Thị trường vàng sau một năm triển khai Nghị định 24

Theo Thời báo Ngân hàng

Kết quả của các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng cung cho thị trường. Mục tiêu can thiệp bình ổn thị trường vàng của NHNN đang từng bước được thực hiện. Mặc dù vẫn còn chênh lệch khá cao giữa giá trong nước và quốc tế nhưng sự chênh lệch này không ảnh hưởng tới tỷ giá, thị trường ngoại hối, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thị trường vàng sau một năm triển khai Nghị định 24
Đại diện một doanh nghiệp bỏ thầu trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC do NHNN tổ chức. Nguồn: Internet

Sau hơn một năm quyết liệt chống “vàng hóa” nền kinh tế, các chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trong đó có Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã thu được những kết quả tích cực góp phần ổn định tỷ giá, giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nghị định 24 đã góp phần quan trọng trong việc tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và giảm đáng kể hiện tượng “vàng hóa” nền kinh tế.

Trước khi Nghị định 24 được ban hành, cả nước có khoảng 12.000 doanh nghiệp kinh doanh vàng nhưng lại chưa được quản lý một cách chặt chẽ. Mỗi khi giá vàng biến động mạnh thì thị trường lại trở nên “hỗn loạn”, người dân đổ xô đi mua vàng bất kể khi giá đang tăng mạnh hay xuống thấp nhằm lướt sóng kiếm lời, đẩy một lượng tiền lớn đi vào thị trường vàng mà không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các thị trường đầu tư của nền kinh tế như chứng khoán, bất động sản… lại đang rơi vào ảm đạm, dòng vốn đầu tư vào vàng đã tăng mạnh khiến cầu vàng tăng, trong khi đó, cung vàng chỉ có chừng mực do sự hạn chế nhập khẩu vàng của NHNN.

Để có thể tạo ra những đợt “sóng” mạnh thu hút người dân tham gia vào các cơn sốt vàng, giới đầu cơ phải thu gom một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, tạo nên sự khan hiếm ngoại tệ, làm cho cầu ngoại tệ trên thị trường tự do tăng, tâm lý găm giữ, đầu cơ ngoại tệ cũng vì thế mà gia tăng, đẩy tỷ giá thị trường tự do tăng cao. Sau đó, giới đầu cơ tạo ra “cơn sốt” vàng ảo bán giá vàng với giá cao hơn giá thế giới quy đổi để trục lợi. Các yếu tố này cứ lặp đi lặp lại, khiến cho tỷ giá không ổn định, đồng nội tệ bị suy giảm mạnh, đẩy mặt bằng hàng hóa nhập khẩu tăng theo, làm gia tăng lạm phát trong nền kinh tế và tạo ra sự bất ổn vĩ mô.

Trước những diễn biến đó, nhằm bình ổn thị trường vàng, thực hiện chủ trương về việc xóa bỏ “vàng hóa” trong nền kinh tế, để cho thị trường này không ảnh hưởng tới tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, ngày 3/4/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, đây là một quyết sách đúng đắn của Chính phủ và NHNN trong việc ổn định thị trường vàng và chống lại giới đầu cơ vàng.

Theo đó, Nghị định 24 có 2 mục tiêu chính: Thứ nhất là, không để biến động của giá vàng làm ảnh hưởng tới tỷ giá, vì vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhập khẩu, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai là, ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Huy động ngược trở lại nguồn lực này cho phát triển kinh tế xã hội.

Với tinh thần của Nghị định 24, tới nay NHNN đã thực hiện thành công bước đầu những mục tiêu này.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đối với một nước vay nợ nước ngoài, xuất nhập khẩu lớn như Việt Nam thì dự trữ ngoại hối có tính chiến lược và cực kỳ quan trọng. Vì dự trữ ngoại hối không những ảnh hưởng đến tỷ giá, xuất khẩu, nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô mà còn ảnh hưởng tới an ninh quốc phòng. Giá vàng trong thời gian dài đã có những biến tướng gây lộn xộn trên thị trường.

Nếu cứ tiếp tục để cho giới đầu cơ sử dụng “sóng” vàng lớn như vậy để đầu cơ thì quỹ dự trữ ngoại tệ của nước ta sẽ “biến mất”. Chính phủ bắt buộc phải đưa ra giải pháp chặn đứng chảy máu ngoại tệ. Khôi phục dữ trữ ngoại tệ bắt buộc phải có biện pháp ứng xử với vàng và NHNN đã thành công trong việc khôi phục dự trữ ngoại tệ gấp 3 lần, khôi phục được uy tín và thanh khoản quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Cùng với Nghị định 24 được ban hành, NHNN đã triển khai thực hiện một loạt các giải pháp bình ổn thị trường vàng.

Thứ nhất, NHNN không cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng kết hợp với hiệu quả của các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tình hình cung cầu ngoại tệ đã cải thiện cơ bản, giảm đáng kể tình trạng “đô la hóa” nền kinh tế.

Thứ hai, việc thực hiện chính sách Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng đã làm giảm mạnh nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vàng.

Thứ ba, việc NHNN kiên quyết thực hiện chính sách chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng (TCTD) đã loại trừ rủi ro liên quan đến vàng trong hoạt động của các TCTD, đồng thời, xử lý triệt để hiện tượng vàng hóa.

TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc NHNN “đánh bật” quan hệ cho vay - huy động vàng sang quan hệ mua - bán là hành động đúng đắn. Bởi nếu để các công ty kinh doanh vàng huy động, điều tiết lãi suất và lượng cung trên thị trường thì vô hình trung họ sẽ đóng vai trò như một Ngân hàng Trung ương với phương tiện lưu thông là vàng. Còn NHNN là Ngân hàng Trung ương với phương tiện lưu thông là tiền. Và một nước có hai cơ quan điều hành với hai phương tiện lưu thông sẽ rất bất ổn.

Hơn nữa, trong một năm qua, các TCTD đã mua được trên 100 tấn vàng trên thị trường trong nước để chi trả cho người dân mà không cần nhập khẩu.

Đặc biệt, khối lượng ngoại tệ NHNN sử dụng để nhập khẩu vàng nhỏ hơn nhiều lần lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu vàng trong những năm trước đây, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn so với lượng ngoại tệ NHNN đã mua và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, từ khi Nghị định 24 được triển khai, thị trường vàng đã trở nên ổn định, không còn xảy ra hiện tượng có những cơn sốt vàng, người dân đổ xô đi mua vàng khi giá biến động mạnh. Cũng không còn hiện tượng mua gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, dẫn đến tỷ giá biến động ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, thực hiện chính sách chống “vàng hóa” nền kinh tế, Nghị định 24 cũng đã có quy định cấm sử dụng vàng miếng làm phương tiện thanh toán. Trên thực tế, kể từ khi ban hành Nghị định 24, vàng không còn là phương tiện thanh toán phổ biến và nhu cầu đầu tư vàng ở Việt Nam giảm rõ rệt.

Nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho hoạt động can thiệp bình ổn thị trường vàng theo Nghị định 24, từ ngày 28/3 đến 9/5/2013, NHNN đã thực hiện 15 phiên đấu thầu vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu gần 15 tấn. Việc xác định mức giá sàn bán vàng miếng của NHNN bảo đảm yếu tố thị trường và tuân thủ quy định pháp luật về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Mức giá sàn bán vàng miếng công bố trong các phiên đấu thầu là phù hợp và sát với giá vàng giao dịch thực tế trên thị trường trong nước. Các tổ chức trúng thầu bao gồm các TCTD và doanh nghiệp được thiết lập quan hệ mua, bán vàng miếng với NHNN.

Một phần vàng miếng đã mua từ đấu thầu được bán lẻ trên thị trường trong nước và một phần sử dụng để giảm trạng thái vàng huy động đã sử dụng.

Kết quả của các phiên đấu thầu vàng của NHNN đã tăng cung cho thị trường. Mục tiêu can thiệp bình ổn thị trường vàng của NHNN đang từng bước được thực hiện. Mặc dù vẫn còn chênh lệch khá cao giữa giá trong nước và quốc tế nhưng sự chênh lệch này không ảnh hưởng tới tỷ giá, thị trường ngoại hối, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Có sự chênh lệch này là do Việt Nam là một nước không sản xuất được vàng, do đó nhu cầu vàng miếng trong nước được đáp ứng qua việc dùng ngoại tệ để nhập khẩu. Thời gian qua, chúng ta phải lựa chọn mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và hoạt động bình thường của thị trường ngoại tệ.

Trong hai năm qua, NHNN không cấp phép nhập khẩu vàng miếng để góp phần ổn định vĩ mô. Trong khi đó, nhu cầu vàng miếng trong nước là có thực, trong đó, có một phần từ các TCTD để tất toán trạng thái. Thêm nữa, gần đây, giá vàng thế giới có sự sụt giảm rất mạnh. Đây là các yếu tố khiến giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch.

Từ khi triển khai Nghị định 24, tuy có chênh lệch giữa giá quốc tế và trong nước, nhưng không tái diễn sốt vàng, diễn biến tỷ giá và hoạt động thị trường ngoại tệ hết sức ổn định nên không ảnh hưởng tới xuất, nhập khẩu. Đây là một trong những yếu tố then chốt để ổn định vĩ mô.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, mục tiêu đấu thầu vàng của NHNN là cung ứng vàng ra thị trường và để bình ổn thị trường. Trong các phiên đấu thầu, NHNN đóng vai trò là người cung duy nhất vàng miếng ra thị trường. Mục tiêu kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới là trong trung, dài hạn, chứ không phải là trước mắt.

Trước mắt, mục tiêu bình ổn thị trường vàng không đặt ra vấn đề giá vàng trong nước khoảng cách bao nhiêu với giá thế giới. Giá vàng cao, dân là người được lợi. Đối với người đi mua vàng thì có chút thiệt, nhưng đối với người bán thì lại được lợi. Trên thị trường có cả người mua - bán. Vì thế, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới không phải là điều đáng quan tâm, mà quan trọng là khi giá vàng tăng hay giảm đều không ảnh hưởng tới tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc đấu thấu vàng vừa qua, phần lãi được đưa vào ngân sách nhà nước sử dụng để đầu tư vào các công trình phúc lợi xã hội. Thực tế, nếu không có những điều hành quyết liệt, đặc biệt là ban hành Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng thì chắc chắn thị trường vàng sẽ còn lộn xộn.

Một năm kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực, các ngân hàng thương mại tránh được những rủi ro từ cuộc đua huy động vàng; dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng lên gấp 3 lần khi áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu vàng. Tỷ giá ngoại tệ ổn định trong một thời gian dài. Đối với một nước vay nợ nước ngoài, xuất nhập khẩu lớn như Việt Nam thì thị trường ngoại hối có tính chiến lược, quan trọng hơn vàng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chuyện vay nợ nước ngoài, cán cân thanh toán, tỷ giá, dự trữ ngoại hối…

Đó là những kết quả hết sức quan trọng cần được ghi nhận một cách khách quan.

Sau một năm triển khai Nghị định 24, NHNN đã đạt được những kết quả tích cực khi từng bước đưa thị trường vàng về đúng quỹ đạo. Thị trường vàng đã ổn định, không ảnh hưởng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định vĩ mô, vai trò quản lý của NHNN cũng từ đó được nâng cao.

Tuy mới thành công bước đầu trong các mục tiêu của Nghị định 24 nhưng trong trung, dài hạn NHNN sẽ đẩy lùi được “vàng hóa”, kéo giá trong nước và quốc tế đi sát nhau hơn, tạo lòng tin cho xã hội và nâng cao vị thế của đồng nội tệ.