Thị trường chứng khoán "thư giãn"... để sẵn sàng bứt phá

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Những động thái gần đây cho thấy, thị trường đã gắng hết sức và cần có sự nghỉ ngơi để lấy đà cho một năm tươi sáng.

 Thị trường chứng khoán "thư giãn"... để sẵn sàng bứt phá
Tâm lý thị trường đã quá hưng phấn thời gian qua và giờ đang điều chỉnh lại. Nguồn: internet

Với nhiều nhà đầu tư  thì tháng 11 trôi qua thật nhanh và quá nhiều cảm xúc. Đây có lẽ là tháng giao dịch sôi động nhất của sàn HOSE trong năm 2013 và khối lượng giao dịch của sàn này lập luôn cả hai kỷ lục.

Một là phiên giao dịch có khối lượng lớn nhất và khối lượng giao dịch trung bình cao nhất khi đạt đến 89 triệu đơn vị/phiên. Thị trường thật sự thăng hoa và chưa khi nào nhà đầu tư lại cảm thấy hứng khởi và kỳ vọng đến vậy.

Có được điều đó là nhờ niềm tin của nhà đầu tư vào tình hình kinh tế vĩ mô khả quan. Cũng đúng thôi, bởi ngay cả các tổ chức kinh tế nước ngoài như HSBC, ANZ, Earn & Young ... đều có đánh giá khá lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2014. Các số liệu kinh tế tháng 11 và 11 tháng đã được công bố cũng cho thấy một số chỉ tiêu như chỉ số hàng tồn kho, chỉ số IIP, CPI... phát đi tín hiệu khá lạc quan.

Còn trên thị trường, sau khi VN-Index vẫn tăng điểm trong phiên 26/11, phiên mà số cổ phiếu mua ngày 21/11 về tài khoản, nhà đầu tư càng trở nên tự tin và như được khích lệ, đã tiếp tục đổ tiền vào thị trường. Nhóm cổ phiếu thị giá thấp như KMR, PXL, PXM, VNH, FLC, MCG... tiếp tục thăng hoa càng khiến nhà đầu tư trở nên sôi sục. Tất cả đều hướng về trước với những kỳ vọng ngày càng cao.

Gần như mọi ngóc ngách thông tin được khai thác một cách triệt để. Ngay cả  những thông tin không chính thống cũng đã xuất hiện trên thị trường. Điển hình như thông tin về việc có nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản trị giá 300 triệu USD hay tin cổ phiếu VNM chuẩn bị chia 2:1. Chỉ có điều, những thông tin dạng này xuất hiện liên tục cũng là điều thường chỉ xuất hiện khi thị trường quá nóng.

Tuy nhiên, kể từ đây, thị trường lại có lý do để lo lắng. Kể từ sau phiên ngày 21/11 nếu quan sát kỹ, có thể nhận thấy khá nhiều cổ phiếu đã không thể chạm lại mốc cao nhất đạt được trong phiên này, cho dù có những phiên bật tăng mạnh trở lại. Đây chính là điều mà chúng tôi đã đề cập: câu chuyện “lòng tham” và “nỗi sợ”.

Ở mức giá hiện tại đã khiến nhà đầu tư lỗ từ 7 - 10%, nhưng diễn biến giao dịch lại luôn tạo kỳ vọng để nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư tiếp tục do dự không quyết đoán có thể sẽ lại phải gánh những hậu quả. Ngay cả chỉ số VN-Index cũng vậy, sau khi chạm đến ngưỡng cao nhất là 513 điểm cũng không còn đủ sức để bứt phá tiếp. 

Nhóm cổ phiếu nhỏ đã đảo chiều và giảm sàn hàng loạt ở phiên cuối tuần khiến nhà đầu tư trở nên e ngại. Trong khi đó, những dự báo về việc dòng tiền dịch chuyển sang nhóm bluechips vẫn không rõ ràng. Ở nhóm này, vẫn chỉ là sự giao dịch nhẹ trong biên độ hẹp và thanh khoản không cao. Vì thế, kỳ vọng vào sức bật mạnh đến từ nhóm này tiếp tục là một câu hỏi.

Một yếu tố quan trọng nữa là thanh khoản thị trường thời gian qua cực tốt. Tuy nhiên, câu hỏi lại đang được đặt ra là liệu có phải là dòng tiền bền vững từ bên ngoài chảy vào hay là có dòng tiền đòn bẩy tài chính. Việc các ngân hàng đang bí đầu ra trong khi nguồn tiền dồi dào thì không loại trừ khả năng có sự tham gia mạnh mẽ của dòng tiền này. Thanh khoản, một yếu tố hàng đầu của thị trường đang có dấu hiệu chùng xuống và nếu như thị trường đảo chiều sẽ tạo sức ép rất lớn lên những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

Niềm tin ngắn hạn của thị trường giờ chính là kỳ vọng vào đợt đảo danh mục của các quỹ ETF sắp tới. Thế nhưng, các nguồn tính toán lại cho rằng, kỳ đảo danh mục lần này sẽ không mang tính hỗ trợ, mà ở góc độ khác, không chừng lại là sự bán ròng. Lý do là thị trường đang thiếu vắng cố phiếu để thêm vào, trong khi các cổ phiếu trong danh mục đang gặp rắc rối liên quan đến điều lệ quỹ và bị buộc phải bán ra.

Những động thái gần đây cho thấy, thị trường đã gắng hết sức và cần có sự nghỉ ngơi để lấy đà cho một năm tươi sáng. Nếu như điều này xảy ra, thì ở một nhóm cổ phiếu nào đó sẽ có áp lực bán nhất định do một bộ phận nhà đầu tư phải giải nợ vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức.