Thị trường tiếp tục tăng nóng

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Sau phiên điều chỉnh cuối tuần trước, thị trường tiếp tục bùng nổ trong phiên đầu tuần, dòng tiền lan tỏa khắp các nhóm ngành khiến các chỉ số của thị trường chứng khoán đồng loạt tăng điểm.

 Thị trường tiếp tục tăng nóng. Nguồn: Internet
Thị trường tiếp tục tăng nóng. Nguồn: Internet

Mức tăng của VN-Index trong tuần đầu tiên năm 2018 rất ấn tượng và phiên điều chỉnh cuối tuần qua không khiến các chuyên gia lo ngại, thậm chí còn nhận định rằng Vn-Index sẽ củng cố mốc trên 1.000 điểm và tạo đà hướng tới các vùng đỉnh mới.

Cổ phiếu ngân hàng, dầu khí “gánh” điểm

Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới, nhóm cổ phiếu dầu khí GAS, PVD, PVS, PVC, PVB, PXS… sau chuỗi ngày tăng nóng đã “hạ nhiệt” và hầu hết đều giảm nhẹ. Thay thế dòng dầu khí nâng đỡ thị trường lúc này là nhóm ngân hàng với nhiều cổ phiếu tăng điểm như ACB, BID, EIB, MBB, STB, VPB, KLB, HDB… trong đó, EIB thậm chí tăng trần.

Tuy nhiên, sau những phút lình xình đầu tiên, nhóm cổ phiếu dầu khí đã thu hút dòng tiền trở lại, GAS, PVS, PVD, PVC… đồng loạt tăng điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục giữ vững sắc xanh, giúp thị trường bứt phá.

Kết thúc phiên giao dịch, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn duy trì sắc xanh tại nhiều mã như PVS, PVB, PGD… PVX tăng trần lên 2.500 đồng/ cổ phiếu với 10,5 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tiếp tục tăng mạnh với hàng loạt mã như ACB tăng 3,4% lên 40.100 đồng/cổ phiếu, BID tăng 1,6% lên 27.850 đồng/ cổ phiếu, CTG tăng 2,4% lên 25.700 đồng/ cổ phiếu, VCB tăng 2,6% lên 55.400 đồng/ cổ phiếu, MBB tăng 5% lên 27.450 đồng/ cổ phiếu, VPB tăng 4,6% lên 46.450 đồng/ cổ phiếu… Thậm chí bộ đôi EIB, STB còn tăng kịch trần. HDB trong phiên thứ 2 chào sàn cũng được khối ngoại mua ròng gần 14 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, STB trở thành “ngôi sao” của nhóm ngân hàng khi tăng trần lên 14.550 đồng/cổ phiếu – mức tăng chưa từng thấy trong vòng 7 tháng qua. EIB đóng cửa ở mức giá 13.800 đồng với 2,92 triệu đơn vị được khớp và cũng còn dư mua giá trần.

Trong phiên giao dịch ngày 8/1, STB đã lập kỷ lục về thanh khoản kể từ đầu năm 2015 với 33,8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương đương 491,8 tỷ đồng giá trị chuyển nhượng. STB trở thành cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường. Ngoài STB, MBB, VPB, HDB cũng nằm trong danh sách những cổ phiếu có giá trị cao nhất sàn HoSE.

Nhờ các cổ phiếu ngân hàng phục hồi trở lại sau phiên giảm cuối tuần trước, VN-Index cũng tăng 10,25 điểm, tương đương 1,01%, lên 1.022,9 điểm. 

Ngoài ra, còn có sự đóng góp không nhỏ vào sự tăng điểm của chỉ số là PLX với đà tăng mạnh 6,33%, lên 84.000 đồng, với hơn 1,16 triệu cổ phiếu được khớp lệnh; MSN tăng 4,84%, lên 88.800 đồng ; VIC cũng hồi phục nhẹ 0,38%, lên 80.300 đồng.

Quan sát diễn biến thị trường cho thấy dòng tiền có dấu hiệu chuyển sang một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ và tiếp tục lan rộng hơn đến thị trường. Tuy nhiên, diễn biến tại nhóm cổ phiếu này vẫn có sự phân hóa mạnh mẽ. Bắt đầu từ phiên giao dịch ngày 2/1, mã JVC của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật đã liên tục tăng trần lên 5.730 đồng/ cổ phiếu (phiên ngày 8/1), với 3,35 triệu đơn vị được khớp lệnh, vẫn dư mua trần hơn 1 triệu cổ phiếu.

Giằng co cổ phiếu nhỏ
Từ sau sự cố của cựu Chủ tịch HĐQT Lê Văn Hướng, JVC vẫn được quan tâm và được kỳ vọng là dạng cổ phiếu hồi sinh trong năm 2018, khi nhóm cổ đông mới xuất hiện “thay máu” doanh nghiệp.

Theo báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán MBS, hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần thiết bị Y tế Việt Nhật đã quay trở lại quỹ đạo bình thường, tạo ra lợi nhuận và dòng tiền tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, JVC vẫn còn điểm tồn tại về tài chính là khoản lỗ lũy kế hơn 1.300 tỷ đồng từ các năm trước.

HVG cũng liên tục tăng trong những phiên gần đây, đặc biệt là tăng trần trong phiên cuối tuần trước (5/1), bất chấp việc thị trường điều chỉnh, hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn đóng cửa trong sắc đỏ. Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/1, cổ phiếu HVG tăng 5,2% lên 8.690 đồng/ cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh đạt 1,55 triệu đơn vị.

Với kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi 9 tháng đầu năm, Ninh Vân Bay ghi nhận lỗ gần 280 tỷ đồng – trong khi 9 tháng đầu năm 2016 có lãi gần 18 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến 30/9/2017 lên đến trên 511 tỷ đồng. Không có thông tin tích cực nào hỗ trợ, nhưng cổ phiếu NVT vẫn tăng trần hai phiên liên tiếp, lên 3.770 đồng/ cổ phiếu, với gần 627.000 đơn vị được khớp lệnh. Bệnh cạnh những giao dịch đột biến tại nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cũng có những cổ phiếu khiến tài khoản của các nhà đầu tư “bốc hơi”.

Ngày 4/1 vừa qua, HNX vừa có quyết định đưa cổ phiếu NDF của Công ty cổ phần Nông sản thực phẩm xuất khẩu Nam Định vào diện kiểm soát và hạn chế giao dịch do vi phạm nghiêm trọng các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Ngay sau đó, cổ phiếu NDF được giao dịch tại mức giá sàn 3.400 đồng/ cổ phiếu, trong phiên ngày 5/1, mức giá này được giữ nguyên trong phiên giao dịch ngày 8/1. Đây là mức cao hơn so với cuối năm 2016, nhưng thấp hơn rất nhiều so với mức 19.000 đồng/cổ phiếu đạt được trong năm 2017 khi kết quả kinh doanh được cải thiện.

Bên cạnh đó, thị trường cũng chứng kiến những cổ phiếu liên tục giảm giá, đóng cửa trong sắc đỏ như; HAI, FLC, HQC… Nhận định chung về thị trường chứng khoán những ngày đầu năm 2018, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán SSI, cho rằng mức giá của nhiều cổ phiếu đã lên khá cao và nếu tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không theo kịp, các cổ phiếu này sẽ lao dốc.

Ngay cả khi tăng trưởng lợi nhuận được duy trì, cũng sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp và rủi ro sẽ luôn tiềm ẩn cho nhà đầu tư không phân biệt rõ các doanh nghiệp tốt và xấu. Đặc biệt, những trường hợp cổ phiếu mang tên “game hồi sinh” trong quá khứ thường là dạng được “tô vẽ” nhiều hơn thực tế.