Thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt: Tăng trưởng ấn tượng qua 7 năm

Theo Tạp chí Chứng khoán 6/2016

Khai trương ngày 24/9/2009, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sắp tròn 7 năm hoạt động. Trong 7 năm qua, thị trường TPCP đã phát triển đột phá về quy mô và chất lượng, đóng vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước (NSNN), cung cấp chỉ báo quan trọng để định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và được đánh giá là thị trường trái phiếu phát triển nhất khu vực Đông Á và ASEAN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy mô phát hành tăng trưởng bình quân 67,5%

Trong giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 05/2016, thị trường TPCP chuyên biệt đã huy động thành công 1.570.987 tỷ đồng cho NSNN thông qua phương thức đấu thầu. Đặc biệt trong giai đoạn 2012 - 2015, sau khi HNX đưa vào vận hành hệ thống đấu thầu điện tử, thị trường TPCP chuyên biệt sơ cấp đã có những bước phát triển nhảy vọt.

Giá trị phát hành năm 2015 đạt 249.689 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2010. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, HNX đã huy động được 160.694 tỷ đồng. Tính chung giai đoạn 2010 - 2015, thị trường sơ cấp có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 67,5%.

Đặc biệt quy mô phát hành mã trái phiếu Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tăng từ 1.279 tỷ đồng năm 2010 lên hơn 7.000 tỷ đồng năm 2015, góp phần hình thành các mã trái phiếu chuẩn và thúc đẩy thanh khoản trên thị trường thứ cấp. Kỳ hạn phát hành cũng đa dạng từ kỳ hạn ngắn 2, 3 năm đến các kỳ hạn 20, 30 năm.

Thị trường sơ cấp về cơ bản đã hình thành rõ một thị trường đấu thầu chuyên nghiệp có xu hướng cạnh tranh, minh bạch về giá, giúp tiết kiệm chi phí vay và định hướng lãi suất nợ. Lãi suất phát hành có mặt bằng thấp hơn lãi suất huy động trên hệ thống ngân hàng.

Quy mô niêm yết đạt gần 18% GDP, thanh khoản tăng mạnh

Tính đến thời điểm 31/5/2016, toàn thị trường có 522 mã TPCP, 6 mã tín phiếu đang niêm yết với giá trị niêm yết gần 830.446 tỷ đồng, tăng 381% về quy mô niêm yết so với cuối năm 2009 và tương đương 17,98% GDP của năm 2015.

Quy mô giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm. Tính đến cuối năm 2015, tổng giá trị giao dịch (GTGD) đạt 906.387 tỷ đồng, tăng 10 lần so với cuối năm 2009. 5 tháng đầu năm 2016, GTGD trái phiếu đạt 496.654 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Thanh khoản thị trường cũng tăng trưởng vượt trội, GTGD bình quân phiên từ mức 365 tỷ đồng/phiên năm 2009 đã vượt qua con số 5.000 tỷ đồng/phiên trong 5 tháng đầu năm 2016. Lãi suất giao dịch có xu hướng giảm và bám khá sát với lãi suất trúng thầu trên thị trường sơ cấp.

Nhìn chung, thị trường thứ cấp đã hình thành cấu trúc với các quy định pháp lý cơ bản của một thị trường giao dịch theo các tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống giao dịch, thông tin, thanh toán bù trừ và ngày càng được hoàn thiện phù hợp với điều kiện thị trường cũng như tính thanh khoản, tạo sự sôi động cho các giao dịch trái phiếu.

Phát triển sản phẩm mới

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như Outrightsvà Repos, HNX còn phối hợp với KBNN, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) phát hành và đưa vào giao dịch thành công các trái phiếu mới như trái phiếu có kỳ hạn trả lãi dài (long-coupon bond), trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero coupon bond) vào cuối năm 2015.

Đây là các trái phiếu được Bộ Tài chính lựa chọn để phát triển nhằm đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường sơ cấp, mở rộng cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu. Việc đưa vào niêm yết và giao dịch các sản phẩm trái phiếu mới cũng góp phần mang lại nguồn năng lượng mới để phát triển thị trường trái phiếu.

Ngoài ra, các công cụ giao dịch mới trên cả thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp giao ngay, kỳ hạn và thị trường phái sinh như sell/buy back (mua bán lại), repo, short selling (bán khống) đã và đang được HNX đưa vào nghiên cứu, có các báo cáo trước thị trường và đón nhận được sự quan tâm lớn của thành viên thị trường và công chúng đầu tư.

Hệ thống chỉ báo thị trường

Bên cạnh việc tập trung phát triển các sản phẩm mới cho thị trường, HNX đã triển khai thành công hệ thống Đường cong lợi suất TPCP vào ngày 18/3/2013. Đây được xem là chỉ báo quan trọng giúp cơ quan quản lý, tổ chức phát hành và nhà đầu tư nhận định xu hướng thị trường và định giá trái phiếu. Sau hơn 3 năm vận hành, đường cong lợi suất đã được các tổ chức tài chính, thành viên thị trường sử dụng và đánh giá cao.

Trong năm 2015, HNX đã hoàn thiện hệ thống chỉ báo thị trường với bộ chỉ số trái phiếu (Bond Index) của KBNN với nhiều kỳ hạn khác nhau. Bộ chỉ số này giúp các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đánh giá được mức độ hấp dẫn của thị trường trái phiếu Việt Nam và cũng là nguồn thông tin giúp các nhà đầu tư so sánh hiệu quả đầu tư của các quỹ. Đến nay, hai hãng thông tin quốc tế là Bloomberg và Reuters đều cung cấp thông tin về hệ thống chỉ báo này dưới tên gọi “VN Bond Yield Curve” và “VN Bond Index” cho các nhà đầu tư quốc tế theo dõi.

Hạ tầng công nghệ hiện đại

Qua gần 7 năm, HNX hiện đang sở hữu hệ thống giao dịch tiên tiến, hiện đại. Với thị trường sơ cấp, HNX đã đưa vào vận hành hệ thống đấu thầu điện tử từ năm 2012. Hệ thống này cho phép kết nối trực tiếp giữa Sở, thành viên thị trường và cơ quản quản lý, đồng thời được liên kết giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan, tạo nên sự minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Trên thị trường thứ cấp, HNX liên tục cho ra mắt các phiên bản nâng cấp hệ thống giao dịch TPCP. Trong năm 2014, HNX tiến một bước dài công nghệ khi kết nối hệ thống giao dịch với hệ thống của Bloomberg với phiên bản 3. Giải pháp giao dịch trái phiếu mới này cho phép các nhà đầu tư đặt lệnh và chuyển lệnh tự động từ hệ thống giao dịch trái phiếu của Bloomberg tới hệ thống của HNX, đẩy nhanh quá trình khớp lệnh, xác nhận và thanh toán giao dịch.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 26/6/2015, HNX đã tạo một bước ngoặt về công nghệ với Hệ thống giao dịch trực tuyến TPCP (E-BTS). E-BTS được phát triển trên nền tảng công nghệ Internet hiện đại, cho phép nhà đầu tư chỉ cần tải phần mềm giao dịch trên website của HNX, cài đặt vào máy tính cá nhân là có thể kết nối với hệ thống của HNX và truy cập, giao dịch, tra cứu thông tin mọi lúc, mọi nơi.

Nỗ lực này của HNX nhằm hiện đại hóa phương thức giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế tiếp cận, tham gia thị trường TPCP.

Qua gần 7 năm, mặc dù quy mô thị trường tăng trưởng vượt bậc song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thị trường. Sản phẩm trên thị trường còn hạn chế, chưa đa dạng theo nhiều khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư.

Cơ sở nhà đầu tư trên thị trường tập trung chủ yếu là các ngân hàng thương mại, chưa có nhiều tổ chức tài chính khác tham gia đầu tư dài hạn trên thị trường. Cơ cấu thị trường chưa hoàn chỉnh, thị trường phái sinh đang từng bước được thiết lập, chưa hỗ trợ nhiều cơ chế phòng ngừa rủi ro.

Thị trường trái phiếu còn cần thêm nhiều nỗ lực từ các cơ quan quản lý, từ HNX - đơn vị tổ chức vận hành thị trường, từ các tổ chức phát hành, thành viên thị trường và cả công chúng đầu tư để trở thành một “trụ cột” vững chắc trong tổng thể cấu trúc thị trường chứng khoán Việt Nam.