Thị trường ngoại hối 6 tháng đầu năm 2014 và dự báo

(Tài chính) Tỷ giá bình quân liên ngân hàng là chỉ báo quan trọng trong chính sách tỷ giá và quản lý ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cũng là căn cứ để các ngân hàng được phép xây dựng mức mua bán trên thị trường. Với biên độ khống chế ở mức +/-1%, các ngân hàng được áp dụng giá mua bán thấp nhất ở 21.034 đồng và cao nhất không quá 21.458 đồng.

Thị trường ngoại hối 6 tháng đầu năm 2014 và dự báo
Trong 6 tháng đầu năm, thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định. Nguồn: internet

Điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng tăng 1%

Trong 6 tháng đầu năm 2014, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD được giữ ổn định ở mức 20.036 VND/USD cho đến ngày 19/6/2014 được NHNN điều chỉnh tăng 1% lên 21.246 VND/USD, theo đó trần tỷ giá mới là 21.458 VND/USD và sàn tỷ giá mới là 21.034 VND/USD. Sự điều chỉnh này thể hiện áp lực tăng tỷ giá VND/USD, nhu cầu ngoại tệ tăng nhưng vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của thị trường cũng như khả năng điều tiết của NHNN.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, sự điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng lần này là nhằm hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế khi bối cảnh khả năng hấp thụ của thị trường còn kém trong khi tình hình xuất khẩu có dấu hiệu khả quan.

Đồng tình quan điểm này, GS., TS. Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá tăng 1% là cần thiết để hỗ trợ xuất khẩu và bắt kịp tín hiệu của thị trường. Còn TS. Trần Du Lịch, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, mức điều chỉnh 1% cũng phù hợp với sự trượt giá trong vài năm gần đây của tiền Việt Nam và sự điều chỉnh này nằm trong dự báo.

TS. Trần Du Lịch cũng cho biết, mức điều chỉnh 1% lần này sẽ chưa tác động nhiều tới xuất khẩu bởi chỉ liên quan đến cung - cầu trên thị trường. Do đặc điểm của cơ cấu nhập khẩu là có nhiều nguyên liệu để phục vụ cho quá trình sản xuất trong nước, nên khi tỷ giá tăng nếu xuất khẩu được hưởng lợi cũng sẽ bù trừ với việc nhập khẩu bị ảnh hưởng xấu.

Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, sự điều chỉnh tỷ giá này sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng mới. Trước ảnh hưởng của vấn đề biển Đông, việc điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu lúc này cũng là một tác động tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng đối tác xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào đối tác nước ngoài.

Bên cạnh đó, sự điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ không tạo rủi ro lớn lên lạm phát. Bởi hiện nay, trong bối cảnh tổng cầu nội địa trong nước còn yếu, việc tăng tỷ giá dẫn đến giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng nhưng các doanh nghiệp cũng không dễ dàng tăng giá đầu ra. Ngoài ra, với thực trạng cung cầu của thị trường ngoại hối được đảm bảo trong thời gian qua sẽ tạo điều kiện cho NHNN duy trì sự ổn định của VND trong thời gian dài, khiến kỳ vọng về phá giá không nhiều.

Đối với thị trường chứng khoán, việc điều chỉnh tỷ giá này có phản ứng giống như lần điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng năm 2013, thị trường chứng khoán chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn nhưng sau đó hồi phục nhanh chóng (Ngày 27/6/2013, NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 1%, một ngày sau đó VN-Index đã giảm 3,7 điểm, nhưng nhanh chóng hồi phục và tăng lên). Sự điều chỉnh ngày 19/6/2014, VN-Index đã giảm 3,33 điểm nhưng đến cuối tháng 6/2014 (30/6/2014) VN-Index là 578,13 điểm, tăng 8,1 điểm so với ngày 18/6/2014.

Thị trường ngoại hối ổn định

Tính tới ngày 30/6/2014, tỷ giá trung bình của 23 ngân hàng thương mại đạt 21.251 VND/USD, tăng 0,8% so với mức tỷ giá của đầu tháng 01/2014 và tăng 1,04% so với cùng thời điểm năm 2013; tỷ giá tự do ngày 30/6/2014 là 21.305 VND/USD, tăng 0,6% so với tỷ giá tự do thời điểm đầu năm và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm 2013, xác lập mức tỷ giá tăng cao nhất trong tháng 6.

Theo hãng tin Reuters, tỷ giá trung bình của 23 ngân hàng thương mại trong tháng 6 (tính đến ngày 30/6/2014) tăng 0,6% so với thời điểm cuối tháng 5/2014 và tăng 0,8% so với cuối tháng 12/2013; tỷ giá tự do tăng 0,3% so với thời điểm cuối tháng 5/2014 và tăng 0,6% so với cuối tháng 12/2013.

Mặc dù, tỷ giá danh nghĩa đã được điều chỉnh 1%, song, do chênh lệch lạm phát giữa Mỹ và Việt Nam nên đồng VND vẫn bị định giá cao hơn 6,48% so với đồng USD (kỳ gốc là năm 2012).

Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm, thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, do được sự hỗ trợ của các yếu tố sau:

Thứ nhất, chính sách tỷ giá ổn định. Ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt định hướng năm 2014 sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt nhưng vẫn phải ổn định, mức điều chỉnh không quá 2%. Thực hiện định hướng đã đề ra, NHNN đã duy trì tỷ giá liên ngân hàng ở mức 21.036 VND/USD trong gần 1 năm (từ 28/6/2013 đến hết ngày 18/6/2014);

Thứ hai, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước (tính đến hết ngày 15/6/2014) thặng dư hơn 1,45 tỷ USD. Cụ thể: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt hơn 127,63 tỷ USD, tăng 12,9% (tương ứng tăng hơn 14,57 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt hơn 64,54 tỷ USD, tăng 15,4% (tương ứng tăng hơn 8,61 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 63,09 tỷ USD, tăng 10,4% (tương ứng tăng hơn 5,96 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013;

Thứ ba, các dòng vốn khác như FDI, ODA, kiều hối tương đối ổn định. Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2014, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính đã giải ngân được tỷ 5,75 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2013. Nguồn vốn ODA vào Việt Nam ổn định. Trong năm tài khóa 2014 (bắt đầu từ 1/4/2014 đến hết tháng 3/2015), Nhật Bản cam kết sẽ duy trì ổn định nguồn vốn ODA cho Việt Nam ít nhất bằng năm 2013 (khoảng 3,5 tỷ USD); Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ tiếp tục tài trợ 542 triệu euro cho Việt Nam trong năm 2014. Kiều hối cũng là một nguồn cung ngoại tệ ổn định và có xu hướng tăng từng năm. Năm 2013, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt mức cao 11 tỷ USD, dự báo sẽ tăng 20% trong năm 2014.

Thứ tư, dự trữ ngoại hối tăng cao. Trong 6 tháng đầu năm 2014, NHNN đã mua trên 10 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối nước ta lên hơn 35 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay.

Có thể thấy, các yếu tố vĩ mô hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu gây sức ép lên tỷ giá. Xu hướng tăng xác lập từ tháng 5/2014 chủ yếu do tác động của yếu tố tâm lý. Thị trường đã chuyển từ trạng thái “ổn định” sang “thận trọng” và có phần lo ngại trước diễn biến tình hình phức tạp trên Biển Đông. Theo đó, nguồn cung ngoại hối sụt giảm do cá nhân và doanh nghiệp hạn chế bán ngoại hối, chờ đợi thêm thông tin rõ ràng. Trong khi nguồn cầu ngoại hối tăng lên do các ngân hàng thương mại có xu hướng mua ngoại hối thu hẹp trạng thái âm đang nắm giữ; một bộ phận người dân có xu hướng chuyển sang các tài sản có độ an toàn cao như ngoại hối, vàng. Giá vàng mua vào và bán ra cuối tháng 6/2014 tăng cao, lần lượt là 36,70 triệu đồng/lượng (tăng 5,76% so với cuối năm 2013) và 36,82 triệu đồng/lượng (tăng 5,87% so với cuối năm 2013).

Dự báo trong thời gian sắp tới, tỷ giá có khả năng tăng giá theo xu hướng từ tháng 5, nhưng tỷ giá từ nay đến cuối năm có thể sẽ không vượt quá mức 1% mà Thống đốc NHNN đã đưa ra. Theo dự báo của Reuters, tỷ giá VND/USD trên thị trường chính thức sẽ đạt mức tỷ giá bình quân 21.700 VND/USD vào cuối năm 2014, tăng 3,34% so với tỷ giá bình quân năm 2013.


Ngọc Linh - Thông tin Tài chính số 14 kỳ 2 tháng 7/2014