Thị trường vàng, ngoại tệ: "Đừng để cái sảy nảy cái ung"

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Mấy ngày nay, giá vàng, tỷ giá lại bắt đầu nhảy múa gây nhiều áp lực lên công tác điều hành chính sách tiền tệ. Trước thực tế này, theo nhiều chuyên gia ngân hàng, có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có những hành động cụ thể hơn để ổn định lại thị trường vàng, ngoại tệ.

NHNN cần phải có những biện pháp mạnh hơn để ổn định thị trường vàng, ngoại tệ. Nguồn: internet
NHNN cần phải có những biện pháp mạnh hơn để ổn định thị trường vàng, ngoại tệ. Nguồn: internet

Trấn an thị trường, rất tốt…

Thị trường vàng, ngoại tệ bắt đầu nổi sóng từ đầu tuần trước. Chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới liên tục được nới rộng, từ mức 2,4 - 2,5 triệu đồng/lượng, hiện đã lên tới hơn 3,7 triệu đồng/lượng. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh, cao hơn tỷ giá tại các ngân hàng khoảng 120 đồng/USD.

Ai cũng biết nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý người dân bị ảnh hưởng bởi vấn đề biển Đông. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), hiện cân đối cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế vẫn đảm bảo. 4 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 18,9% so cùng kỳ, xuất siêu đạt 2,05 tỷ USD, nguồn kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp tiếp tục vào Việt Nam, nhờ đó, cán cân thanh toán thặng dư cao, khoảng 10 tỷ USD và dự báo tiếp tục thặng dư trong cả năm 2014. Hiện các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân đều được đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thông suốt.

Về thị trường vàng, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, sau khi các ngân hàng thương mại (NHTM) tất toán xong trạng thái vàng, nhu cầu vàng trong nước đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, cả hai vụ trưởng đều thừa nhận, việc giá vàng, ngoại tệ tăng mạnh trong mấy ngày qua, bên cạnh yếu tố tâm lý, không loại trừ nguyên nhân giới đầu cơ tung hứng, làm giá để kiếm lời bất chính.

“Tỷ giá trên thị trường tự do tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý và không loại trừ yếu tố đầu cơ, tung tin, làm giá để trục lợi”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Huy, “qua theo dõi, nắm bắt thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi thấy, không có những nguyên nhân tác động từ các yếu tố kinh tế, mà chủ yếu do yếu tố tâm lý, đầu cơ, làm giá”.

Cũng bởi vậy, mặc dù NHNN đã trấn an người dân rằng, NHNN đang theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, ngoại tệ và sẽ có hành động can thiệp kịp thời nếu cần. Hành động can thiệp ở đây cũng được hé lộ là NHNN có thể sẽ bán ngoại tệ, bán vàng để can thiệp thị trường.

Bình luận về động thái này, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, những tình huống xấu về mặt tâm lý luôn có thể xảy ra, nên việc trấn an sẽ có tác dụng, cần cảnh tỉnh để tránh việc đầu cơ. Thực tế cho thấy, NHNN đã xây dựng kế hoạch kịch bản ứng phó đối với thị trường song song với truyền thông, kể cả trong tình huống xấu nhất.

Nhưng cũng do yếu tố đầu cơ nên những động thái mang tính trấn an của NHNN xem ra chỉ có tác dụng tức thời. Trên thực tế, giá vàng và ngoại tệ chỉ hạ nhiệt trong ngày 21/5, một ngày sau tuyên bố của NHNN và đến ngày 22/5, giá vàng, USD lại bắt đầu tăng cao trở lại. Thời điểm sáng 23/5 giá vàng SJC lên tới 36,75 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới tới 3,75 triệu đồng/lượng.

… nhưng cần hành động mạnh hơn

“NHNN đã ứng phó nhanh nhẹn, kịp thời sau khi thị trường phản ứng với sự kiện biển Đông vừa qua. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều hơn một kịch bản ứng phó tổng thể và quan trọng là tuyên truyền, thông tin cho thị trường nắm bắt được đường hướng của chính sách”, tổng giám đốc một NHTM nói.

Ông Phạm Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, khả năng đấu thầu vàng để cung ứng vàng cho thị trường là hoàn toàn có thể, nếu chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao và gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Nếu tỷ giá USD/VND tăng mạnh và các doanh nghiệp không thể mua được ngoại tệ ở mức tỷ giá trần, NHNN cũng phải xem xét khả năng can thiệp bằng việc bán ngoại tệ ra trên thị trường hoặc hút bớt tiền đồng ra khỏi hệ thống.

Tuy nhiên, NHNN giờ đây không chỉ đóng vai trò là ổn định giá trị đồng tiền nữa mà còn thực hiện thêm vai trò thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, NHNN đủ dự trữ ngoại hối cũng như vàng để ổn định, trấn an thị trường, nên chính sách tiền tệ lúc này không phải là vàng, ngoại tệ mà là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy nền kinh tế, bởi tăng trưởng vẫn còn ì ạch, nhiều khó khăn.

“Nền kinh tế dù phục hồi chậm nhưng cũng có những tia sáng và đang phục hồi trong quý II thì dưới tác động của biển Đông, tổng cầu có phần suy giảm. Đến nay, NHNN chưa có động thái rõ rệt về tác động cung - cầu, đưa kinh tế tăng trưởng trở lại bằng trước biến động biển Đông. Do vậy, chính sách tiền tệ cần một định hướng rõ ràng hơn”, ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, tính đến hết quý I/2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao (48,9%), nhưng đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng, tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Báo cáo chỉ số kinh doanh Việt Nam năm 2013 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố, lòng tin giảm, lo ngại về thất bại kinh doanh là nguyên nhân khiến tỉ lệ đăng ký khởi sự kinh doanh rất thấp, cho thấy rất cần chính sách hỗ trợ kinh doanh kịp thời, mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội có tác động thị trường bất động sản (30.000 tỷ đồng) đạt thấp, đến ngày 15/3 mới giải ngân được 1.322 tỷ đồng, tương đương 4,41%.

Thế nhưng, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đó là về trung hạn, trong ngắn hạn, NHNN vẫn cần phải có những biện pháp mạnh hơn để ổn định thị trường vàng, ngoại tệ. Bởi nếu để hai thị trường này nổi sóng, chính sách tiền tệ cũng chịu áp lực lớn. Chưa kể một nguồn lực không nhỏ trong dân cư sẽ bị hút vào vòng xoáy này. “Đừng để cái sảy nảy cái ung”, một chuyên gia kinh tế khuyến cáo.