Thị trường phục hồi, “cửa” tăng vốn sáng hơn…

PV.

(Tài chính) Sự phục hồi của thị trường chứng khoán (TTCK) trong hơn một tháng đầu tiên của năm 2014 mở ra kỳ vọng tăng vốn cho nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết và công ty đại chúng. Đây không hề là điều viển vông nếu nhìn lại những con số của năm 2013.

Trước triển vọng phục hồi của TTCK, Đại hội cổ đông của nhiều DN đã thông qua kế hoạch tăng vốn trong năm 2014. Nguồn: finacePlus.vn
Trước triển vọng phục hồi của TTCK, Đại hội cổ đông của nhiều DN đã thông qua kế hoạch tăng vốn trong năm 2014. Nguồn: finacePlus.vn

Những con số ấn tượng

Kết thúc năm 2013, mức vốn hóa của TTCK Việt Nam vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31% GDP. Trong số đó, tổng giá trị huy động vốn qua cổ phần hóa và phát hành thêm cổ phiếu của DN là 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Quy mô huy động vốn qua phát hành riêng lẻ cũng tăng mạnh, đạt khoảng trên 24 nghìn tỷ đồng (gấp 5 lần so với cả năm 2012). Đây là những kết quả khá ấn tượng trong bối cảnh không ít công ty buộc phải rời sàn hoặc tự nguyện huỷ niêm yết vì thị giá thấp, khó huy động vốn.

Thống kê trên cho thấy, dù nhiều DN đã phải rời sàn bởi các lý do khác nhau nhưng quy mô của TTCK vẫn không ngừng lớn mạnh. Điều này khẳng định “dòng chảy” chính của thị trường vẫn là nỗ lực đi lên dù chậm và không ít khó khăn. Thực tế khẳng định cứ mỗi khi thị trường khởi sắc là những DN có kế hoạch kinh doanh khả thi hoặc chuẩn bị kỹ cho việc tăng vốn đều có thể đạt được mục đích đề ra.

Năm 2013, dù diễn biến thị trường không phải là đã thuận lợi nhưng sàn HoSE vẫn tăng ròng 2,82 tỷ cổ phiếu, nâng lượng cổ phiếu trên sàn này lên 26,87 tỷ cổ phiếu, cao nhất từ trước đến nay. Tương tự, với sàn HNX, dù trong năm chứng kiến không ít DN tiến hành huỷ niêm yết cổ phiếu nhưng số lượng cổ phiếu niêm yết cuối năm 2013 vẫn đạt hơn 8,73 tỷ đơn vị, tăng 98 triệu đơn vị so với đầu năm. Số đơn vị cổ phiếu tăng thêm này tương ứng bằng số vốn điều lệ của khoảng 10 DN tầm trung trên sàn này.

Trong “bức tranh” vốn hóa của TTCK vẫn tăng trưởng đó, có không ít DN đã tận dụng tốt khả năng huy động vốn ở những thời điểm thích hợp. Bằng các hình thức như trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông nội bộ; tăng vốn qua chuyển đổi trái phiếu phát hành trước đó… nhiều DN đã hoàn thành được mục tiêu huy động vốn do Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Triển vọng trong năm 2014

Việc TTCK Việt Nam có thời điểm đạt mốc gần 560 điểm trong những phiên giao dịch đầu tháng 2/2014 mở ra kỳ vọng huy động vốn cho không ít DN niêm yết. Chuẩn bị cho quá trình này, tại Đại hội cổ đông năm 2014, nhiều DN đã xin ý kiến và được cổ đông chấp thuận những kế hoạch tăng vốn lớn trong năm. Đơn cử như Công ty cổ phần Bảo hiểm PVI, sau khi hoàn thành đợt tăng vốn hồi tháng 12/2013 lên 1.850 tỷ đồng đã xây dựng kế hoạch tăng vốn lên 2.100 tỷ đồng trong năm 2014 để hướng tới mục tiêu trở thành DN bảo hiểm có quy mô vốn lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ. Một công ty con của PVI là PVI Re sẽ tiếp tục tăng vốn lên trên 825 tỷ đồng vào đầu năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn tất việc tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng vào năm tiếp theo nếu thị trường tiếp tục diễn biến khả quan.

Một DN bảo hiểm khác là Công ty Bảo hiểm Samsung Vina - SVI cũng đang cân nhắc việc tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng trong năm nay. Hay Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long cũng đã thống nhất kế hoạch dự kiến triển khai phương án tăng vốn điều lệ từ 90 tỷ đồng lên 160 tỷ đồng trong năm 2014, đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, việc tăng vốn không hoàn toàn khả khi với tất cả các loại hình DN. Cụ thể, nhóm DN bất động sản, nhóm ngân hàng quy mô nhỏ nhiều khả năng tiếp tục không hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ vì điều kiện thị trường chưa cho phép cũng như khó tìm các đối tác đầu tư tiềm năng.

Ở thời điểm này, cửa tăng vốn của các DN bất động sản, đặc biệt là ngân hàng trông chờ rất nhiều vào dòng vốn ngoại. Với việc Chính phủ chính thức nới “room” sở hữu từ 15% lên 20% với cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng, kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ tăng lên trong năm nay. Với các DN bất động sản, việc tăng vốn rất có thể gắn liền với hoạt động M&A bắt đầu nở rộ kể từ năm 2013 và rất có thể sẽ tiếp tục “được mùa” trong năm 2014.

Mặc dù vậy, các kế hoạch tăng vốn của DN niêm yết và DN đại chúng để thành công cũng cần hiện tính toàn thời điểm để không chỉ thị trường thuận lợi mà còn không “giẫm chân” lên các cuộc IPO khủng của ngành Giao thông, ngành Dệt may, ngành Hàng không, ngành Viễn thông dự kiến sẽ diễn ra rầm rộ trong năm 2014.