Thị trường trái phiếu Chính phủ đóng góp tích cực cho công tác điều hành chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thị trường trái phiếu Chính phủ đi vào hoạt động trong năm 2009, giai đoạn nền kinh tế nước ta đang rơi vào tình trạng khủng hoảng cơ cấu. Nhưng sau 5 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, cung cấp thêm một công cụ chỉ báo cho điều hành kinh tế vĩ mô và góp phần củng cố hình ảnh, độ tín nhiệm của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Thị trường trái phiếu Chính phủ đóng góp tích cực cho công tác điều hành chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia
Nhưng sau 5 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển. Nguồn: internet

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động và phát triển của thị trường trái phiếu Chính phủ, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội khẳng định, trong 5 năm hoạt động và phát triển, thị trường trái phiếu Chính phủ đã thực hiện tốt chức năng huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển.

Cụ thể, từ tháng 9/2009 đến 9/2014, đấu thầu tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã huy động được 654.493 tỷ đồng, gấp 13 lần so với giai đoạn 2000 – 2008. Đặc biệt, từ năm 2012, đấu thầu trái phiếu Chính phủ đã trở thành kênh huy động vốn ngân sách chủ đạo; giá trị huy động qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ tăng mạnh và đến năm 2013 đã đạt 18% tổng mức đầu tư toàn xã hội.

Quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ cũng có bước tăng trưởng nhanh, từ mức 9% GDP trong năm 2009, đến tháng 8/2014 đã đạt 19,5 GDP,  giá trị danh mục trái phiếu lưu hành đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Thị trường trái phiếu Chính phủ Việt Nam được đánh giá có mức tăng trưởng dẫn đầu các nền kinh tế mới nổi tại khu vực Đông Nam Á, cũng như trong khu vực ASEAN+3, do có quy mô tăng trưởng trung bình khoảng 23%/năm. Giao dịch diễn ra sôi động trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.  thanh khoản thị trường được cải thiện đáng kể, giá trị giao dịch bình quân trong một phiên tăng gấp 7,5 lần trong 5 năm và đạt 2.734 tỷ đồng/phiên trong 6 tháng đầu năm 2014.

Thị trường trái phiếu Chính phủ cũng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn. Hoạt động đấu thầu đã chuyển từ nhiều hệ thống đơn lẻ trước đây sang thực hiện thống nhất trên hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại. Từ tháng 8/2012, toàn bộ tín phiếu của Kho bạc Nhà nước đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước cũng được giao dịch tập trung trên thị trường trái phiếu Chính phủ, tạo thành một thị trường giao dịch thống nhất, cung cấp đầy đủ thông tin cho công chúng đầu tư về giao dịch của trái phiếu trong kỳ hạn dài và ngắn. Ngoài ra, cổng thông tin và hệ thống Đường cong lợi suất được áp dụng, cung cấp thông tin cơ bản về diễn biến của thị trường, cũng như lãi suất của các kỳ hạn trái phiếu giao dịch trên thị trường thứ cấp.  

Với tốc độ tăng trưởng nhanh và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, thị trường trái phiếu Chính phủ đang trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách Nhà nước, làm đa dạng hóa các công cụ đầu tư trên thị trường tài chính, đóng góp tích cực cho công tác điều hành chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia. Trong đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, nguồn vay trong nước từ trái phiếu Chính phủ, tín phiếu Kho bạc Nhà nước, trái phiếu địa phương và trái phiếu của Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Chính sách Việt Nam đã giúp bù đắp 70% hụt thu ngân sách nhà nước trong năm 2013.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc phát hành trái phiếu Chính phủ cũng tạo ra các công cụ tài chính để các tổ chức tín dụng có thể đầu tư hoặc tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Trong điều kiện khả năng mở rộng tín dụng hạn chế, thì việc tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu Chính phủ là hoạt động đầu tư gián tiếp của hệ thống ngân hàng vào nền kinh tế, góp phần tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển, ổn định đầu tư trong nước, hỗ trợ tăng tổng cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ nhìn chung chưa xứng với tiềm năng. Trong cấu trúc tổng thể của thị trường tài chính nước ta, thị trường trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm thị phần khá khiêm tốn so với thị trường cổ phiếu và hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Sản phẩm trái phiếu Chính phủ phát hành còn đơn giản, chưa đa dạng về loại hình, cấu trúc lãi suất. Và kỳ hạn của các loại trái phiếu Chính phủ chủ yếu ở mức ngắn, thiếu những kỳ hạn trung, dài hạn khiến điều hành ngân sách dễ bị động. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, cần tiếp tục tái cơ cấu hoạt động của thị trường trái phiếu, tiếp tục giới thiệu các sản phẩm mới, cơ cấu lại các công cụ đã có, phát triển và mở rộng các quỹ đầu tư, quỹ bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện... Trên cơ sở đó, có giải pháp đánh giá tổ chức phát hành, công cụ nợ, bảo đảm tính công khai minh bạch, bền vững, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường chia sẻ thông tin, đối thoại, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nắm được cơ chế chính sách của Nhà nước, phòng ngừa được rủi ro, tạo điều kiện phát triển thị trường bền vững và hiệu quả.