Thị trường vàng: Ghìm cương con ngựa bất kham

Theo Thời Báo Ngân Hàng

Theo Nghị định 24, NHNN đã chọn vàng SJC làm thương hiệu quốc gia, đồng thời xây dựng một mạng lưới kinh doanh vàng miếng được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Chỉ sau hơn nửa năm sau ngày ban hành, Nghị định 24 đã bước đầu “ghìm cương” thị trường vàng - vốn “bất kham” trong nhiều năm nay.

Thị trường vàng: Ghìm cương con ngựa bất kham
Mặc dù giá vàng biến động, song không còn hiện tượng người dân đổ xô mua bán vàng như trước đây

Đỏng đảnh như giá vàng

Đa số các nhà dự báo đều trở thành các “Gia Cát Dự” khi cho rằng giá vàng thế giới năm 2012 có thể đạt giá 1.900 - 2.000 USD/oz. Duy nhất có ông Christoph Eibl - Quỹ đầu cơ hàng hóa cơ bản Tiberius (Thụy Sỹ) nhận định, trong năm 2012, vàng sẽ là tài sản có sự thay đổi về giá tệ nhất trong số các kim loại quý. Mặc dù ông này không đưa ra giá giảm về mức nào, song lần duy nhất của năm 2012 giá vàng lên đỉnh là vào đầu tháng 10 khi đạt 1.795 USD/oz, kéo giá vàng trong nước lên 48,39 triệu đồng/lượng.

Bên cạnh mức giá cao trên, thị trường vàng 2012 cũng chứng kiến một đợt giảm kỷ lục vào ngày 22/6, khi chỉ sau một đêm giá vàng “bốc hơi” 2,5%, kéo giá vàng thế giới xuống thấp nhất kể từ tháng 9/2011. Sự giảm giá này có phần bất thường hồi đầu tháng, thị trường vàng đón nhận các thông tin lẽ ra phải tăng giá là khi nhu cầu vàng của Trung Quốc trong quý I/2012 tăng nhập khẩu hơn 6 lần so với cùng kỳ và việc Ấn Độ bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ trang sức bằng vàng.

Ngoài hai con sóng lớn này thì cả năm 2012, giá vàng thế giới tăng giảm thất thường. Đầu năm giá vàng thế giới ở mức 1.566 USD/oz. Giá vàng tăng liên tục trong tháng 1,2 lập đỉnh lần đầu tiên ở mức 1.780 USD/oz ngày 23/2 đẩy giá vàng trong nước tăng vọt lên trên 45 triệu đồng/lượng. Sau đó giá vàng giảm mạnh, tạo đáy 1.566 USD/oz vào đêm 21/6 và giá vàng trong nước chỉ còn 41,24 triệu đồng/lượng.

Như vậy, năm 2012 giá vàng không chỉ chưa đạt con số dự báo trên mà giá của kim loại quý này cũng không lấy lại mức kỷ lục 1.920 USD/oz, và chưa tạo được sóng lớn như từng diễn ra vào tháng 9/2011 (trong vòng một tháng giá vàng tăng tới 306 USD/oz). Điều này cho thấy, diễn biến giá vàng thế giới rất khó lường và khó bắt sóng, bởi nó không theo quy luật nào.

“Mũi tên” vàng đã trúng nhiều đích

Nếu sự kiện của năm trên thị trường vàng 2012 là Nghị định 24/2012/NĐ-CP (về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ ngày 25/5/2012), thì SJC chính là “nhân vật” của năm.

Theo Nghị định 24, NHNN đã chọn vàng SJC làm thương hiệu quốc gia, đồng thời xây dựng một mạng lưới kinh doanh vàng miếng được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Chỉ sau hơn nửa năm sau ngày ban hành, Nghị định 24 đã bước đầu “ghìm cương” thị trường vàng - vốn “bất kham” trong nhiều năm nay.

Những năm trước đây, mỗi khi giá vàng thế giới tăng giảm thì thị trường vàng trong nước “chao đảo”, hiện tượng đầu cơ, làm giá, mua bán vàng theo tâm lý đám đông xuất hiện. Nhiều chuyên gia còn ví, Nghị định 24 như một “mũi tên vàng” hướng tới nhiều mục tiêu.

Thứ nhất, việc “chuẩn hóa” vàng miếng và hệ thống kinh doanh vàng đã bịt mọi “cửa sống” của giới đầu cơ, buôn lậu vàng, do có nhập lậu vàng về cũng chẳng biết bán cho ai, ở đâu. Vì vậy, trên thị trường hầu như không diễn ra nhập lậu vàng qua biên giới. Nhờ đó tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, không bị tác động tiêu cực từ sự biến động của giá vàng. Điều này khác hẳn với trước đây, mỗi khi giá vàng tăng, giới buôn lậu vàng lại gom USD để mua vàng về bán, gây áp lực lên tỷ giá.

Năm 2012, mặc dù có thời điểm giá vàng tăng nhưng tỷ giá hoàn toàn ổn định, thậm chí nếu như những ngày đầu năm 2012 giá USD tại các NHTM mua vào, bán ra ở mức trên 21.030 và 21.036 đồng/USD, thì đến những ngày cuối năm chỉ còn mức 20.810 và 20.860 đồng/USD. Thành công nữa là NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung vào dự trữ ngoại hối quốc gia, với ước tính khoảng 12 tỷ USD, tương đương 12 tuần nhập khẩu.

Mục tiêu thứ hai mà Nghị định 24 đạt được là đã dần ngăn chặn đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế và có thể huy động nguồn vốn “chết” từ vàng. Dường như người dân đã quay lưng lại với vàng bởi mỗi khi giá vàng biến động, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua bán vàng như trước đây. Hệ thống ngân hàng đã mua lại được khoảng 60 tấn vàng từ nền kinh tế và số vốn “chết” này được chuyển đổi sang tiền để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, trong bối cảnh đang phải tìm các giải pháp xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, xử lý bong bóng bất động sản thì nguồn lực “thu hoạch” được từ việc mua vào 12 tỷ USD và 60 tấn vàng (khoảng 3 tỷ USD), được xem là một “nhiệm vụ bất khả thi” nếu không có Nghị định 24. Nhờ nguồn lực này mà thanh khoản trong hệ thống ngân hàng được cải thiện, tạo điều kiện để giảm mặt bằng lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho DN, duy trì tăng trưởng kinh tế vĩ mô đã đảm bảo được sự ổn định.

Thiết kế, quy hoạch lại thị trường

Để kiểm soát được thị trường vàng thì cần phải có hệ thống mạng lưới bán vàng đảm bảo đủ tin cậy. Và đích đến cuối cùng là để người dân có thể yên tâm khi mua, bán vàng miếng còn Nhà nước thì thu được thuế. Với mục tiêu này, NHNN đã có quyết định quan trọng là cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng cho những đơn vị đủ điều kiện.

Đã có 22 TCTD và 16 DN đáp ứng đủ các điều kiện, hồ sơ và thủ tục theo quy định về kinh doanh vàng miếng theo Thông tư 16/2012/TT-NHNN. Như vậy, với số đơn vị được NHNN cấp phép đợt này sẽ có khoảng gần 2.500 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng ở tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Sau bước kiến tạo thị trường theo quy hoạch, có chủ đích, NHNN sẽ tiến tới quản lý, vận hành thị trường để đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng vàng hóa nền kinh tế, giảm tính hấp dẫn của vàng miếng và tránh tình trạng đầu cơ, làm giá.

Lãnh đạo vụ chức năng NHNN cho biết, thực hiện lộ trình đã đề ra, năm 2013 NHNN sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tiếp tục triển khai Nghị định 24. Cùng với đó, NHNN sẽ giám sát chặt quá trình tất toán tài khoản vàng của các TCTD. “Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có hỗ trợ cần thiết để việc này được thực hiện đúng tiến độ và quy định của NHNN”, vị này cho biết.

Sẽ còn những đơn vị (nếu đủ điều kiện) được cấp phép kinh doanh vàng miếng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giao dịch vàng miếng của người dân. Đồng thời, để đảm bảo nguồn cung vàng miếng đúng tiêu chuẩn, chất lượng, NHNN sẽ có biện pháp đẩy nhanh tiến độ gia công vàng miếng SJC... Như vậy khi đã có “luật chơi”, cung - cầu được đảm bảo thì thị trường sẽ vận hành theo đúng quy luật, có sự kiểm soát, sẽ không còn những “cơn điên” của giá vàng.

Việc thực hiện chính sách mới (Nghị định 24) đồng thời với quá trình chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD, không cho phép sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán... nhằm xử lý vấn đề "vàng hóa" của nền kinh tế. Đây là bước đi đúng đắn.

TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Khi thị trường vàng miếng hoạt động tương đối ổn định, thực hiện giai đoạn cuối trong lộ trình xóa bỏ “vàng hóa” nền kinh tế, Nhà nước huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho sản xuất kinh doanh, NHNN sẽ tham gia thị trường là người kiến tạo và mua bán cuối cùng trên thị trường vàng miếng, đảm bảo sự lưu thông của thị trường và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng.

Ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN

Hệ thống mua bán vàng mới giảm mạnh so với trước đây, nhưng hoàn toàn đáp ứng được nguyện vọng của người dân. NHNN cũng đã chỉ đạo một số đơn vị phải mở chi nhánh cả ở khu vực Tây Nguyên, miền núi phía Bắc để phục vụ nhu cầu mua bán vàng miếng của người dân. Tuy nhiên, việc triển khai một điểm bán vàng còn liên quan tới đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ, mạng lưới, trang thiết bị kỹ thuật, nên cũng phải cần một thời gian mới có thể trọn vẹn.

Ông Nguyễn Thanh Trúc – Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam