Thị trường trái phiếu chính phủ quý II sẽ giảm nhiệt

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) trong quý II/2014 có thể sẽ kém sôi động hơn so với quý I. Thanh khoản của thị trường trái phiếu thứ cấp được kỳ vọng ở mức trung bình và sẽ không có nhiều đột phá như 3 tháng đầu năm.

Đó là nhận định của bà Quách Thùy Linh, Phụ trách Bộ phận Phân tích, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) khi trả lời phỏng vấn phóng viên xung quanh một số vấn đề của thị trường TPCP.

Phóng viên: Kết thúc quý I/2014, thị trường TPCP đã có diễn biến khá sôi động. Bà nhìn nhận thế nào về diễn biến của thị trường trong quí vừa qua?

Quach Thuy Linh
Bà Quách Thùy Linh,
Công ty Chứng khoán VCBS
Bà Quách Thùy Linh: Qúy I/2014 là một trong những giai đoạn sôi động nhất của thị trường trái phiếu nói chung, và của thị trường TPCP nói riêng.

Tính đến hết tháng 3, lượng TPCP huy động được đạt 81.556 tỷ đồng, tăng 29,7% so với lượng trái phiếu được đấu thầu thành công năm ngoái.

Còn trên thị trường thứ cấp, tổng giá trị giao dịch đạt 113.234 tỷ đồng, tăng 26,2% so với quý trước và tăng 58,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giao dịch trái phiếu kỳ hạn ngắn vẫn là chủ yếu với 93.372 tỷ đồng, chiếm 82,5%; trái phiếu trung hạn đứng thứ 2 với 17.020 tỷ đồng, chiếm 15%; và trái phiếu dài hạn đạt 2.843 tỷ đồng, chiếm 2,5%.

Một trong những nhân tố chính dẫn đến sự sôi động trên là tình trạng dư thừa thanh khoản của các tổ chức tài chính trong những tháng đầu năm 2014.

Trong cả 3 tháng, tăng trưởng tín dụng âm, trong khi tăng trưởng tiền gửi huy động lại dương. Cụ thể, tính đến 13/3 tăng trưởng tín dụng âm 1,05% và tăng trưởng tiền gửi huy động tăng 1,92%.

Ngoài ra, tổng lượng trái phiếu (TPCP và TPCP bảo lãnh) và tín phiếu (tín phiếu kho bạc và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước - NHNN) đáo hạn trong quý I/2014 đạt gần 167.264 tỷ đồng, đây là nguồn lực quan trọng hỗ trợ các tổ chức tài chính tham gia thị trường.

Nhân tố thứ hai là sự ổn định vĩ mô của Việt Nam đã và đang từng bước được cải thiện, từ đó tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu. Mục tiêu lạm phát cho năm 2014 được điều chỉnh giảm xuống còn 6% so với mức 7% ban đầu, con số tăng trưởng CPI các tháng đầu năm cũng cho thấy lạm phát đang được kiểm soát tốt.

Thêm vào đó, báo cáo tín nhiệm ngày 23/1 của Fitch đã nâng đánh giá triển vọng của nền kinh tế Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Sự ổn định nội tại của nền kinh tế cùng đánh giá tích cực của quốc tế đối với Việt Nam giúp gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong thực tế thời gian qua, dòng tiền nước ngoài vẫn đổ vào thị trường trái phiếu Việt Nam dù cho không ít các thị trường biên và mới nổi khác đang trải qua làn sóng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Thưa bà, lãi suất trái phiếu trên cả sơ cấp và thứ cấp đã giảm mạnh, tuy nhiên TPCP thu hút sự tham gia tích cực các nhà đầu tư. Bà đánh giá thế nào về điều này?

Lãi suất trúng thầu và lợi suất trái phiếu liên tục giảm từ 112-155 điểm cơ bản thời gian qua đối với các kỳ hạn từ 1 đến 5 năm. Tuy nhiên, sức hút của TPCP từ đầu năm đến nay vẫn được duy trì rõ rệt khi khối lượng đặt thầu thường cao hơn khối lượng gọi thầu, và giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã diễn ra một cách sôi động. Chúng tôi cho rằng, có ba nguyên nhân chính lý giải cho diễn biến này: 

Thứ nhất, tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong khi không đẩy mạnh được cho vay, dẫn đến việc ngân hàng phải tìm các kênh đầu tư khác để tối ưu hóa sử dụng vốn. Trong số đó, TPCP vẫn là sự lựa chọn được yêu thích nhờ tính thanh khoản cao và an toàn.

Thứ hai, nắm bắt được xu hướng đi xuống của lãi suất trái phiếu, các tổ chức đầu tư đã tận dụng khoảng thời gian này để tham gia thị trường nhằm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn dựa trên chênh lệch giá.

Thứ ba, việc NHNN ban bố cắt giảm một loạt các lãi suất quan trọng của nền kinh tế, tuy chủ yếu mang tính hợp thức hóa vì trước đó nhiều ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất huy động ngắn hạn, nhưng cũng cho thấy Chính phủ đang hướng tới một mặt bằng lãi suất thấp hơn.

Trong mặt bằng chung như vậy, lãi suất TPCP tuy không còn quá hấp dẫn như hồi đầu năm, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được với nhiều định chế tài chính vào giai đoạn cuối quý I.

Dòng tín dụng ngân hàng sắp tới có thể sẽ chuyển dịch sang cho thị trường bất động sản. Liệu điều này có làm ảnh hưởng tới sự quan tâm của các ngân hàng tới trái phiếu hay không, thưa bà?

Hiện đang có một số thông tin về các sản phẩm tín dụng dành riêng cho bất động sản của một số ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh rằng, đây là sản phẩm tín dụng của một số ngân hàng tung ra nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, chứ chưa phải định hướng chung của toàn hệ thống đẩy mạnh cho vay bất động sản và đó cũng không phải là một gói tín dụng chính sách như gói 30.000 tỷ đồng trước đây.

Do đó, còn quá sớm để khẳng định tín dụng ngân hàng sẽ chuyển dịch sang cho bất động sản, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng còn thận trọng với kênh cho vay này do lo sợ rủi ro nợ xấu.

Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới hoạt động tín dụng nói chung sẽ khởi sắc hơn do yếu tố chu kì khi nhu cầu tín dụng phục vụ kinh doanh và các dự án cơ sở hạ tầng sẽ tăng cao hơn từ cuối quý II. Khi tín dụng được khơi thông, nguồn lực tài chính của các ngân hàng dành cho trái phiếu sẽ thu hẹp phần nào.

Bà dự báo thế nào về diễn biến thị trường trái phiếu trong quý II/2014?

Như trên đã nói, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý II/2014 tuy vẫn sẽ tốt, nhưng không còn quá dư thừa như quý I. Ngoài ra, theo yếu tố chu kỳ, các ngân hàng sẽ bắt đầu tích cực giải ngân vào nửa cuối quý II hàng năm để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Dòng tiền cũng đang chảy vào tín phiếu NHNN kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng, thể hiện sự chuẩn bị và sẵn sàng của các ngân hàng trong việc đẩy mạnh tín dụng vào khoảng cuối tháng 5 và trong tháng 6. Thêm nữa, các ngân hàng cũng đã đầu tư rất nhiều vào trái phiếu thời gian vừa qua, nên thanh khoản và nhu cầu về trái phiếu không còn quá dồi dào.

Vì vậy, chúng tôi nhận định rằng, thị trường TPCP trong quý II/2014 có thể sẽ kém sôi động hơn so với quý I. Thanh khoản của thị trường trái phiếu thứ cấp được kỳ vọng ở mức trung bình và sẽ không có nhiều đột phá như 3 tháng đầu năm. Lợi suất TPCP trên thị trường sơ cấp và thứ cấp nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp.

Xin cảm ơn bà!