Thị trường vàng khi chính sách đã “ngấm”

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Nhận định về chính sách quản lý thị trường trong thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định: chính sách đã bắt đầu phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là đã giúp người dân tránh những “cú sốc” về giá vàng.

Thị trường vàng khi chính sách đã “ngấm”
Đã không còn những cơn sốt vàng khi có biến động giá. Nguồn: internet

Tránh “cú sốc” cho thị trường

Còn nhớ, ngay khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý vàng miếng có hiệu lực, không ít người đã tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của nó. Thế nhưng đến thời điểm này, sau hơn 1 năm triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và nhất quán, tính hiệu quả của nó bắt đầu phát huy tác dụng. “Thuốc” đã bắt đầu ngấm…

Điểm nhấn đầu tiên có thể nhận rõ, đó là thay vì một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng nhằng nhịt với hơn 12.000 điểm giao dịch, đến nay đã được thu hẹp chỉ còn khoảng 2.500 điểm trên cả nước và 38 Tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp (DN) được cấp phép kinh doanh. Mặc dù số lượng các điểm giao dịch giảm đi khá nhiều, nhưng trên thị trường vàng đã không xảy ra tình trạng bất cập hay xáo trộn.

Đặc biệt vấn đề NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng từng khiến dư luận không ít hoài nghi khi NHNN tự nhận vị thế “một mình một ngựa”, không giống một NHTW nào trên thế giới áp dụng theo kiểu Việt Nam đang làm. Nhưng qua sự kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng của NHNN đã không chỉ đáp ứng lượng cung vàng miếng trên thị trường, mà còn ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu, cũng như góp phần chống nhập lậu vàng, đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô.

NHNN cũng nghiêm cấm các TCTD cho vay để kinh doanh vàng miếng, đồng thời yêu cầu các TCTD không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng.

Những quy định trên đã có tác dụng rất quan trọng trong việc ngăn chặn đầu cơ cũng như hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng miếng.

Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, mặc dù giá vàng thế giới có biến động, nhưng trong nước vẫn giữ được sự ổn định, không còn những cơn sốt vàng; giới đầu cơ không có cơ hội tạo sóng, làm giá, thao túng thị trường để kiếm lời như trước đây. Mục tiêu bình ổn thị trường vàng mà NHNN đưa ra đã từng bước được thiết lập.

Điều này có thể nhận rõ, khi nhớ lại trước đây, nếu có giữ được giá ổn định thì cũng chỉ khoảng trong vài ba ngày, khi giá thế giới biến động và tăng nhanh là thị trường lại trở nên nhốn nháo. Nhưng suốt từ đầu năm 2013 đến nay, dù có thời điểm giá vàng thế giới chỉ trong một đêm ”rơi” gần 100 USD, thị trường vàng trong nước vẫn... lặng sóng. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp, từ mức cao nhất 6-7 triệu đồng/lượng, đến nay chỉ dao động quanh mức 2-3 triệu đồng/lượng.

Kiên định chính sách

Đánh giá cao thái độ kiên định thực hiện nhất quán chính sách điều hành thị trường vàng của NHNN, Ts. Võ Trí Thành nhấn mạnh: Sau khi Nghị định 24 ra đời một thời gian và hiệu ứng chính sách này chưa phát huy, không ít ý kiến và diễn biến thị trường đã gây sức ép đối với NHNN. Nhưng kiên định mục tiêu đã xác định, NHNN quyết tâm thực hiện lộ trình của mình. Từ việc chấm dứt hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng để giảm mạnh tâm lý nắm giữ, đầu cơ vàng, ngăn ngừa rủi ro cho các TCTD thông qua việc ban hành các Chỉ thị, Thông tư.

Việc loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến vàng ra khỏi hoạt động của TCTD, chấm dứt tình trạng "vàng hóa" hoạt động thanh toán; chuyển từ quan hệ huy động, cho vay vàng sang quan hệ mua – bán, đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Nhận định về chính sách quản lý thị trường trong thời gian qua của NHNN, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định: chính sách đã bắt đầu phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là đã giúp người dân tránh những “cú sốc” về giá vàng.
Khi nhận định cân đối về cung cầu vàng miếng trên thị trường đang có dấu hiệu lệch pha, NHNN đã khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai giải pháp đấu thầu vàng miếng nhằm can thiệp bình ổn thị trường vàng.

lựa chọn giải pháp này của NHNN nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia. Đồng thời cho thấy rõ quan điểm NHNN: không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

“Giải pháp can thiệp cung vàng ra thị trường qua đấu thầu thay vì nhập khẩu vàng là hoàn toàn phù hợp. Theo đó, vừa tiết kiệm được một lượng ngoại tệ đáng kể, đồng thời đảm bảo các TCTD thực hiện tất toán số dư huy động vàng theo đúng quy định”, một chuyên gia nhận định.

Để đảm bảo vàng đấu thầu sử dụng đúng mục đích, NHNN đã yêu cầu các TCTD, DN hàng ngày phải báo cáo chi tiết về trạng thái vàng miếng: khối lượng, giá trị. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, trong tổng số khối lượng vàng miếng trúng thầu, có gần 30 tấn được các TCTD sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng; phần còn lại các TCTD, doanh nghiệp trúng thầu đã sử dụng để bán lại trên thị trường. Báo cáo của các DN này cho biết, số vàng trúng thầu bán lại ra thị trường chủ yếu cho đối tượng là khách hàng cá nhân, số lượng bán lại cho các DN kinh doanh mua, bán vàng miếng là không đáng kể.

Thực tế, các TCTD đã nghiêm túc tuân thủ quy định của NHNN, toàn hệ thống duy trì trạng thái vàng ở mức trung bình chỉ khoảng 0,14% trên vốn tự có. NHNN đang khẩn trương triển khai Quyết định số 20/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về phòng chống rửa tiền, dự kiến NHNN sẽ tăng cường theo dõi, giám sát báo cáo chi tiết các giao dịch của các doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng với khách hàng có giá trị lớn trên 300 triệu đồng.

Trong thời gian tới, theo lãnh đạo cơ quan chức năng NHNN cho biết đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ bảo quản vàng miếng của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Từ đầu năm 2012 đến nay, NHNN không cấp phép cho các TCTD, doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Trong tổng số hơn 60 tấn vàng miếng NHNN đã cung ra thị trường, chỉ có khoảng 30 tấn được các TCTD mua để chi trả cho khách hàng trước đây đã gửi vàng tại TCTD. Như vậy, so với nhu cầu vàng trong những năm trước đây, khoảng 50-100 tấn, đến nay cung vàng miếng mới ra thị trường chỉ ở mức hơn 28 tấn. Điều này cho thấy nhu cầu vàng miếng trong nước đã giảm nhiều so với giai đoạn trước.