Thị trường vàng - “Ngòi nổ” đã tháo, nỗi lo vẫn còn

TS. Cao Sĩ Kiêm

Sau 30/6, thị trường vàng vẫn tiếp tục nhảy múa, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bình ổn như mong muốn. Vẫn biết, mọi chính sách đều có độ trễ trước khi phát huy tác dụng, nhưng dường như những chính sách hiện hành đối với thị trường vàng vẫn là thuốc chưa đủ liều… Xin đăng tải ý kiến của TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này.

Thị trường vàng - “Ngòi nổ” đã tháo, nỗi lo vẫn còn
Nhu cầu mua vàng của người dân rất lớn. Nguồn: sggp.org.vn

Giảm, nhưng không đơn giản

Sau khi cánh cửa huy động vàng của các ngân hàng thương mại thực sự đóng lại thì khuynh hướng là giá vàng trong nước sẽ giảm, nhưng không phải đơn giản và ngay tức thì. Động thái này giúp sức ép cung - cầu giảm đi, nhờ đó gỡ được “ngòi nổ” lớn nhất, vốn tiềm ẩn rủi ro làm rối loạn chính sách tiền tệ và mặt bằng giá cả. Nhưng để giá vàng trong nước giảm, nói đúng hơn là thu hẹp khoảng cách với giá vàng quốc tế, còn nhiều yếu tố khác: các động thái quản lý và tâm lý, ý thức của người dân trong việc dự trữ và sử dụng vàng.

Trong đó, hành vi của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào lạm phát, giá trị của đồng tiền và đặc biệt là tỷ giá ngoại tệ, cụ thể là USD. Khi thị trường bất động sản và sản xuất kinh doanh trong nước ngưng trệ, người dân không tin tưởng bỏ vàng ra đầu tư thì người ta lại tiếp tục mua vào để dự trữ, như thế giá sẽ lại bị đội lên. Tôi cho cái vướng hiện nay là số vàng trong dân chưa có cách nào “khơi” ra được.

Đó là chưa nói đến những tác động từ thị trường vàng thế giới mà Việt Nam vốn chỉ là một… con cá rất nhỏ nếu so với 5 nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới - 5 con “cá mập” có khả năng làm mưa làm gió trên thị trường bằng cách hè nhau đẩy giá lên hay dìm giá xuống tùy thuộc vào tình hình sức khỏe nền kinh tế của chính họ.

Thực tế là hiện nay thị trường Việt Nam có phần tách biệt với thị trường thế giới. Muốn tiệm cận, đảm bảo quyền lợi cho người mua bán vàng trong nước thì phải giải quyết một số việc: Thứ nhất là tạo ra trạng thái “bình thông nhau” giữa thị trường trong nước và thế giới. Điều kiện cần có là dự trữ ngoại tệ lớn, để có thể nhập khẩu vàng mà không phải gom USD, tạo ra lực đẩy tỷ giá. Thứ hai, thay đổi tâm lý gom vàng tích trữ của người dân, khiến một nguồn lực lớn bị “chôn” trong các két sắt gia đình. Điều kiện là lưu thông phải thuận lợi, các chính sách quản lý phải công khai, minh bạch. Thứ ba là các chính sách quản lý vàng phải đúng hướng.

Kiên quyết không để “vàng hóa” trở lại

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 vừa qua, những mặt thành công trong công tác quản lý thị trường vàng đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận. Đó là giảm áp lực cung - cầu; từng bước quản lý chặt việc xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh vàng miếng; bước đầu xóa đi xu hướng đầu cơ vàng; nắn chỉnh thị trường theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng còn rất nhiều việc phải làm. Thị trường chưa thật sự liên thông với thế giới, giá cả trong nước với quốc tế vẫn còn chênh lệch khá xa. Nguồn lực vàng trong dân cũng chưa huy động được.

Cũng có người nói, giá vàng chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận rất nhỏ dân chúng. Rất nhiều người làm công ăn lương nhiều năm qua không mua bán một chỉ vàng nào. Nói vậy cũng không hoàn toàn đúng. Khi giá vàng trong nước còn chênh lệch lớn so với quốc tế thì không những người dân bị thiệt, mà còn kích thích buôn lậu. Nếu vàng lại tham gia thị trường như phương tiện thanh toán - nói nôm na là tình trạng “vàng hóa” trở lại - thì không khác nào một cuộc phát hành tiền tệ, mà Ngân hàng Nhà nước không thể biết được là phát hành bao nhiêu, không kiểm soát được sức mua... Rút cuộc, các chính sách tiền tệ bị vô hiệu hóa, nền kinh tế hỗn loạn, rất nguy hiểm.

Khó nhất là sử dụng hiệu quả nguồn lực vàng

Theo tôi, công tác quản lý thị trường vàng tới đây tiếp tục cần chú trọng một số vấn đề. Để tạo ra sự liên thông với thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Ngân hàng Nhà nước không nhất thiết phải tự đứng ra làm việc này mà có thể giao cho các công ty có nghiệp vụ chuyên môn, nhưng phải kiểm tra, kiểm soát thường xuyên. Đặc biệt là phải phối hợp với các lực lượng khác để ngăn chặn tối đa tình trạng buôn lậu vàng.

Một mục tiêu quan trọng khác là huy động được nguồn lực vàng trong dân. Việc này có hai cái lợi, vừa có thể dùng lượng vàng này đáp ứng nhu cầu trong nước, hạn chế nhập khẩu, từ đó không phải chịu sức ép cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng; đồng thời, số vàng này cũng có thể được sử dụng một phần để kinh doanh. Nhưng ở đây phải phân biệt nội hàm “huy động”. Sẽ không có chuyện các ngân hàng thương mại huy động vàng của dân rồi đem vàng ấy đi bán, thu tiền mặt về cho vay lãi suất cao tới trên 20%, kiếm tiền “nóng”… như trước - việc mà chúng ta vừa phải nỗ lực chấm dứt và giải quyết hậu quả.

Sắp tới, Nhà nước có thể huy động vàng trong dân bằng cách phát hành chứng chỉ gửi vàng. Vàng gom được sẽ được dự trữ, khi có nhu cầu thì đưa ra sử dụng, không phải nhập vì Việt Nam gần như không sản xuất được vàng, hoặc chỉ phải nhập với số lượng ít hơn. Về phía người gửi, chứng chỉ vàng có thể được dùng như một loại giấy tờ có giá, có thể đem thế chấp vay tiền. Khi cần vàng, người có chứng chỉ được trả lại bằng vàng. Như vậy, thay vì vàng “ngủ yên” trong hàng vạn két sắt thì nay sẽ được thu lại một chỗ. Một phần số vàng đó có thể đem kinh doanh trên thế giới, nói cách khác là được chuyển hóa thành vốn, được đưa vào kinh doanh ở tầm quốc gia để củng cố chính sách tiền tệ, giữ giá đồng tiền Việt Nam.

Để người dân đem vàng đi gửi, điều cốt yếu là quyền lợi của họ phải được đảm bảo. Tôi đem gửi vàng, được trả phí ở một mức nhất định, khi lấy ra chắc chắn được trả lại bằng vàng. Cũng cần thiết kế chính sách bảo hiểm phù hợp cho vàng gửi. Khi thấy cơ quan quản lý nói đi đôi với làm; chính sách công khai, dễ giám sát thì người có vàng sẽ mở két thôi.

Tuy nhiên, phải nói thêm rằng việc tính toán nhiều mặt để quyết định “bung” bao nhiêu vàng ra kinh doanh đòi hỏi kiến thức nghiệp vụ, tài năng và kinh nghiệm của người quản lý “kho vàng”. Đây là thách thức lớn nhất. Nếu không làm được sẽ lại thua lỗ, thất thoát lớn. Bởi vì thị trường vàng quốc tế là một sân chơi khắc nghiệt mà lưng vốn của chúng ta chỉ thuộc loại… hạt cải. Những “ông lớn” trên thị trường này chỉ cần hy sinh một chút lợi ích trước mắt của họ để rồi thu lợi về sau là mình có thể lao đao. Cho nên phải rất khéo.

Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vàng, tăng dự trữ ngoại hối

Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, tuy không đăng đàn trả lời trực tiếp nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến về quản lý điều hành thị trường vàng.

Với văn bản này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã từng xem xét tính toán cụ thể khả năng đứng ra tổ chức huy động vàng của dân cư, sau khi các tổ chức tín dụng chấm dứt việc huy động vàng. Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước đứng ra huy động vàng từ dân cư có một số điểm bất lợi: chi phí bỏ ra khá lớn, số vàng huy động được nếu đi đầu tư ở nước ngoài trong thời điểm hiện nay thì Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ phải chịu lỗ do mất phí chuyển đổi thành vàng tiêu chuẩn quốc tế và tỷ suất sinh lời rất thấp. Ngoài ra, còn phải chịu rủi ro về thanh khoản vàng như các tổ chức tín dụng khi người dân đến rút vàng.

Vẫn theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế thì thấy cũng không ngân hàng trung ương nào đứng ra huy động vàng từ dân cư trong giai đoạn hiện nay, do những rủi ro về giá vàng và vấn đề thanh khoản. Sau khi chấm dứt hoạt động huy động vàng của các tổ chức tín dụng, cách hiệu quả nhất để chuyển hóa nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước là Ngân hàng Nhà nước mua vàng, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Để thực hiện mục tiêu này, cần phải chuẩn bị một số điều kiện như tiếp tục duy trì, củng cố giá trị đồng Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn hoạt động huy động vàng và áp dụng các biện pháp kinh tế để khuyến khích người dân bán vàng ra.

Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nếu như các giải pháp như đã nêu ở bài viết có khó khăn trong thực hiện, chưa thể làm ngay được thì có thể thực hiện các giải pháp như Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trả lời đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến. Tuy nhiên, như vậy kết quả sẽ hạn chế, chưa thể như mong muốn
.