản phẩm hàng hóa đầu tiên được đưa vào giao dịch là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Các sản phẩm đã được phê duyệt như hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 và hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ sẽ được triển khai sau khi thị trường vận hành một thời gian.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong bối cảnh môi trường tài chính Việt Nam như lạm phát, tăng trưởng, chỉ số tiền tệ biến động nhanh, mạnh hơn ở các nền kinh tế phát triển nên độ rủi ro của các sản phẩm phái sinh rất cao, chính vì thế thị trường Việt Nam cần phát triển một cách từ tốn từng bước một. Các thành phần tham gia thị trường phải thận trọng và sân chơi này chủ yếu dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Thị trường chứng khoán phái sinh rất mới nên có nhiều rủi ro chưa lường hết. Hiện mới có bảy công ty chứng khoán tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh. Các công ty này cũng tổ chức nhiều lớp tập huấn cho công chúng đầu tư song số lượng đào tạo mới ở mức hạn chế. Thông tin mới nhất từ Trung tâm lưu ký chứng khoán hiện đã có hơn 5.500 tài khoản sẵn sàng giao dịch phái sinh cho dù đây là con số đã tăng đáng kể so với thời gian mới mở thị trường, song giá trị thị trường cũng còn ở mức khiêm tốn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong ngày chính thức khai trương thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần tiếp tục theo dõi tình hình thực tế để hoàn thiện thể chế chính sách về chứng khoán và thị trường chứng khoán phù hợp thông lệ quốc tế và điều kiện phát triển đất nước để tiếp tục phát triển thị trường đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính đất nước; hoàn thiện mô hình giám sát và công bố thông tin trên thị trường phái sinh bảo đảm khả năng phòng ngừa rủi ro, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán.

Sự phát triển thị trường tài chính lên một bậc cao mới tuy chỉ là thử nghiệm ban đầu nhưng cũng là những tín hiệu tích cực cho sự hoàn thiện kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo thêm kênh huy động vốn trung và dài hạn vốn đang bị quá lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Song việc phổ cập và đào tạo cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để thu hút thêm những nhà đầu tư chuyên nghiệp vào lĩnh vực mới này.

Các thành phần tham gia thị trường phải thận trọng và sân chơi này chủ yếu dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp.