Thị trường chứng khoán Việt Nam: Nên phớt lờ sự biến động của chỉ số?

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua diễn biến khó lường với những phiên tăng giảm đột ngột lên đến hàng chục điểm. Có thể mới đầu phiên còn xanh mướt, nhưng về cuối phiên đã chìm trong sắc đỏ. Sự đảo chiều mạnh mẽ và bất ngờ đã không còn quá hiếm như giai đoạn trước đây.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người vốn bị hạn chế về mặt tiếp cận thông tin và đánh giá, phân tích chuyên sâu về xu hướng thị trường. Không ít người vì bị "dọa" trước sự biến động mạnh của chỉ số đã chốt lời non hoặc cắt lỗ ngay đúng thời điểm ít hợp lý nhất.

Với 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất đã chiếm hơn 80% vốn hóa toàn thị trường, trong đó 10 mã lớn nhất chiếm tỷ trọng đến 60% trên sàn HoSE, thì VN-Index chưa bao giờ bị thao túng và "vẽ chart" theo ý đồ của các "tay to" dễ dàng đến như thế.

Đặc biệt, kể từ khi thị trường phái sinh ra đời với các hợp đồng kỳ hạn lấy chỉ số VN30 làm cơ sở, thì các cổ phiếu vốn hóa lớn càng trở thành công cụ để các nhà đầu tư cá mập tận dụng triệt để, do đó VN-Index cũng bị biến động mạnh là điều dễ hiểu.

Chính vì vậy, theo những nhà đầu tư lão luyện thì việc giao dịch chứng khoán hiện nay không nên nhìn vào VN-Index như là một tín hiệu để quyết định chiến lược giao dịch được nữa. Thay vì vậy, việc tập trung nghiên cứu, tìm kiếm cổ phiếu các doanh nghiệp thật sự hấp dẫn và tiềm năng là cần thiết hơn nhiều và nên phớt lờ sự biến động khó lường của VN-Index.

Với những nhà đầu tư cơ bản, việc phân tích sâu sắc về tài chính của doanh nghiệp để đánh giá triển vọng tăng trưởng bao giờ cũng đúng đắn.

Với những nhà đầu tư kỹ thuật, việc tìm kiếm cổ phiếu đang tích lũy quanh vùng đáy và đánh giá triển vọng hồi phục lại được ưu tiên nhiều hơn. Không như giai đoạn trước, ngày nay càng có nhiều nhà đầu tư cá nhân có kiến thức phân tích kỹ thuật khá tốt và sử dụng linh hoạt các công cụ, do đó thị trường cũng phản ứng nhạy cảm với các mức hỗ trợ, kháng cự và chạy theo các xu hướng kỹ thuật nhiều hơn.

Đối với những nhà đầu cơ thích lướt sóng, thì việc nghe ngóng thông tin nội bộ của doanh nghiệp để biết trước những dự án chưa được công bố và sớm mua vào trước khi tin ra lại được thực hiện triệt để. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vào, thì các thương vụ góp vốn, thâu tóm và sáp nhập trở nên phổ biến hơn.

Vì vậy, nếu có thể biết trước doanh nghiệp nào sẽ được bán cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc trong mục tiêu bị thâu tóm, sáp nhập thì giá cổ phiếu thường tăng rất mạnh từ sớm và khi tin chính thức ra thì giá cổ phiếu đã đi được một quãng đường dài. Hiện tại, trên thị trường, có không ít doanh nghiệp có những dự án hợp tác chiến lược đầy tiềm năng như thế.

Còn đối với những người thích an toàn, lựa chọn đầu tư cổ phiếu chỉ mong có được lợi nhuận vừa đủ cao hơn lãi suất gửi tiền ngân hàng, thì chiến lược tìm kiếm những cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao là lựa chọn phù hợp. Tỷ suất cổ tức được tính bằng cổ tức tiền mặt/thị giá, nếu tỷ lệ này đảm bảo từ 9%/năm trở lên là đã hấp dẫn hơn kênh tiền gửi ngân hàng.

Trên sàn chứng khoán hiện nay không ít cổ phiếu giá giao dịch chỉ có 6.000 - 7.000đ/CP, nhưng tỷ lệ chia cổ tức hằng năm từ 9 - 10%, tức một cổ phiếu được nhận 900 - 1.000đ/CP, theo đó tỷ suất cổ tức từ 14 - 15%, thậm chí có những doanh nghiệp tỷ suất cổ tức lên tới vài chục %, và chiếm tỷ trọng lớn trong số này là những cổ phiếu trên sàn UPCoM, được xem như những mỏ vàng chưa được khai phá và do đó chưa thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.

Có thể thấy cơ hội trên thị trường luôn có và có đủ các mặt hàng phù hợp cho nhà đầu tư lựa chọn. Quan trọng là có đủ kiên nhẫn, say mê để tìm kiếm và quên đi những "hù dọa" về mặt điểm số của chỉ số chung, hay chỉ thích lướt những cổ phiếu đang nhảy múa theo của đội lái mà đã sắp đến lúc thoái trào.