Độc quyền vàng miếng

Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định, kể từ ngày 25/5/2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định.

Theo đó, NHNN đã chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng Quốc gia. SJC cũng là đơn vị duy nhất được phép dập, gia công vàng miếng. Mục đích của việc áp dụng chính sách độc quyền vàng miếng để chống đầu cơ vàng miếng và vàng hóa nền kinh tế. Tuy nhiên, những quy định này cũng đã nảy sinh nhiều biến động bất thường cho thị trường vàng năm 2012.

Hiện NHNN độc quyền nhập khẩu, độc quyền sản xuất, độc quyền thương hiệu. Ba cái độc quyền này tạo điều kiện để đưa thị trường vàng đi vào khuôn khổ. Kết quả là về tỷ giá thì ổn định; giải quyết căn cơ nạn nhập lậu vàng (vì nay có thể hình dung nhà nước đã giữ “cầu dao điện” của cái máy sản xuất ra vàng miếng; vàng nhập lậu dường như không có đầu ra nữa, gần như không còn đất sống). Như vậy, có thể thấy, việc độc quyền sản xuất cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lượng vàng trên thị trường, vì lượng nằm trong dân đã rất lớn, có thể tới 350- 400 tấn; không ảnh hưởng đến quyền người dân được giữ, sở hữu và mua bán. Trong đó vàng SJC đã quá phổ biến nên không còn phụ thuộc hoàn toàn vào công ty sản xuất ra nó nữa.

Đánh giá của các chuyên gia xung quanh vấn đề này là: Nhà nước không được lợi gì khi độc quyền vàng miếng, thậm chí còn thất thu khi doanh nghiệp ngừng sản xuất vàng miếng vì không có thuế đóng cho Nhà nước. Vậy nhưng, lạc quan nhìn nhận sự độc quyền vàng miếng thì số lượng vàng lưu thông trên thị trường vàng giảm đi, giảm được tình trạng buôn lậu, qua đó giảm sức ép lên ngoại tệ, tỷ giá.

Chênh lệch lớn về giá

Chưa bao giờ thị trường vàng Việt Nam lại xảy ra mâu thuẫn về giá như trong năm 2012. Thị trường có sự chênh lệch bất thường về giá giữa vàng SJC với vàng phi SJC và giữa vàng SJC với vàng thế giới. Tình trạng độc quyền và thiếu sự liên thông với thị trường vàng thế giới đã tạo ra hiện tượng giá vàng SJC thường cao hơn vàng thế giới từ 4 đến 5 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng phi SJC khoảng 3,5 đến 4 triệu đồng/lượng. Vào những ngày cuối năm 2012, giá vàng SJC tiếp tục tạo khoảng cách khi cao hơn giá vàng thế giới xấp xỉ 5 triệu đồng/lượng.

Nguyên nhân trước hết là giá vàng trong nước với thế giới không được liên thông với nhau, vì không được nhập khẩu một cách tự do; Thứ hai là vàng đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, đến nay vàng không chỉ là phương tiện cất trữ mà còn để đầu tư, lướt sóng; Thứ ba, tại một số thời điểm nhất định xuất hiện những lực cầu, ví dụ cần thanh khoản, cần trả vàng cho các khoản vay… Những lực cầu đó lớn ở những thời điểm nhất định nó tạo ảnh hưởng; Thứ tư là các chính sách điều hành của cơ quan nhà nước chưa thực sự nhạy bén, chưa theo kịp thị trường, chính vì vậy càng làm cho các vấn đề trên có đất để phát triển.

Theo ông Trần Quốc Quýnh, Thư ký Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam, mức chênh lệch giá vàng SJC với phi SJC và giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới là quá cao, có thể đem lại rủi ro khi đầu tư vàng. “Nghị định 24/2012/NĐ- CP về quản lý vàng ra đời, với cái lợi mà Nhà nước kỳ vọng là kéo giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng mục tiêu trên đến thời điểm này là chưa thực hiện được”.

Sân chơi cho ngân hàng lớn

Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị nào không đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng theo quy định của NHNN sẽ phải ngừng kinh doanh mặt hàng này từ ngày 10/1/2013. Cụ thể, Ngân hàng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký kinh doanh vàng; mạng lưới chi nhánh từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; với doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm; nộp thuế 500 triệu đồng trở lên trong 2 năm gần nhất và có mạng lưới chi nhánh bán hàng tại ít nhất 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Như vậy, nếu xét trên các quy định của Nghị định 24 thì cuộc chơi trên thị trường phân phối vàng miếng sẽ thuộc về các NHTM. Bởi các NHTM đều đáp ứng được điều kiện này một cách dễ dàng khi vốn điều lệ hầu hết đã đạt trên 3.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới kinh doanh vàng, khoảng 12.000 doanh nghiệp đang kinh doanh vàng miếng trên cả nước sẽ khó đáp ứng được các điều kiện khá chặt chẽ, đòi hỏi vốn điều lệ lớn. Với các quy định của Nghị định 24/2012/ NĐ-CP, sẽ loại bỏ nhiều doanh nghiệp ra khỏi “cuộc chơi”, ngay cả các đơn vị lớn như Bảo Tín Minh Châu, Công ty Kinh doanh vàng Agribank… cũng sẽ phải xin cấp phép của NHNN. Vì thế, thị trường vàng sẽ còn rất ít doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh mặt hàng này. Tính đến ngày 10/1/2013 NHNN mới cấp phép cho 31 đơn vị được kinh doanh vàng miếng.

Ngừng huy động vàng

Thị trường vàng Việt Nam năm 2012 đã chịu những tác động không nhỏ khi chính sách chấm dứt huy động vàng có hiệu lực. Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư 22/2010/TT – NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) phải dừng huy động vàng kể từ ngày 25/11/2012. Nếu người dân có vàng mang gửi ngân hàng giữ hộ sẽ phải trả phí. Những quy định này đã tác động không nhỏ đến tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, bởi không phải người gửi vàng tại ngân hàng sẽ chuyển đổi vàng sang tiền mặt để gửi trở lại vào hệ thống các tổ chức tín dụng. Theo kế hoạch, từ ngày 25/11/2012, các ngân hàng phải ngừng hoàn toàn những nghiệp vụ liên quan tới vàng theo quy định, nhưng trên thực tế, trong vòng 6 tháng qua, các tổ chức tín dụng mới chỉ thu mua được khoảng 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng, còn thiếu khoảng 20 tấn. Do đó, NHNN mới đây đã phải gia hạn cho các TCTD đến ngày 30/6/2013.

Theo nhận định từ một số chuyên gia: Một khối lượng vàng được dự đoán từ 400-500 tấn trong dân, sẽ là tài sản chết, không chuyển hóa được để lưu thông. Kể cả khi NHNN có đề án huy động vàng trong dân để chuyển hoá vàng thành ngoại tệ đi nữa cũng không dễ. Vì muốn hút được vàng trong dân, phải ổn định được giá trị VND, khi đó người dân mới có niềm tin để gửi vàng.

Hy vọng rằng sau một năm đánh giá hiệu quả các chính sách điều hành, các cơ quan quản lý sẽ có những quyết sách hợp lý như Nghị quyết của Quốc hội đã thông qua là “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2-2013

Thị trường vàng: Những "điểm nhấn" đáng nhớ...

PV.

(Tài chính) Chẳng phải ngẫu nhiên mà những diễn biến của thị trường vàng năm 2012 được nhiều tổ chức tài chính bình chọn là một trong những sự kiện tiêu biểu của năm. Bởi thị trưởng này năm qua đã để lại nhiều điểm đáng ghi nhớ… Nhân dịp đầu Xuân, Tài chính & Đầu tư lược lại những “điểm nhấn” đáng nhớ trên thị trường vàng Việt Nam năm qua.

Xem thêm

Video nổi bật