Thị trường chứng khoán 6 tháng đầu năm 2012

Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã đi được một nửa chặng đường của năm 2012 với chỉ số chứng khoán VN-Index, HNX-Index tăng lần lượt 24%, 33% và khối lượng giao dịch tăng 78% so với cuối năm 2011. Mốc 488,07 điểm xác lập ngày 8/5/2012 là mốc điểm cao nhất mà VN-Index đạt được trong 6 tháng đầu năm nay và mốc thấp nhất là 336,73 điểm, xác lập ngày 6/1/2012.

Hoạt động quản lý các tổ chức trung gian

Năm 2012 là năm khó khăn đối với các công ty chứng khoán (CTCK). Quý I/2012, đã có 54 CTCK lỗ nâng tổng số công ty có lỗ lũy kế tính đến hết quý I/2012 là 66 CTCK (chiếm 63%), trong đó có 12 CTCK có lỗ lũy kế trên vốn điều lệ hơn 50%, 27 CTCK có vốn chủ sở hữu thâm hụt 50% so với vốn pháp định. Trong 6 tháng đầu năm 2012, mạng lưới của các CTCK có xu hướng bị thu hẹp lại, đã có 10 chi nhánh, 7 phòng giao dịch đóng cửa, trong khi chỉ có 3 chi nhánh và 2 phòng giao dịch được mở mới, tổng số chi nhánh hiện tại là 135 và 73 phòng giao dịch. Quy mô vốn điều lệ tính đến tháng 5/2012 là 35.941 tỷ đồng (không đổi so với thời điểm cuối năm 2011). Số lượng tài khoản nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đều tiếp tục tăng lên. Tính đến nay, tổng cộng có gần 1,2 triệu tài khoản (tăng thêm gần 12 nghìn tài khoản so với cuối năm 2011).

Tổng số công ty quản lý quỹ là 47 công ty với tổng vốn điều lệ là 2,6 nghìn tỷ đồng, quản lý tổng tài sản khoảng 98 nghìn tỷ đồng, giảm 23% so với cuối năm 2011; 23 quỹ đầu tư chứng khoán (17 quỹ thành viên và 6 quỹ đại chúng) và 29 văn phòng đại diện đang hoạt động.

Công tác quản lý công ty đại chúng, tạo hàng hóa cho thị trường

Trong 6 tháng đầu năm 2012, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCK) đã đăng ký cho 22 công ty đại chúng chưa niêm yết, nâng tổng số công ty đại chúng chưa niêm yết lên 986. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại có tổng cộng 1.690 công ty đại chúng, trong đó có 704 công ty đã niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), 130 công ty đăng ký giao dịch trên UpCom.

Tổng mức huy động trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 84 nghìn tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011). Tuy nhiên, vốn huy động qua phát hành cổ phiếu đã giảm mạnh (khoảng 50% so với cùng kỳ). Đã có 9 phiên đấu giá được tổ chức tại 02 SGDCK, với tổng giá trị chào bán đạt 206 tỷ đồng (giảm 50% so với cùng kỳ); 82 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ đã được tổ chức với tổng giá trị trúng thầu đạt trên 78,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước (22,7 nghìn tỷ đồng).

Việc giám sát các công ty đại chúng đã được tăng cường. Tuy nhiên, mức độ vi phạm về công bố thông tin gia tăng mạnh (chủ yếu là chậm nộp báo cáo tài chính và công bố thông tin bất thường). Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có 5 công ty bị hủy niêm yết, trong đó 4 công ty bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp; 87 công ty bị đưa vào diện cảnh báo, 16 công ty trong diện kiểm soát, 32 công ty bị cảnh cáo do vi phạm quy định về công bố thông tin.

Hoạt động thanh tra, giám sát thị trường

Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã có 67 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt là 3,922 tỷ đồng, trong đó, có 37 trường hợp vi phạm các quy định về công ty đại chúng, chào bán chứng khoán ra công chúng; vi phạm quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin của công ty đại chúng, công ty niêm yết. 2 CTCK đã bị UBCK yêu cầu tạm ngừng hoạt động giao dịch ký quỹ để khắc phục sai phạm, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 1 công ty quản lý quỹ do không suy trì điều kiện cấp phép và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục.

Đánh giá chung

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do kinh tế vĩ mô và diễn biến TTCK toàn cầu không thuận lợi, tuy nhiên công tác quản lý, giám sát hoạt động TTCK đã đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể:

- Khuôn khổ pháp lý, đề án và chính sách, giải pháp được xây dựng đồng bộ: Một loạt các đề án, chiến lược, văn bản pháp luật đã được ban hành đồng bộ, kịp thời như Chỉ thị 08/2012/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK; Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 – 2020 (Quyết định 252/2012/ QĐ-TTg); Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp (Quyết định 253/2012/QĐ-TTg); Đề án tái cấu trúc các CTCK; Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK và các Quyết định, chương trình hành động cũng được ban hành kịp thời nhằm triển khai tái cấu trúc TTCK một cách toàn diện. Nghị định hướng dẫn Luật chứng khoán sửa đổi bổ sung cũng đang được hoàn thiện để Chính phủ ban hành trong đầu quý III/2012.

- Hoạt động tái cấu trúc các CTCK được triển khai quyết liệt: Cùng với việc Đề án tái cấu trúc các CTCK đã được ban hành, UBCKNN đã tiến hành rà soát, phân loại các công ty chứng khoán theo các chỉ tiêu an toàn tài chính trong Thông tư 226/2010/TT-BTC và kết quả kinh doanh đã kiểm toán của các CTCK, phân loại các CTCK vào 3 nhóm: nhóm bình thường, nhóm kiểm soát và nhóm kiểm soát đặc biệt. Dựa vào kết quả phân loại, UBCK đã có các biện pháp xử lý đối với từng nhóm cũng như yêu cầu các CTCK có biện pháp khắc phục kịp thời. Theo báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính tháng 4/2012 của các CTCK, hiện có 22 CTCK có tỷ lệ an toàn tài chính dưới 180%. UBCK cũng đã ra Quyết định đặt 07 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt (Hà Nội, SME, Cao Su, Mê Kông, Hamico, Trường Sơn, Đà Nẵng).

- Hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ đã đạt được kết quả rất khích lệ: 82 đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ đã được tổ chức thành công với tổng giá trị trúng thầu đạt trên 78,8 nghìn tỷ đồng đã cho thấy hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ đã đóng góp tích cực cho công tác huy động vốn của Chính phủ, phục vụ cho các hoạt động vĩ mô của nền kinh tế.

- Vấn đề công bố thông tin, quản trị công ty của các công ty niêm yết đã có sự cải thiện: Thông tư 52/2012/TT-BTC về hướng dẫn công bố thông tin được ban hành đã giúp nâng cao tính công bằng, công khai, minh bạch cho thị trường. Hệ thống công bố thông tin đang ngày càng được hoàn thiện và hướng tới tự động hóa hoàn toàn trong hoạt động công bố thông tin. Bước đầu SGDCK Hà Nội đã triển khai hệ thống quản lý thông tin tự động đối với công ty niêm yết (CIMS) nhằm tăng cường chất lượng công bố thông tin, tăng tính chủ động của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác quản lý, giám sát TTCK cũng còn một số hạn chế nhất định như: Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện khung pháp lý còn chậm tiến độ so với đăng ký ban đầu, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản Luật phải chờ Nghị định quy định chi tiết, ban hành Nghị định lại phải chờ có Thông tư hướng dẫn mới thực hiện được quy định của Luật. Trong khi đó, TTCK lại luôn diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, đòi hỏi chính sách pháp luật phải nhanh nhạy, điều chỉnh kịp thời. Công tác giám sát thị trường và việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý các công ty đại chúng và các tổ chức trung gian trên thị trường chưa được tin học hóa đầy đủ. Hạ tầng công nghệ chưa được đầu tư đồng bộ, các trang thiết bị về an toàn bảo mật chưa được đầu tư đầy đủ khiến cho hệ thống luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.

Một số giải pháp phát triển thị trường cuối năm

Diễn biến TTCK toàn cầu những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn do những bất ổn của khủng hoảng nợ công châu Âu và khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong nước, khó khăn của khu vực doanh nghiệp khá lớn, mặc dù lạm phát được kiềm chế, lãi suất ngân hàng xu hướng giảm mạnh. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế đã có những dấu hiệu khá rõ. Trên cơ sở nội dung các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 08/ CT-TTg ngày 2/3/2012 về việc thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK; triển khai Quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển TTCK, các giải pháp phát triển TTCK được tập trung vào một số nội dung sau:

- Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, thể chế, chính sách phát triển thị trường: Trọng tâm trong những tháng cuối năm UBCK sẽ trình Chính phủ ký ban hành Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm; Xây dựng và trình TTCP Đề án tái cấu trúc SGDCKvà Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập SGDCK Việt Nam trên cơ sở hợp nhất 2 SGDCK hiện có; Xây dựng và trình Chính phủ Đề án TTCK phái sinh và Nghị định hướng dẫn TTCK phái sinh. Hoàn thiện để Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung; Nghị định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực TTCK (thay thế Nghị định 85/CP). Trên cơ sở đó, ban hành kịp thời các Thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện.

 Bài đăng Tạp chí Tài chính số tháng 7/2012

 

 

 

Thị trường chứng khoán: Vượt qua khó khăn, duy trì ổn định

TS. Nguyễn Sơn

(Tài chính ) Kinh tế vĩ mô trong nước những tháng đầu năm 2012 không mấy thuận lợi (nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn). Tuy nhiên, dưới sự điều hành của Chính phủ, lạm phát, nhập siêu dần được kiềm chế, lãi suất giảm dần so với năm 2011. Đi kèm với những dấu hiệu tích cực đó, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành các giải pháp hỗ trợ, giúp thị trường chứng khoán khởi sắc trong 6 tháng đầu năm.

Xem thêm

Video nổi bật