Thị trường tiền tệ tạo tiền đề cho ổn định kinh tế vĩ mô

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Thị trường tiền tệ theo nghĩa chung nhất đó là các giao dịch ngắn hạn về tiền tệ, với đặc trưng là lãi suất, phản ánh quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường. Trong những tháng đầu năm 2013, các cú sốc về lãi suất, cũng như tình trạng thiếu thanh khoản đã không xảy ra, thị trường đi dần vào xu thế ổn định, tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững theo các mục tiêu Chính phủ đề ra của năm 2013.

Thị trường tiền tệ tạo tiền đề cho ổn định kinh tế vĩ mô
Thị trường tiền tệ theo nghĩa chung nhất đó là các giao dịch ngắn hạn về tiền tệ, với đặc trưng là lãi suất, phản ánh quan hệ cung - cầu vốn trên thị trường. Nguồn: internet

Về mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường

Hiện nay, trên thị trường không còn tình trạng các ngân hàng thương mại (NHTM) chạy đua tăng lãi suất huy động vốn và vượt trần lãi suất huy động như trước đây. Lãi suất huy động vốn nội tệ (VND) về cơ bản là ổn định, nhưng có sự chênh lệch nhất định giữa 2 khối NHTM. Cụ thể:

Đối với nhóm NHTM nhà nước: Tiền gửi không kỳ hạn từ 1%-1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 5%-6,5%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6,5%-7%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 7,5-8%/năm.

Đối với nhóm NHTM cổ phần: Tiền gửi không kỳ hạn khoảng 1,2%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng khoảng 6,5%-7%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 7%-8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 8%-9%/năm. Như vậy, nhìn chung mức chênh lệch lãi suất các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giữa 2 khối NHTM từ 1-1,5%/năm.

Hiện nay chỉ còn cá biệt có một số ít NHTM cổ phần quy mô và thương hiệu khiêm tốn đang niêm yết lãi suất tiền gửi nội tệ kỳ hạn trên 12 tháng từ 9,2%-9,8%/năm. Mức chênh lệch này nếu so với cách đây 1 năm, thì cũng đã giảm khá nhiều. Như vậy, trên cả 3 góc độ: mức độ biến động lãi suất trên thị trường, khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa các NHTM và minh bạch về lãi suất, thì thị trường tiền tệ khá ổn định.

Thực tế trên cho thấy, do môi trường kinh tế vĩ mô hiện nay, đầu tư vào bất động sản và vàng có quá nhiều rủi ro, đầu tư vào ngoại tệ, thì hầu như không có lãi, nên việc đầu tư tiền gửi nội tệ vào NHTM vẫn là kênh chủ đạo. Vì thế, tính đến 18/9/2013, mặc dù lãi suất huy động giảm, nhưng huy động vốn tăng 11,74%, trong đó huy động vốn bằng VND tăng 11,63%, bằng ngoại tệ tăng 12,43%.

Nếu như cuối năm 2012, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức) ở mức 93,7%, thì đến ngày 18/9/2013 ở mức 92,21%. Thanh khoản của nhóm ngân hàng nước ngoài tương đối cân bằng, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng VND trên thị trường 1 ở mức 89%, nhưng vẫn còn một số ngân hàng có tỷ lệ trên 100%.

 Không chỉ nội tệ mà lãi suất huy động USD hiện nay cũng khá ổn định so với trước đây. Hiện nay, lãi suất huy động USD của các NHTM phổ biến bằng mức trần do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 1,25%/năm đối với tiền gửi của dân cư. Song, thực trạng nói trên cũng phản ánh mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực huy động vốn vẫn tiếp tục diễn ra sôi động trên nhiều khía cạnh:

Một là, có sự phân biệt nhất định giữa các NHTM và giữa 2 khối NHTM về lợi thế cạnh tranh. Các NHTM nhà nước vẫn có lợi thế vì nhiều người vẫn tin vào ngân hàng có vốn nhà nước; khối này có mạng lưới rộng, có điều kiện thu hút tiền gửi của các tổ chức và có điều kiện tham gia thị trường mở. Tương tự, các NHTM cổ phần có thương hiệu khá, có uy tín, vẫn có lợi thế về thu hút tiền gửi và tham gia các kênh khác hơn là các NHTM cổ phần mới cơ cấu lại.

Hai là, giá cả, hay nói cách khác, lãi suất hấp dẫn vẫn là một công cụ cạnh tranh trong huy động vốn. Nhiều người dân vẫn mạnh dạn tìm đến gửi tiền tại các NHTM cổ phần có quy mô và thương hiệu khiêm tốn, nhưng có lãi suất cao hơn NHTM khác.

Ba là, thị trường tiền tệ phát đi tín hiệu trần lãi suất huy động vốn nội tệ theo quy định của NHNN đang trong xu hướng cần sớm được bãi bỏ vì không còn cần thiết.

Tín dụng đang tăng trưởng thuận lợi

Diễn biến trong lĩnh vực cho vay cũng đang được vận hành theo chiều hướng tích cực đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Quý đầu tiên năm 2013 chứng kiến tín dụng ảm đạm khi cả 2 tháng đầu năm 2013 tăng trưởng tín dụng âm. Cụ thể, tháng 1/2013, tăng trưởng tín dụng âm 1,2%, tháng 2 dù mức độ ảm đạm đã giảm, tăng trưởng vẫn ở mức âm 0,28%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp dư nợ tín dụng những tháng đầu năm có bước lùi so với năm trước đó. Mức tăng trưởng tín dụng âm cho thấy, nhu cầu tín dụng và đầu tư của nền kinh tế giảm sút rất mạnh. Tuy nhiên, tháng cuối cùng của quý I/2013, tín dụng đã có dấu hiệu cải thiện, khi tăng trưởng tín dụng đã vượt qua con số âm với mức tăng 0,99%.

Quý II/2013, dù tăng trưởng tính đến cuối tháng 6 vẫn chỉ đạt 3,31%, nhưng con số này ghi nhận lớn hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (0,76% tính đến hết 30/6/2012). Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho họat động sản xuất, kinh doanh, khơi thông dòng vốn tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ đã bước đầu phát huy hiệu quả khi dư nợ tín dụng đều tăng khả quan.

Bước sang quý III, đây là thời điểm khó khăn đối với ngành ngân hàng. Theo mục tiêu tăng trưởng 12% của năm nay, thì 6 tháng còn lại, mỗi tháng tín dụng phải tăng trung bình khoảng 1,3% - một con số không đơn giản trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Hai tháng gần đây, tín dụng tiếp tục chuyển biến tích cực với mức tăng trung bình 2 tháng đạt trên 1,57%. Tính đến hết tháng 7/2013, tín dụng đã tăng trưởng 5,3% (cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2012 tăng 1,2%. Đến hết tháng 8, tổng dư nợ cho vay của các TCTD đối với nền kinh tế đã tăng 6,45% so với cuối năm 2012, trong đó dư nợ cho vay bằng nội tệ đã tăng 10,4%.

Điều đáng lưu ý là các TCTD nghiêm túc thực hiện quy định của NHNN về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể:

Đối với nhóm NHTM nhà nước: Đến hết tháng 8/2013, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7%-9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác khoảng 9%-10,5%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 11,5%-12,8%/năm; trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã được các NHTM cho vay với mức lãi suất chỉ 6,5%-7%/năm.

Đối với nhóm NHTM cổ phần: Cùng thời điểm trên, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 8%-9%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác phổ biến ở mức 9,5%-11,5%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 12%-13%/năm. Cá biệt, vài ngân hàng đang huy động với lãi suất cao do có những khoản kinh doanh cần nguồn vốn lớn chứ không hẳn do thiếu thanh khoản. Điển hình là vụ “phá giá” của Ocean Bank với lãi suất chỉ còn 5,91%/năm.

Lãi suất cho vay USD phổ biến 4%-7%/năm. Trong đó, các NHTM nhà nước là 4% - 5%/năm đối với ngắn hạn, 6% - 7%/năm đối với trung và dài hạn; các NHTM cổ phần khoảng 5% - 6%/năm đối với ngắn hạn, 6,5% - 7%/năm đối với trung và dài hạn.

Các mức lãi suất cho vay có sự chênh lệch giữa các lĩnh vực nói trên phù hợp với định hướng của Chính phủ về các lĩnh vực ưu tiên, cũng như mức độ rủi ro và chiến lược kinh doanh của các NHTM; phản ánh thực tế cạnh tranh thu hút và lựa chọn khách hàng của bên cho vay.

Thị trường liên ngân hàng phát huy hiệu quả

Sự ổn định của thị trường tiền tệ có hướng vững chắc bởi nền tảng của sự sôi động trên thị trường liên ngân hàng. Theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ gần nhất bình quân khoảng 15.167 tỷ đồng/ngày làm việc; bằng USD quy đổi ra VND đạt 46.965 tỷ đồng, bình quân khoảng 11.741 tỷ đồng/ngày làm việc. Đây là quy mô khá cao. Điều này cho thấy, lòng tin giữa các NHTM trên thị trường liên ngân hàng gia tăng, các kênh khác của NHNN tác động gián tiếp vào thị trường này, đặc biệt là thị trường mở... rất có hiệu quả. Điều này còn phản ánh rõ hơn qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm và ổn định.

 Đối với các giao dịch bằng nội tệ (VND) trên thị trường liên ngân hàng, thời gian qua, lãi suất giao dịch bình quân các kỳ hạn qua đêm, 2 tuần, 3 tháng và 6 tháng có xu hướng giảm đáng kể, mức giảm từ 0,04%/năm (kỳ hạn qua đêm) đến 0,87%/năm. Hiện nay mức lãi suất bình quân trên thị trường này qua đêm dao động quanh mức 3,11% - 3,16%/năm; kỳ hạn 1 tháng dao động quanh mức 5,6% - 5,7%/năm... kỳ hạn 9 tháng dao động quanh mức 7,8%/năm. Diễn biến đó cho thấy, giữa các hoạt động: huy động vốn trên thị trường I, thị trường mở, thị trường đấu thầu giấy tờ có giá và thị trường liên ngân hàng có tính liên thông, vận hành khá ổn định.

Song, vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Mặc dù thị trường tiền tệ bước đầu đã có sự ổn định, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo, nhưng thị trường còn những tồn tại, hạn chế cụ thể:

Sự luân chuyển vốn chưa thực sự thông suốt, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đang có xu hướng gia tăng do hệ thống doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn trong sản suất và tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho lớn… dẫn đến khả năng trả nợ ngân hàng của các doanh nghiệp thấp, tín dụng khó gia tăng. 8 tháng đầu năm, tín dụng có xu hướng gia tăng nhưng chậm, mặc dù NHNN và các NHTM đã hạ rất thấp mức lãi suất cho vay, mở rộng các đối tượng cho vay;

Sự phát triển không đồng đều của các thành viên trên thị trường, còn tồn tại một số các định chế tài chính và doanh nghiệp yếu kém, buộc NHNN vẫn phải áp dụng trần lãi suất huy động, nên đã cản trở việc hình thành giá cả (lãi suất) dựa trên quan hệ cung - cầu;

Trên thị trường thứ cấp, việc mua, bán lại giấy tờ có giá trị, trái phiếu chính phủ giữa các định chế tài chính dường như chưa phát triển, mà chủ yếu giấy tờ có giá do các NHTM nắm giữ chỉ để mua - bán lại với NHNN qua thị trường mở, dẫn đến tính thanh khoản của các công cụ tài chính trên thị trường chưa cao;

Các nghiệp vụ trên thị trường tiền tệ còn chưa đa dạng, đặc biệt là các nghiệp vụ phái sinh hoán đổi, mua bán kỳ hạn… phát triển còn hạn chế.

Để tiếp tục duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ

Dự báo lãi suất tiếp tục ổn định và có xu hướng giảm nhẹ, tỷ giá cũng ổn định theo mục tiêu điều hành, dư nợ cho vay sẽ tăng trưởng như dự kiến. Vì thế, cùng với các biện pháp đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ, đẩy nhanh giải ngân các công trình, dự án trọng điểm…, tác giả xin đề xuất thêm một số khuyến nghị sau:

Một là, NHNN nên sớm dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi nội tệ. Bởi, hiện nay, tính trật tự, kỷ luật trên thị trường đang được duy trì: (i) Không có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất giữa các TCTD với nhau nhằm chèo kéo khách hàng, người gửi tiền với kỳ hạn dài hơn; (ii) Không có hiện tượng người dân rút tiền từ ngân hàng này sang gửi ngân hàng khác để hưởng chênh lệch lãi suất; (iii) Trong điều kiện ngân hàng dư thừa vốn, trần lãi suất huy động vốn kỳ hạn từ 6-12 tháng được loại bỏ, nhưng tình trạng vượt rào để huy động vốn không xảy ra.

Tuy nhiên, trước mắt vẫn cần thiết duy trì trần lãi suất tiền gửi USD vì để hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Hai là, NHNN cần kiên trì điều hành ổn định tỷ giá, mới tạo điều kiện ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ba là,  NHNN nên xem xét nới rộng một số quy định về tiền gửi của các tổ chức được sử dụng cho vay và nới quy định về huy động vốn trên thị trường II để cho vay, tạo điều kiện phát huy hoạt động hiệu quả của thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Bốn là, NHNN cùng các NHTM cần xây dựng, tạo điều kiện để phát triển và đa dạng hơn nữa những nghiệp vụ mới, hiện đại trên thị trường tiền tệ, đặc biệt chú trọng phát triển các công cụ phái sinh.