Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trở lại

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Đó là đánh giá của ông Markus Winkler, một nhà đầu tư (NĐT) Thụy Sĩ, người đã huy động hơn 1,8 tỷ USD cho các quỹ hoạt động tại Việt Nam.

 Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trở lại  - Ảnh 1
Ông Markus Winkler
Phóng viên: Ông bắt đầu huy động vốn cho thị trường Việt Nam từ khi nào, thưa ông?
Ông Markus Winkler: Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 1994, giai đoạn đầu sau “Đổi mới”. Năm 2001, khi Việt Nam và Mỹ đàm phán Hiệp định thương mại, tôi quyết định thăm lại Việt Nam. Triển vọng hội nhập kinh tế của Việt Nam đã thúc giục tôi đầu tư. Khi đó, Việt Nam chỉ có Quỹ VEIL của Dragon Capital. Để có thể đầu tư nhiều hơn và đa dạng hơn vào các loại tài sản và chiến lược đầu tư khác, tôi đã giúp các nhóm khác thành lập các quỹ đầu tư mới.

Gắn bó với Việt Nam nhiều năm, ông đánh giá thị trường chứng khoán (TTCK) và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam ở thời điểm này như thế nào?

Những công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành công nhất, như Nike, Intel và Samsung, tạo ra hàng vạn việc làm, qua đó làm tăng thu nhập và sức mua, giúp kinh tế tăng trưởng. Các DN này góp phần giúp Việt Nam đạt thặng dư thương mại trong năm ngoái từ mức thâm hụt kinh niên. Trong 8 tháng đầu năm 2013, khu vực DN trong nước bao gồm DN xuất khẩu nguồn tài nguyên ghi nhận mức thâm hụt thương mại khoảng 8,4 tỷ USD, trong khi đó, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức thặng dư 7,8 tỷ USD.

Phần lớn các công ty nhà nước đang hoạt động tốt, đặc biệt là những công ty sử dụng kinh nghiệm, kiến thức và vốn nước ngoài. Doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động tốt hơn nếu được cổ phần hóa và niêm yết. Việc quản trị DN, sử dụng nguồn vốn, hay quản lý nói chung sẽ được cải thiện đáng kể. Qua đó, các DN này sẽ đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế và thịnh vượng cho cả Việt Nam và người dân.

Đối với DN tư nhân, tôi thích các DN niêm yết, do thanh khoản và quản trị DN tốt hơn. Khi đã niêm yết, công ty bắt buộc phải công bố thông tin, tránh tình trạng cổ đông lớn làm theo “sở thích”. Nếu là NĐT dài hạn ở Việt Nam, thì bạn nên đầu tư vào các công ty tư nhân.

Ông nhìn nhận cơ hội đầu tư cho NĐT nước ngoài vào thị trường Việt Nam hiện nay ở những kênh nào?

Có thể chia NĐT thành nhóm NĐT nước ngoài, nhóm ETF và nhóm còn lại. Nhóm ETF thường đầu tư vào các cổ phiếu blue-chip, những cổ phiếu này được định giá hơi cao. P/E trung bình toàn thị trường hiện là 13 lần, tương đối thấp trong khu vực. Tuy nhiên, tôi cũng cân nhắc khi sử dụng chỉ số P/E do độ chính xác chưa cao, bởi có những công ty đang lỗ và bắt đầu lời thì P/E rất cao.

Nói chung, TTCK Việt Nam hấp dẫn về mặt giá trị, nhưng bị hạn chế do giới hạn tỷ lệ sở hữu tối đa (room) với NĐT nước ngoài. Room làm giảm sức hút đối với các NĐT tổ chức hoặc các NĐT chiến lược, bởi họ không thể có ảnh hưởng đến việc quản lý của các công ty niêm yết. Vì vậy, họ phải đầu tư vào các công ty tư nhân hoặc thành lập công ty mới để có thể quản lý công ty. Nhờ lợi thế về vốn và công nghệ, các công ty này hoạt động hiệu quả và dần chiếm được thị phần hơn những công ty niêm yết cùng ngành.

Ngoài ra, room khiến tổ chức cung cấp chỉ số MSCI không đưa Việt Nam vào trong chỉ số chứng khoán thị trường mới nổi của họ và như một hệ quả, Việt Nam không nằm trong danh mục của các quỹ đầu tư quốc tế hàng đầu tập trung vào thị trường mới nổi. Chỉ có hai quỹ ETF hoạt động tại Việt Nam, nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, mức chiết khấu lớn giữa giá trị tài sản ròng và thị giá chứng chỉ quỹ đã cản trở các quỹ trong việc huy động vốn, thậm chí buộc họ phải mua lại chứng chỉ quỹ để kiểm soát mức chiết khấu. Ví dụ, VinaCapital đã phải hoàn trả hơn 160 triệu USD theo cách này cho các NĐT của họ. Nói cách khác, khi room không được tăng đáng kể, gần như không thể huy động vốn cho các quỹ Việt Nam và ETF. Dòng vốn đầu tư vào thị trường cũng rất hạn chế, vì hầu hết cổ phiếu blue-chip đã hết room.

Việt Nam đang xem xét nới room cho NĐT ngoại, nếu tăng từ 49% lên 60% liệu có giải quyết được vấn đề ông vừa nêu?

Hoàn toàn không! Tỷ lệ 60% là không đủ để tổ chức cung cấp chỉ số MSCI đưa Việt Nam vào trong chỉ số tham chiếu của họ, do đó sẽ không thay đổi tâm lý NĐT cũng như tính hấp dẫn nguồn vốn đầu tư. Theo tôi, Việt Nam nên áp dụng “cổ phiếu vàng” để đảm bảo quyền biểu quyết, nhưng những quyết định quan trọng của công ty vẫn thuộc về các bạn. Nếu áp dụng cách này, chắc chắn Việt Nam sẽ được đưa vào chỉ số MSCI. Đây là cách để giúp các bạn tăng thêm lợi nhuận, chứ không phải để hài lòng NĐT nước ngoài.

Còn việc thu hút vốn FDI nói chung thì sao, thưa ông?

Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục thu hút FDI. Quan trọng hơn là sự chuyển giao công nghệ liên quan đến FDI. Tuy nhiên, nếu sự tự do hóa không tiến triển và cơ sở hạ tầng không được cải thiện nhanh chóng, các NĐT nước ngoài sẽ tìm địa chỉ khác thay thế, do chi phí nhân công ngày càng tăng.

Theo tôi, Việt Nam không nên thu hút các NĐT ngắn hạn (“tiền nóng”), mà nên thu hút các NĐT, DN kinh doanh lâu dài. Điều này chỉ có thể thực hiện được thông qua quá trình tự do hóa, môi trường đầu tư an toàn (hệ thống pháp luật ổn định và đáng tin cậy, thủ tục pháp lý nhanh chóng, quản trị DN tốt, cổ đông thiểu số được bảo vệ…), cơ sở hạ tầng được cải thiện, hệ thống thuế cạnh tranh… Việt Nam nên có visa riêng dành cho doanh nhân, NĐT nước ngoài với thời hạn 1 năm và quy trình đơn giản hơn.

Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề nợ xấu tại Việt Nam?

Theo quan điểm của tôi, vấn đề lớn là thiếu một luật phá sản hiệu quả, cho phép tịch biên tài sản cầm cố. Nếu có quy định này, tỷ lệ nợ xấu sẽ không bao giờ ở mức cao.

Ông đánh giá TTCK Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

Khoảng 6 - 9 tháng tới, thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Cuối năm nay, kinh tế Mỹ sẽ ổn hơn sau khi giải quyết được các vấn đề khó khăn hiện tại của họ, kinh tế Nhật cũng ổn định hơn sau biện pháp của Thủ tướng Shinzo Abe, từ đó tác động tích cực tới nền kinh tế Việt Nam. Hiện tại, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã được nới lỏng hơn như giãn thuế, ưu đãi lãi suất tín dụng bất động sản… là tiền đề để nền kinh tế phục hồi. Năm 2014, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6%.

Ông sẽ lựa chọn những ngành nào để đầu tư?

Tôi không quan tâm tới DN xuất khẩu hay những DN hướng đến xuất khẩu. Theo tôi, các công ty được hưởng lợi từ sức mua ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam là hấp dẫn như VNM hay những DN bất động sản cung cấp nhà ở hợp túi tiền. Nhu cầu tiêu thụ bất động sản ở Việt Nam còn rất cao. Nhu cầu về diện tích sinh hoạt của một gia đình cao hơn nhiều mức hiện tại là 19 m2. Do đó, số căn nhà được bán sẽ sớm tăng lên.

Người châu Á thường thích đầu từ vào bất động sản. Khi họ lạc quan thì họ đổ xô vào bất động sản, còn khi nền kinh tế xấu đi, họ bi quan, vô tình đẩy thị trường rơi vào khủng hoảng. Tôi đã có kinh nghiệm đầu tư vào khoảng 20 thị trường tương tự và cho rằng, bất động sản Việt Nam khá thích hợp để đầu tư.