Thị trường đón thêm các sản phẩm chứng khoán mới trong quý II/2019

Theo Hoài Vũ/vneconomy.vn

Trong quý II/2019, dự kiến thị trường chứng khoán sẽ đón thêm các sản phẩm mới như: chứng quyền có bảo đảm (CW), hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, sau nhiều lần lỗi hẹn. Hiện tại, các công việc chuẩn bị cho triển khai các sản phẩm này đã hoàn tất và chỉ còn chờ ngày ấn nút.

Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đã hoàn tất, nên khi Bộ Tài chính cho triển khai là HNX khẩn trương đưa sản phẩm này vào giao dịch. Nguồn: Internet
Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đã hoàn tất, nên khi Bộ Tài chính cho triển khai là HNX khẩn trương đưa sản phẩm này vào giao dịch. Nguồn: Internet

Thêm lựa chọn cho nhà đầu tư

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ vốn được coi là một công cụ phòng ngừa rủi ro về lãi suất, giúp đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là hợp đồng tương lai dựa trên tài sản cơ sở là trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu giả định có một số đặc trưng cơ bản của trái phiếu chính phủ. 

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: Đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho triển khai hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đã hoàn tất, nên khi Bộ Tài chính cho triển khai là HNX khẩn trương đưa sản phẩm này vào giao dịch.

Đối với sản phẩm CW, theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, công tác chuẩn bị của cơ quan quản lý, cũng như các thành viên thị trường cho sự ra đời của CW cơ bản đã hoàn tất. Trong đó, Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã hoàn thiện bộ Quy chế hướng dẫn về CW, đồng thời xây dựng các quy trình nghiệp vụ có liên quan. Bộ Tài chính cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán và chính sách thuế về CW.

Về hạ tầng công nghệ của các thành viên, do hoạt động giao dịch CW tương tự như: cổ phiếu, nên không có sự điều chỉnh lớn đối với hệ thống giao dịch của HOSE, cũng như hệ thống thanh toán bù trừ của VSD. Ðối với các công ty chứng khoán là tổ chức phát hành, ngoài hệ thống giao dịch, còn cần phải đầu tư hệ thống phục vụ hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro. 

Báo cáo từ các công ty chứng khoán cho thấy, nhiều công ty đã đầu tư, lắp đặt hệ thống và hoàn tất việc chạy thử nghiệm với HOSE. Tương tự việc triển khai sản phẩm phái sinh, trong thời gian đầu, cơ quan quản lý sẽ giới hạn nhất định một số công ty chứng khoán đủ các tiêu chuẩn để tham gia phát hành CW.

Phía HOSE cũng đã hoàn tất việc xây dựng hệ thống giám sát giao dịch cùng với hệ thống giám sát hoạt động của tổ chức tạo lập thị trường. Các hệ thống đã được thử nghiệm và sẵn sàng đưa vào sử dụng. Uỷ ban Chứng khoán cũng phối hợp với HOSE và VSD để tăng cường sự giám sát.  

Cũng theo bà Bình, mục tiêu của cơ quan quản lý khi đưa CW vào vận hành là nhằm đa dạng hóa sản phẩm đầu tư trên thị trường chứng khoán, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, từ đó tạo thêm sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời góp phần giải quyết bài toán cho cổ phiếu hết room.

Đối với nhà đầu tư tham gia giao dịch CW, sản phẩm này sẽ cung cấp thêm một công cụ phòng ngừa rủi ro, cũng như gia tăng lựa chọn về sản phẩm đầu tư với khoản chi phí thấp hơn so với cổ phiếu truyền thống hay chứng chỉ quỹ...

Thận trọng với các rủi ro

Tuy nhiên, CW cũng tồn tại những mặt hạn chế và rủi ro nhất định, mà các nhà đầu tư hay chính những tổ chức phát hành cần lưu ý.

Đối với các công ty chứng khoán, để có thể trở thành tổ chức phát hành CW, các công ty phải có tiềm lực tài chính vững mạnh để đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ, phần mềm. Quy định pháp luật còn yêu cầu tổ chức phát hành phải ký quỹ ban đầu tối thiểu 50% giá trị loại CW dự kiến chào bán để đảm bảo khả năng thanh toán. 

Đây là một khoản chi phí lớn trong quá trình phát hành CW. Ngoài ra, trong quá trình phát hành sản phẩm, công ty chứng khoán còn phải thực hiện nghĩa vụ tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro cho sản phẩm CW mà mình phát hành.

Về phía nhà đầu tư tham gia giao dịch CW, đòn bẩy tài chính là "con dao hai lưỡi". Nhằm giảm thiểu rủi ro khi đầu tư CW, quy định pháp luật cũng không cho phép nhà đầu tư được thực hiện giao dịch ký quỹ đối với CW.

Có 3 điều nhà đầu tư cần phải lưu ý khi tham gia sản phẩm CW. Một là, cần phải hiểu biết về sản phẩm để sử dụng CW một cách đúng đắn cho những mục đích thích hợp. 

Hai là, xác định rõ mục tiêu của việc sử dụng CW là để tìm kiếm và gia tăng lợi nhuận đầu tư, hay phòng ngừa rủi ro biến động giá tài sản cơ sở. 

Ba là, cần phải tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành về năng lực tài chính, mức độ tín nhiệm, cũng như thông tin về đợt phát hành CW, theo dõi các thông tin giao dịch trên thị trường và lựa chọn sử dụng dịch vụ (môi giới, tư vấn) của những tổ chức kinh doanh chứng khoán đáng tin cậy.

"Việc tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán sẽ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư sở hữu chứng quyền và ảnh hưởng đến toàn thị trường. ÐSong các quy định đã được lập ra để hạn chế tối đa khả năng này", Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường cho biết.

Đơn cử, theo quy định tại Nghị định 60, để trở thành tổ chức phát hành CW, các công ty chứng khoán phải có quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên và có hoạt động kinh doanh hiệu quả. Hay theo quy định tại Thông tư 107, trong thời gian còn hiệu lực của CW, tổ chức phát hành CW có nghĩa vụ thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro để đảm bảo khả năng thanh toán cho nhà đầu tư khi CW đáo hạn.

Cũng lưu ý thêm, hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành được theo dõi giám sát chặt chẽ bởi HOSE thông qua chế độ báo cáo hàng ngày và Sở có quyền yêu cầu tổ chức phát hành giải trình nếu xét thấy các thông số đưa ra chưa hợp lý.

Cùng với đó, Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro của Uỷ ban Chứng khoán cũng quy định hạn mức chào bán nhất định đối với tổ chức phát hành. Theo đó, chỉ công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn tài chính tốt (tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 250%) mới được phát hành CW và chỉ được phát hành giá trị tương đương từ 5 - 20% vốn khả dụng của công ty.

Trong trường hợp tổ chức phát hành xảy ra rủi ro mất khả năng thanh toán, Thông tư 107 cũng đã quy định tài sản dùng để thanh toán cho người sở hữu CW, gồm tài sản phòng ngừa rủi ro và các tài sản khác có trên tài khoản tự doanh; tài sản có trên tài khoản ký quỹ tại ngân hàng lưu ký hoặc bảo lãnh thanh toán (số tiền ký quỹ 50% tổng giá trị CW phát hành). 

Trường hợp không đủ tài sản để thanh toán thực hiện quyền, việc giải quyết quyền lợi cho người sở hữu CW thực hiện theo quy định pháp luật liên quan áp dụng đối với chủ nợ có bảo đảm một phần.