Thị trường sẽ “hồi sinh”

THS. TRẦN THỊ VÂN HUYỀN

(Tài chính) Sau một số phiên nhà đầu tư (NĐT) bán tháo cổ phiếu bởi lo ngại tình hình căng thẳng trên biển Đông, nhiều chuyên gia tài chính khẳng định thị trường sẽ dần “hồi sinh”. Thực tế giao dịch cho thấy, tâm lý NĐT đang dần ổn định trở lại.

NĐT cần phải có một kế hoạch cụ thể, để vừa tận dụng được giá cổ phiếu rẻ, đề phòng thiệt hại trước những diễn biến bất thường có thể xảy ra. Nguồn: internet
NĐT cần phải có một kế hoạch cụ thể, để vừa tận dụng được giá cổ phiếu rẻ, đề phòng thiệt hại trước những diễn biến bất thường có thể xảy ra. Nguồn: internet

Nội bán tháo, ngoại tăng mạnh

Việc thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam điều chỉnh giảm trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2014 là bình thường sau chu kỳ tăng “nóng”. Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng ở biển Đông mà cụ thể là việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD - 981 trái phép cùng nhiều tàu thuyền vào sâu vùng biển Việt Nam đã dấy lên tâm lý bất an nơi các NĐT. Điều thị trường không mong muốn đã xảy ra - Phản ứng bán tháo cổ phiếu trong một số phiên giao dịch.

Đây không phải là lần đầu tiên TTCK Việt Nam phản ứng mạnh mẽ với những thông tin bất lợi. Lần gần nhất, năm 2012, hoạt động bán tháo cổ phiếu cũng đã diễn ra khá mạnh khi cơ quan công an ra lệnh khởi tố “bầu” Kiên. Sự lặp lại này cho thấy tâm lý của NĐT Việt Nam, nhất là NĐT nội, NĐT nhỏ lẻ vẫn chậm trưởng thành, dù TTCK đã ra đời và vận hành gần 14 năm. Một “điều quen thuộc” nữa thêm một lần lặp lại đó là hành động mua mạnh cổ phiếu tốt của khối NĐT nước ngoài trong những phiên NĐT nội bán tháo.

Cụ thể, phiên giao dịch ngày 15/5/2014, trong khi bên bán hối hả các lệnh “xả sàn” thì khối ngoại đóng vai trò là lực đỡ chính cho thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, khối này mua vào hơn 31,2 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 600 tỷ đồng, chiếm 22,4% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Các cổ phiếu tốt đã điều chỉnh về mức hợp lý như HAG, GAS, MSN, HPG, PVD, KLS, VND, PVS, VCG, SHB… tiếp tục được mua vào mạnh nhất trên cả hai sàn. Trong đó, HAG được mua vào hơn 3 triệu đơn vị, còn KLS hơn 2,3 triệu đơn vị.

Với lực đỡ từ khối ngoại, nhiều NĐT nội cũng mạnh dạn giải ngân giúp thanh khoản toàn thị trường gia tăng đáng kể, hạn chế đà giảm của hai chỉ số. Xét chung toàn thị trường, nhóm các cổ phiếu bất động sản như FLC, ITA, HQC, DLG, PVX, SCR, cổ phiếu ngành chứng khoán như SSI, KLS, SHS… cũng được quan tâm đáng kể.

Nhìn lại tuần đỉnh điểm của những phản ứng thái quá trên TTCK trong tháng 5/2014 (từ 12/5 - 16/5), điểm tích cực đó là dòng tiền bắt đáy và khối ngoại vẫn duy trì khá tốt lực mua trong xu thế giảm mạnh. Điều này đã giúp giới đầu tư nhanh chóng giải tỏa lo lắng và đẩy mạnh mua vào trong phiên giao dịch cuối tuần và sắc xanh trở lại tích cực hơn. Lực mua của dòng tiền tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu đầu cơ như chứng khoán, bất động sản, xây dựng, khai khoáng... giúp cho những cổ phiếu trong nhóm này kết thúc tuần giao dịch với sắc tím chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Đây cũng là tuần NĐT nước ngoài tăng cường mua ròng 1.348 tỷ đồng với giá trị mua ròng mạnh, rải đều các phiên. Như vậy, các NĐT nước ngoài một lần nữa hành động ngược lại với NĐT trong nước. Còn nhớ hồi tháng 3/2014, khi VN-Index tiến sát ngưỡng 600 điểm, chính các NĐT nước ngoài đã bán mạnh các blue- chips, đặc biệt là cổ phiếu HAG, còn khi thị trường lùi về gần ngưỡng hộ trợ 500 điểm, họ đã mạnh tay thu gom thêm một lượng đáng kể cổ phiếu giá rẻ bất chấp sự hoang mang của giới đầu tư trong nước. Với lực mua nhắm vào nhiều cổ phiếu lớn, có sức dẫn dắt thị trường thì khối ngoại được xem là động lực không nhỏ giúp thị trường dần đi vào ổn định.

Kỳ vọng thị trường sớm hồi sinh

Theo chuyên gia tài chính - chứng khoán nổi tiếng của Nhật Bản Imai Masayuki, TTCK Việt Nam tuy có sự suy giảm tạm thời, nhưng xu hướng tăng trong cả năm có thể vẫn được duy trì và nhiều khả năng chu kỳ tăng sẽ kéo dài đến năm 2015-2016. Xét về dài hạn, căng thẳng chủ quyền chưa chắc sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế và kết quả kinh doanh của DN. Đặc biệt, hiện nay, các công ty Nhật Bản dần rút khỏi Trung Quốc và chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo.

“Tôi tin rằng nếu Việt Nam, bắt tay hợp tác chặt chẽ với Nhật và các nước để tiếp nhận vốn, kỹ thuật, sự hậu thuẫn của các nước này thì chỉ trong vòng 10 năm tới nền kinh tế Việt Nam sẽ có bước tăng trưởng mạnh” - Ông Imai Masayuki nhận định.

Đa số các cổ phiếu đã về vùng giá của cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Nếu không có những diễn biến xấu hơn, thì cổ phiếu thuộc các ngành này cũng sẽ tích lũy trở lại ở vùng VN-Index tương đương 525 điểm.

Ông Trần Thăng Long,
Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán BSC

Theo Công ty Chứng khoán Tân Việt, trong nhịp giảm vừa qua, nhiều cổ phiếu đã tạo ra mức giá thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây. Điều đó đang tạo ra sự hấp dẫn với những NĐT nước ngoài và nhiều định chế tài chính với nguồn vốn dồi dào. Các NĐT cá nhân, NĐT nội cần nhìn sang những TTCK trong khu vực như Philippines hay Thái Lan.

Thời gian qua, dù gặp những vấn đề tương tự họ vẫn luôn vững vàng trước những biến cố để tránh phản ứng hoảng loạn, gây thua thiệt. Thực tế, ở những nhịp giảm mạnh, chúng ta đều thấy cầu mua tăng lên rất mạnh, trái ngược với những phiên thị trường tăng “nóng”. Rõ ràng, những NĐT chuyên nghiệp đang tận dụng tối đa cơ hội để mua vào. Vì thế lúc này, NĐT cần phải có một kế hoạch cụ thể, để vừa tận dụng được giá cổ phiếu rẻ, đề phòng thiệt hại trước những diễn biến bất thường có thể xảy ra. Hãy tạm quên đi những biến động trong ngắn hạn để nhìn về dài hạn.

Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán IVS, cơ hội mua được cổ phiếu tốt với mức giá hấp dẫn đã mở ra nhưng trong ngắn hạn thì mọi thứ vẫn khó lường và không phải mã nào cũng nên mua vào. Lúc này, NĐT không nên sử dụng đòn bẩy tài chính mạnh, và cần có kỷ luật đầu tư để tránh những yếu tố bất ngờ. Những vấn đề trên biển Đông là điều khó có thể dự báo được và tâm lý của NĐT vẫn còn lo ngại về điều này. Với những chuyển động đối ngoại cũng như tâm lý NĐT đang ngày càng tích cực hơn, hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ diễn ra và căng thẳng biển Đông sẽ sớm được giải quyết.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 5 - 2014