Thị trường vàng cần phương thức quản lý hiệu quả hơn

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành nhập khẩu vàng rồi bán ra, trở thành người mua bán cuối cùng. Biện pháp hành chính này phù hợp với điều kiện hiện nay, nhưng rõ ràng cần tính đến phương thức quản lý hiệu quả hơn. Bởi không thể hạn chế nhu cầu tích lũy vàng chính đáng của người dân, điều cần làm là phải ngăn chặn sự lũng đoạn thị trường của một số tổ chức, doanh nghiệp.

Thị trường vàng cần phương thức quản lý hiệu quả hơn
Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành nhập khẩu vàng rồi bán ra, trở thành người mua bán cuối cùng. Nguồn: internet

Biện pháp quản lý kinh doanh vàng được áp dụng từ năm 2011 đến nay đã có một số tác dụng tích cực đến việc bình ổn thị trường. Nhưng có thể thấy, việc sử dụng vàng để làm phương tiện thanh toán đã không còn. Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi giá vàng trên thế giới biến động tăng cao liên tục và thất thường, trên  thực tế ở nước ta vàng đã hầu như không  trở thành phương tiện thanh toán. Người dân chỉ mua vàng để tích trữ, như công cụ tiết kiệm. Việc mua bán, tích trữ vàng của người dân để phòng ngừa lạm phát.

Hiện nay, hiện tượng vàng hóa chỉ còn giới hạn trong vai trò là phương tiện dự trữ giá trị và phương tiện để đầu cơ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để chống vàng hóa thì giải pháp cần làm là tăng cường sức mạnh của đồng nội tệ. Mục tiêu này chỉ đạt được khi có một nền kinh tế ổn định vững chắc, một cán cân thương mại lành mạnh, và chính sách tiền tệ có hiệu quả.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thị trường vàng phải được lưu thông một cách bình thường, khi người dân có nhu cầu bán vàng để lấy tiền chi tiêu hoặc đầu tư, kinh doanh họ phải thực hiện được một cách dễ dàng, có như vậy mới có thể huy động được số vàng đang cất trữ trong dân để phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế. Bởi chỉ có thể ngăn cấm giao dịch vàng ở bề nổi và dẫn tới tình trạng đưa vàng ra nước ngoài để bán.

Hơn nữa, khi càng cấm đoán thì nguy cơ giao dịch ngầm, buôn bán vàng trái phép sẽ diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Nếu không cho phép vàng thực hiện theo bản chất, chức năng vốn có của nó, sẽ càng làm cho quá trình kiểm soát của Nhà nước đối với loại tiền tệ đặc biệt này trở nên phức tạp và sẽ không tận dụng được những nguồn lực to lớn trong toàn xã hội. Người sở hữu vàng chỉ được cất giữ ở trong nhà, vàng sẽ bị mất hết các chức năng vốn có.

Thực tế, các tổ chức tín dụng mua vàng để hoàn thành tất toán trạng thái vàng và trả cho dân. Người dân rút vàng gửi ngân hàng về không phải nhu cầu sử dụng mà mục đích chính vẫn để tích trữ, nên vàng không đi vào sản xuất, kinh doanh như kỳ vọng. Mặt khác, khi không cho nhập khẩu vàng, việc mua vàng từ dân sẽ đẩy bán mặt hàng này ở thị trường trong nước lên cao hơn. Bởi khi cầu tăng, mà cung không thay đổi thì giá tăng, tạo ra kỳ vọng về giá vàng tiếp tục tăng, vì nguồn cung khan hiếm hơn sau khi mua mà không có bổ sung. Một hệ lụy khác có thể Ngân hàng Nhà nước đã phải tung tiền ra để hỗ trợ các ngân hàng thương mại mua vàng, chưa kể đến việc phải liên tiếp bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay. Theo ông Ngô Trí Long, chống vàng hóa bằng cách này tạo thêm rủi ro cho VNĐ. 

Một hạn chế khác của phương thức quản lý thị trường vàng hiện nay là giá vàng trong nước chưa liên thông với giá vàng thế giới. Giá vàng tại thị trường nước ta hiện còn cao hơn giá trên thị trường thế giới từ 3 đến 4 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc Hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 quy định: khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân.

Như vậy, việc giá vàng trong nước còn chênh với giá thị trường thế giới có phải là chưa chấp hành Nghị quyết của Quốc Hội? Tất nhiên, việc liên thông với thị trường thế giới không có nghĩa là phải bằng với giá thị trường thế giới. Bởi nước ta không sản xuất nguyên liệu vàng mà vẫn phải nhập khẩu. nên phải cộng thêm các khoản tiền bảo hiểm, chi phí vận chuyển, chi phí gia công, chi phí kinh doanh, rủi ro, thuế...

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch từ 1 triệu đồng/lượng (50 USD/lượng) so với giá thế giới sẽ bảo đảm Ngân hàng Nhà nước có lãi. Mức lãi này cao hơn mức lãi của các nước nhập khẩu vàng từ 4 đến 5 lần tùy theo nhu cầu vàng của từng nước.

Vậy, phương thức quản lý vàng nào sẽ phù hợp với nước ta? Xin hãy nhìn vào các biện pháp quản lý thị trường vàng đã được Trung quốc và Ấn Độ thực hiện. Đây là hai quốc gia có nhu cầu vàng lớn của thế giới và đều từng qua giai đoạn kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, độc quyền sản xuất, phân phân phối và kinh doanh vàng. Nhưng cơ chế này đã không thành công như mong đợi và gây ra một số hệ lụy cho nền kinh tế của hai quốc gia này.

Do đó, cơ chế quản lý vàng đã được thay đổi theo hướng cơ quan chức năng vẫn quản lý sản xuất, kinh doanh vàng (bán buôn, bán lẻ) nhưng không phải độc quyền cung ứng vàng. Việc quản lý nhập khẩu vàng được thực hiện linh hoạt trên cơ sở xử lý hài hòa giữa trạng thái cán cân thanh toán và tình trạng nhập lậu. Các quốc gia này cũng đã tổ chức nhiều sàn giao dịch vàng với cơ chế tổ chức theo thông lệ quốc tế, có điều chỉnh để tương thích với đặc trưng của thị trường trong nước.

Từ thực tế thị trường vàng nước ta và kinh nghiệm tại một số quốc gia có điều kiện tương đương cho thấy, cần sửa đổi Nghị định 24/CP về kinh doanh vàng để loại bỏ những bất cập hiện nay. Việc sửa đổi này phải đề cập toàn diện hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính liên quan tới vàng chứ không đơn thuần chỉ quản lý vàng miếng và vàng trang sức.