Thị trường trái phiếu Chính phủ: Kỳ vọng tuổi thứ 5

PV.

(Tài chính) Bước vào tuổi thứ 5, thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) tiếp tục khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thị trường có bước phát triển mới, đóng góp lớn hơn và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, vẫn còn những việc phải làm...

Việc tăng tính hấp dẫn cho thị trường sẽ được Sở chú trọng bằng cách tập trung phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư mới. Nguồn: internet
Việc tăng tính hấp dẫn cho thị trường sẽ được Sở chú trọng bằng cách tập trung phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư mới. Nguồn: internet

Bốn năm, một bước tiến dài

Ngày 24/9/2009, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các thành viên liên quan như Kho bạc Nhà nước, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã chính thức vận hành thị trường giao dịch TPCP chuyên biệt. Tính tới thời điểm này, khi thị trường vừa kỷ niệm “sinh nhật” tuổi thứ 4, bước sang tuổi lên 5, đã có trên 420 ngàn tỷ đồng vốn trung và dài hạn được huy động cho nền kinh tế. Tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường trong giai đoạn 2009 - 2013 đạt bình quân hơn 100 nghìn tỷ đồng/năm.

Bất chấp những thăng trầm của thị trường tài chính trong nước thời gian qua, thị trường TPCP đã có những bước tiến đáng kể, không chỉ ở giá trị huy động vốn cho nền kinh tế mà còn ở quy mô, thể chế và phương thức vận hành.

Trên thị trường sơ cấp, quy mô phát hành của toàn thị trường tăng dần theo các năm. Tỷ lệ đấu thầu thành công tăng liên tục từ 32% (năm 2010) lên 52% (năm 2012) và đặc biệt trong 9 tháng đầu năm 2013, tỷ lệ này đạt gần 70%.

Sau nhiều năm không phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, trong năm 2013, Kho bạc Nhà nước đã bắt đầu phát hành trái phiếu 15 năm, cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện cơ cấu thị trường nợ công. Trên thị trường sơ cấp, với vai trò là nhà phát hành chủ đạo của thị trường, Kho bạc Nhà nước đi tiên phong trong công tác tái cơ cấu danh mục nợ phát hành và chuẩn hóa phương thức phát hành TPCP. Danh mục trái phiếu Kho bạc đã giảm từ 175 mã niêm yết ở thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 102 mã vào thời điểm 30/6/2013, quy mô trung bình của từng mã đã tăng gần 5 lần, từ 650 tỷ đồng năm 2010 lên xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Đây kết quả của quá trình triển khai phát hành bổ sung trái phiếu và thực hiện hoán đổi trái phiếu với thành viên thị trường. Công tác đấu thầu trên thị trường sơ cấp đã được điện tử hoá hoàn toàn, giảm thiểu thời gian thực hiện và rủi ro tác nghiệp cho thành viên, giúp hoạt động đấu thầu minh bạch và hiệu quả hơn.

Tại thị trường thứ cấp, hệ thống giao dịch TPCP phiên bản 2 đã chính thức hoạt động từ tháng 3/2013 là một bước tiến đáng kể. Việc vận hành hệ thống này giúp các tính năng phục vụ cho hoạt động giao dịch của thị trường được hoàn thiện, các nhà đầu tư có thêm khả năng quản lý rủi ro. Công tác trao đổi thông tin, thỏa thuận giao dịch và theo dõi trực tuyến kết quả giao dịch giữa các đối tác cũng dễ dàng và minh bạch hơn. Cùng với đó, việc đưa vào vận hành hệ thống đường cong lãi suất từ đầu năm 2013 cũng giúp tăng tính hấp dẫn cho thị trường….

Một điểm nổi bật của thị trường TPCP là việc kể từ ngày 24/8/2012, tín phiếu Kho bạc lần đầu tiên được niêm yết giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch TPCP. Đây là mốc son quan trọng, góp phần tập trung thông tin giao dịch TPCP về một đầu mối, xây dựng bức tranh tổng thể về diễn biến tình hình thị trường.

Mặc dù quy mô niêm yết tín phiếu Kho bạc còn hạn chế, chưa đến 6% quy mô trái phiếu niêm yết (tương đương gần 26 nghìn tỷ đồng), tuy nhiên tỷ lệ thanh khoản của tín phiếu sau hơn 1 năm lên sàn thứ cấp là 0,46 lần với tổng giá trị giao dịch gần 12 nghìn tỷ đồng, trong đó 10 nghìn tỷ đồng giao dịch outright và 1,8 nghìn tỷ đồng giao dịch repo. Như vậy, bước đầu tín phiếu Kho bạc đã có những hiệu ứng tích cực như góp phần tăng hàng hóa, thanh khoản và mở rộng quy mô thị trường…

Không ngừng hoàn thiện để phát triển thị trường

Mặc dù có những thành công nổi bật nhưng thị trường TPCP vẫn còn những hạn chế và những dư địa phát triển cần được tiếp tục triển khai. Trước hết, việc tạo hàng trên thị trường sơ cấp: kỳ hạn phát hành vẫn chưa được cải thiện nhiều. TPCP phát hành thành công vẫn chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn 2-5 năm.

Các thành viên thị trường còn nghèo nàn về cơ cấu khi chủ yếu là các ngân hàng thương mại. Số lượng quỹ đầu tư và công ty chứng khoán hay nhà đầu tư nước ngoài tham gia mới ở tỷ lệ hạn chế. Thị trường bởi vậy còn thiếu vắng nhà đầu tư tổ chức truyền thống phổ biến tại các nước phát triển như các quỹ hưu trí và hệ thống  nhà đầu tư lớn.

Nhận rõ những hạn chế trên, để phát triển thị trường TPCP vững mạnh hơn, theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX, 4 năm qua mới chỉ là chặng đường đầu tiên. Bước vào tuổi thứ 5, điều các thành viên thị trường quan tâm và tập trung sẽ là không ngừng mở rộng, phát triển hệ thống nhà đầu tư, hệ thống sản phẩm và nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường. Đây là một chiến lược phát triển đồng bộ và dài hạn, cần sự phối hợp từ nhiều bộ, ngành như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và cả Chính phủ với một chương trình, kế hoạch dài hạn và nhất quán.

Riêng tại HNX, việc tăng tính hấp dẫn cho thị trường sẽ được Sở chú trọng bằng cách tập trung phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư mới. Sau khi xây dựng đường cong lãi suất, HNX sẽ có hệ thống chỉ báo đầu tư trái phiếu cùng chỉ số trái phiếu Bond-index. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, HNX đang và sẽ tập trung phát triển các sản phẩm và công cụ đầu tư, cũng như ngày càng nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường để góp phần đưa thị trường TPCP lên một tầm cao mới.