Thị trường trái phiếu: Những bước tiến vượt bậc…

Hải Phan

(Tài chính) Năm 2012 đi qua để lại những dấu ấn đậm nét với thị trường trái phiếu Việt Nam. Nhìn nhận lại những thành quả thị trường đạt được trong năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định thị trường trái phiếu đã có bước tiến rất lớn, không chỉ ở giá trị huy động vốn cho nền kinh tế mà còn ở quy mô, thể chế và phương thức vận hành.

Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Kết thúc năm 2012, thị trường trái phiếu đã huy động được 160.000 tỷ đồng, gần gấp 2 lần so với năm 2011. Trong tổng giá trị trái phiếu đấu thầu thành công trong năm 2012, chỉ riêng Kho bạc Nhà nước đã huy động được gần 110.000 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu giảm so với năm 2011 và thấp hơn lãi suất huy động trên thị trường tiền tệ từ 1% - 2%.

Thành công lớn nêu trên mở ra một chặng đường phát triển mới cho thị trường trái phiếu Việt Nam. Kỳ vọng một thị trường trái phiếu phát triển hiện đại, đồng bộ, đa dạng và là kênh đầu tư hấp dẫn cho các định chế tài chính ngày càng trở nên thực tế và hiện hữu. Theo Bộ Trưởng Vương Đình Huệ, đây là một thành quả lớn thể hiện sự vào cuộc quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các vụ chức năng thuộc Bộ Tài chính cho đến các hệ thống và cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu và doanh nghiệp trực thuộc Bộ như: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam…

Để tạo điều kiện cho hoạt động đấu thầu được tiến hành thuận lợi hơn, ngày 6/8/2012, hệ thống đấu thầu điện tử trên thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ đã chính thức kết nối trực tiếp với các thành viên đấu thầu, với tổ chức phát hành và cơ quan quản lý. Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành đầy đủ các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 01/2011/NĐ - CP, trong đó cho phép cơ chế tổ chức đấu thầu trái phiếu đa giá nhằm tăng tính cạnh tranh trong các phiên phát hành, là nền tảng để từng bước hình thành đường cong lãi suất chuẩn; tổ chức các phiên bảo lãnh phát hành theo quy trình dựng sổ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về bảo lãnh phát hành, rút ngắn thời gian đăng ký, niêm yết trái phiếu nhằm tăng thanh khoản trái phiếu.

Sau thành công của đấu thầu trái phiếu điện tử, với mục đích tăng tính thanh khoản cho tín phiếu kho bạc đồng thời tạo sự liên thông giữa thị trường tiền tệ và thị trường tài chính, ngày 24/8/2012, hệ thống giao dịch tín phiếu đã chính thức được vận hành tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Như vậy là sau hơn 17 năm phát hành sơ cấp, tín phiếu kho bạc - công cụ nợ ngắn hạn của Chính phủ được phát hành theo phương thức đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước đã được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và được niêm yết giao dịch trên thị trường trái phiếu Chính phủ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội…

Có thể nói, việc đưa tín phiếu kho bạc lên thị trường trái phiếu Chính phủ đã được tập trung về một đầu mối, khắc phục sự phân đoạn giữa thị trường nợ ngắn hạn và thị trường nợ dài hạn, thúc đẩy sự liên kết điều hành trên thị trường tài chính, góp phần bình ổn kinh tế vĩ mô đồng thời tăng sự hấp dẫn cho thị trường này…

Có thể nói sự phát triển nhanh, mạnh, vững chắc của thị trường trái phiếu Việt Nam trong năm 2012 đã làm ngạc nhiên cả với các tổ chức tài chính quốc tế. Theo Báo cáo theo dõi trái phiếu do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 10/9/2012, thị trường trái phiếu Việt Nam có bước tăng trưởng cao nhất châu Á. Theo ADB, tại Việt Nam, thời điểm cuối tháng 6/2012, tổng giá trị trái phiếu phải thu tính bằng tiền đồng đạt 455.900 tỉ đồng, tương đương 21,8 tỉ USD, tăng 10,5% so với thời điểm cuối tháng 3/2012 và tăng 28,5% so với thời điểm cuối tháng 6/2011.

Từ thành công vượt bậc của năm 2012, tin tưởng rằng, bước sang năm 2013, thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ có bước phát triển ấn tượng và vững chắc hơn nữa để cùng với thị trường cổ phiếu, trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế đất nước. Với những tiền đề phát triển đã được xây dựng trong năm 2012 và đang tiếp tục được hoàn thiện, nhất định thị trường trái phiếu sẽ có những đóng góp hữu ích cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước.