Thị trường chứng khoán: Trông đợi kết quả kinh doanh doanh nghiệp

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được sắc xanh khi chỉ số VN-Index đã liên tục tăng điểm, phá vỡ ngưỡng kháng cự 500 điểm.

Thị trường chứng khoán: Trông đợi kết quả kinh doanh doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được sắc xanh khi chỉ số VNIndex đã liên tục tăng điểm. Nguồn: internet

Thanh khoản trên cả hai sàn khá sôi động với khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh bình quân trong mỗi phiên đạt 81 triệu đơn vị/phiên.

Thị trường hưng phấn

Sự hưng phấn của thị trường được tiếp sức bởi các nhà đầu tư nước ngoài thông qua việc mua vào 16,47 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 237 tỉ đồng. Tính chung từ đầu tháng 10 thì nguồn vốn ngoại đã đổ vào thị trường chứng khoán tới hơn 34,7 triệu USD bằng chuỗi mua ròng trong 17 phiên liên tiếp.

Cũng trong tuần qua, quỹ Market Vector Vietnam ETF (quỹ Việt NamM) bất ngờ huy động được thêm 200.000 chứng chỉ quỹ, tức là khoảng 3,8 triệu USD. Qũy ETF này đã liên tục huy động để tăng thêm vốn và số lượng chứng chỉ quỹ tăng đều đặn kể từ ngày 4/9 đến nay.

Các nhà đầu tư đang trông đợi kết quả kinh doanh từ các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn để kỳ vọng là cơ sở cho đà tăng trưởng của thị trường. Trong đó, những ngành được hướng đến nhiều nhất là cao su, dầu khí và khí đốt tự nhiên. Nếu như ngành cao su được hưởng lợi từ giảm chi phí đầu vào thì ngành dầu khí và khí đốt tự nhiên lại có được vị thế độc quyền cũng như cầu tiêu dùng mạnh.

Rủi ro nợ xấu tiềm tàng

Tình hình tăng trưởng cho vay đến cuối tháng 9/2013 của các ngân hàng vẫn chưa có nhiều khả quan khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chỉ mới đạt khoảng 6,05%. Như vậy trong 3 tháng còn lại, để đạt được mục tiêu 12%, mỗi tháng tín dụng phải đạt khoảng 2%. Cho đến thời điểm này chỉ tiêu kế hoạch cuối năm của các tổ chức tín dụng đã có sự điều chỉnh khác nhau.

Nếu như các ngân hàng lớn hầu như sẽ chỉ đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ là 10% thì một số các ngân hàng nhóm dưới lại xin nới “room” tín dụng để đón đầu nhu cầu vốn của doanh nghiệp như: OCB, HDBank, SeABank. Sự phân hóa này cũng là điều dễ hiểu khi các ngân hàng nhỏ buộc phải tung ra nhiều gói tín dụng ưu đãi để cạnh tranh, thu hút khách hàng.

Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với rủi ro nợ xấu tiềm tàng nếu như các ngân hàng giảm bớt điều kiện giải ngân cho khách hàng nên không phải ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Bởi vấn đề nợ xấu cũng mới chỉ bắt đầu được giải quyết sau khi có sự tham gia của Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Số lượng các ngân hàng nộp hồ sơ bán nợ cho VAMC đã lên tới 20 và cơ quan này hiện cũng đã trình Ngân hàng Nhà nước các hồ sơ này để đưa ra các biện pháp xử lý trong thời gian tới.

Gói hỗ trợ cho vay mua nhà đã triển khai được hơn 4 tháng nhưng chỉ có rất ít đối tượng có thể tiếp cận được vì các ngân hàng đòi hỏi nhiều thủ tục và quy định giải ngân rất chặt chẽ. Theo số liệu của Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng mới tiếp nhận được 619 hồ sơ cá nhân với số tiền 203 tỉ đồng, trong đó chỉ có 590 khách hàng được giải ngân với tổng số tiền 142,5 tỉ đồng. Còn riêng khách hàng doanh nghiệp, các nhà băng cũng mới giải ngân được 54,8 tỉ đồng. Như vậy số tiền này chỉ chiếm chưa đầy 1% / tổng số tiền 30.000 tỉ đồng.