Thị trường chứng khoán: Trả lại tên cho em!

Theo TTVN

Ba kênh dẫn vốn cho nền kinh tế là huy động vốn qua ngân hàng, thị trường chứng khoán (TTCK) và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò như kiềng ba chân, khi một chân bị gãy thì hai chân kia không thể đứng vững.

Thị trường chứng khoán: Trả lại tên cho em!
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Năm 2012 là một năm khó khăn với các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam. Mặc dù xuất hiện các con số tăng trưởng như huy động vốn trên TTCK đạt 152.600 tỷ đồng, tăng 54% năm 2011 nhưng về thực chất, mức tăng khổng lồ đó thuộc về trái phiếu Chính phủ, đạt 142.500 tỷ, tăng 75% so với năm 2011 trong khi huy động vốn trên TTCK chỉ đạt 10.100 tỷ đồng, giảm 42% năm 2011.

Nếu so sánh với con số huy động vốn trên TTCK Việt Nam năm 2010 đạt 110.000 tỷ đồng, con số huy động của năm 2012 đúng bằng 1/10.

Ba kênh dẫn vốn cho nền kinh tế là huy động vốn qua ngân hàng, huy động vốn qua TTCK và phát hành trái phiếu doanh nghiệp đóng vai trò như kiềng ba chân, khi một chân bị gãy thì hai chân kia không thể đứng vững.

Năm vừa qua, khi thị trường chứng khoán thanh khoản gần như cạn kiệt, các doanh nghiệp phải hủy bỏ các phương án phát hành vì có bán cũng chẳng ai mua, thị giá vài nghìn đồng, nhà đầu tư cứ nhìn thấy chia cổ phiếu, mua cổ phiếu,..là chạy. Không ai muốn mua qua ngày giao dịch không hưởng quyền để 1 tháng sau khi cổ phiếu về tài khoản giá chỉ còn 1/3.

Lúc này, gánh nặng đè lên vai ngân hàng. Nhưng nào có dễ? Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng năm 2012 chỉ đạt 8,91%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 12% của Chính phủ; thậm chí đến đầu tháng 1 năm 2013, tăng trưởng tín dụng vẫn âm hơn 1% cho thấy các ngân hàng gần như không cho vay ra. Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng mới thấy giật mình: VIB tăng trưởng âm 22%, BaovietBank tăng trưởng tín dụng 0,53%, Eximbank tăng trưởng tín dụng 0,35%...

Hãy để TTCK thực hiện “sứ mệnh” của nó

Có lẽ, những tiếng kêu khóc của các doanh nghiệp trong năm 2012 đã khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) không thể ngồi yên. Đã có những bước đi mạnh mẽ và quyết liệt chỉ trong 2 tháng đầu năm 2013 để vực lại kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Phát biểu trong cuộc họp đầu năm, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng đã phát biểu cần phải kiến nghị lên NHNN chính thức đưa chứng khoán ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất, và phải có cái nhìn thực chất về tầm quan trọng của TTCK. 8 biện pháp đề xuất đã được Bộ Tài chính thông qua như hỗ trợ doanh nghiệp được phát hành dưới mệnh giá, tăng biên độ hai sàn, nới margin, giảm phí…

Chứng khoán tăng trở lại, mức tăng 25% trong 2 tháng đầu năm đã đưa TTCK Việt Nam trở thành một trong các thị trường tăng điểm ấn tượng nhất thế giới đầu năm 2013.

Điều đáng mừng ở chỗ, thanh khoản thị trường đã tăng trở lại, có thời điểm giá trị giao dịch 2 sàn đạt trên 2.500 tỷ đồng và hiện duy trì ở mức trên dưới 1.300 tỷ mỗi phiên.

Các kế hoạch tăng vốn khủng lại được các doanh nghiệp đưa vào tờ trình xin ý kiến đại hội cổ đông. Các doanh nghiệp lớn lên kế hoạch phát hành hàng nghìn tỷ đồng như Hoàng Anh Gia Lai (kế hoạch phát hành cổ phiếu để chuyển đối trái phiếu với giá trị 1.575 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trị giá 1.075 tỷ đồng bằng cách chào bán cho cổ đông tỷ lệ 5:1 giá 10.000 đồng/cổ phiếu), CTG chào bán riêng lẻ 644 triệu cổ phần giá 24.000 đồng/cổ phiếu cho đối tác chiến lược Mitsubishi UFJ…

Hay CTCP Chứng khoán Đầu Tư Việt Nam trình cổ đông kế hoạch tăng vốn từ 161 tỷ lên 300 tỷ, kế hoạch này năm 2012 đã được đại hội cổ đông thông qua nhưng công ty chưa thực hiện được do điều kiện thị trường.

Các công ty nhỏ chấp nhận chào bán dưới mệnh giá như TTF (chào bán cho cổ đông hiện hữu giá 5.000 đồng/cổ phiếu), KSD (phát hành riêng lẻ 5 triệu cổ phiếu giá 1.500 đồng/cổ phiếu) và chấp nhận hạch toán âm vốn điều lệ, miễn sao huy động được vốn để khôi phục hoạt động kinh doanh.

Hiện hàng loạt các văn bản được UBCKNN ban hành để hỗ trợ TTCK phát triển bền vững, tạo kênh dẫn vốn hiệu quả và an toàn cho nền kinh tế. Gần nhất, quyết định về hệ thống quản trị rủi ro cho các công ty chứng khoán được ban hành, dự kiến trong tháng 3 sẽ ra mắt dự thảo về TTCK phái sinh, dự kiến trình Chính phủ xem xét trong năm nay để các nhà đầu tư có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro.

Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cũng cho biết trong năm 2013 sẽ xây dựng một loạt các ứng dụng hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường. Cụ thể, VSD sẽ cung ứng dịch vụ đại lý chuyển nhượng bán lẻ cho quỹ mở, hoàn chỉnh quy trình đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ với các giao dịch ETF, đồng thời xây dựng hệ thống vay và cho vay chứng khoán tập trung.