Thị trường vàng: Siết đầu này, bung đầu kia

Theo Sài Gòn Đầu tư tài chính

Thị trường vàng được siết lại ở hoạt động kinh doanh vàng miếng, theo đó các ngân hàng thương mại (NHTM) đang tranh thủ cơ hội để kiếm lợi từ hoạt động này. Trong khi người dân còn bỡ ngỡ, thị trường vàng miếng lẫn vàng trang sức tiếp tục có những biến hóa linh động để thích nghi dần với cơ chế quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Gia tăng dịch vụ

Các NHTM được cấp phép kinh doanh vàng miếng đều chưng băng rôn, bảng biểu thông báo không chỉ mua và bán vàng miếng mà còn có dịch vụ kinh doanh vàng nhẫn, giữ hộ vàng miếng cho khách hàng.

Cụ thể, Eximbank mua bán vàng SJC 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ và 1 lượng giao ngay, hoặc khách hàng có thể thanh toán trong 2 ngày làm việc (bao gồm giao dịch trong ngày và hôm sau). Với khối lượng lớn, khách hàng có thể thỏa thuận về giá trong từng thời điểm.

Giá vàng trong nước sẽ sát giá quốc tế khi các NHTM tất toán hết trạng thái vàng huy động và cho vay. Tuy nhiên còn áp lực từ giá USD. Bởi tỷ giá USD ổn định tạm thời do nền kinh tế bị suy thoái, muốn nền kinh tế phát triển, USD mất giá, khi đó giá vàng trong nước tự động nhảy lên cao hơn giá thế giới.

TS.Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia ngân hàng

Tại TienPhongBank, ngoài mua bán loại vàng SJC 1 lượng, còn cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng nhẫn từ 1-10 chỉ của Doji tại tất cả điểm giao dịch của NH trên toàn quốc. Người mua vàng nhẫn sau khi giao dịch có thể gửi NH giữ hộ.

Nhiều NH khác cũng cung cấp dịch vụ giữ hộ, như HDBank miễn phí giữ hộ khi khách hàng gửi từ 7 ngày trở lên. Có NH còn cho biết sẽ mua bán vàng giá ưu đãi so với giá thị trường, với điều kiện khách hàng sử dụng dịch vụ giữ hộ miễn phí và bán lại cho NH khi có nhu cầu.

Theo một lãnh đạo NHTM, các NHTM triển khai dịch vụ này không phải xuất vàng vật chất, vừa an toàn cho người mua vừa tiện lợi cho hoạt động mua bán của ngân hàng.

Ông Trần Anh Tuấn, Tổng giám đốc NamABank, cho biết sau khi được cấp phép mua bán vàng miếng, giao dịch chưa cao, nên lợi nhuận từ hoạt động này chưa nhiều.

Tới đây NH có thể kết hợp triển khai các dịch vụ tư vấn miễn phí cho khách hàng bán vàng khi nào có lợi nhất, vừa gia tăng dịch vụ cho khách hàng, vừa giúp chuyển hóa được lượng vàng trong dân. Không chỉ tư vấn, có NH còn cho biết nếu khách hàng mua bán vàng miếng cần vốn có thể được linh động cho vay ngắn hạn như thấu chi; hoặc triển khai dịch vụ thuê két sắt cho người mua vàng.

Đó là những dịch vụ tạo thêm tiện ích, giúp người dân cảm thấy an tâm hơn khi giao dịch mua bán vàng tại NH, tránh mua bán ngoài thị trường có nguy cơ rủi ro về pháp lý.

Khó đầu cơ, không dễ bình ổn giá?

Theo quy định của NHNN, các NHTM được phép kinh doanh vàng miếng không được để trạng thái vàng âm, còn trạng thái vàng dương cuối ngày không quá 2% vốn tự có. Theo ông Phan Thanh Hải, chuyên gia về vàng, cứ có trạng thái là có rủi ro: dương thì giá rớt, âm thì giá lên.

NHNN không cho trạng thái âm để tránh việc các NHTM khi lượng bán âm lấy tiền đồng ra quá nhiều (bởi lãi suất tiền đồng luôn cao), tới lúc mua để tất toán trạng thái sẽ tạo ra những biến động vàng, gây ảnh hưởng thị trường.

Mới đây, Chính phủ chỉ đạo NHNN trong năm 2013 phải hoàn thiện cơ chế quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với thế giới. Thực tế thời gian qua có lúc giá vàng trong nước và thế giới chênh nhau hơn 5 triệu đồng/lượng.

Trong ngày đầu tiên (10/1), các doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh vàng miếng khi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 24, giá vàng trong nước đã giảm nhiệt. Cuối tuần qua, giá vàng trong nước tiếp tục giảm và hiện còn đắt hơn vàng thế giới gần 3,5 triệu đồng/lượng, thấp nhất kể từ tháng 11/2012.

Có thể thấy việc co hẹp kinh doanh vàng miếng dễ làm nảy sinh tình trạng biến tướng, kinh doanh ngầm trên thị trường, điều này thể hiện qua việc biến tướng vàng nhẫn.

Ghi nhận của phóng viên tại các tiệm vàng ở quận 1, 5, (TP.Hồ Chí Minh), nhiều khách hàng đã chuyển sang mua vàng trang sức đóng gói như vàng nhẫn để tiện mua bán.

Nhiều dự đoán việc thu hẹp hoạt động kinh doanh vàng miếng nếu không được kiểm soát tốt rất có thể tạo kẽ hở cho vàng nhẫn, vàng thỏi các loại bùng phát.

Hiện nay vàng nhẫn trên thị trường bán giá thấp hơn vàng miếng, vì nhiều người dân chưa có niềm tin vào thương hiệu vàng nhẫn. Ngay như SJC niêm yết giá vàng nhẫn 9999 thấp hơn vàng miếng SJC gần 2 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo NHTM, dù giá thấp hơn nhưng nếu nhu cầu vàng nhẫn tăng cao và niềm tin của người dân đối với một thương hiệu vàng nhẫn nào đó tăng, sẽ xuất hiện nhu cầu nhập lậu vàng. Khi đó chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước sẽ dãn ra, càng khó giải quyết hơn.

Hơn nữa, hiện nay có đơn vị vẫn niêm yết giá vàng nhẫn bằng giá vàng miếng, nên nếu nhập lậu vàng về, kinh doanh vàng nhẫn lời 3-4 triệu đồng/lượng, bởi chi phí làm vàng nhẫn rất thấp.

Nguy cơ nhập lậu vàng?

Thực tế NHNN đã siết lại thị trường vàng nữ trang khi quy định trước ngày 25/5/2013, các tiệm kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phải đăng ký kinh doanh lại tại các sở kế hoạch - đầu tư theo mô hình doanh nghiệp, có xuất hóa đơn, chứng minh nguồn gốc, nhờ đó Nhà nước thu được thuế và người dân không phải mua loại hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Như vậy các tiệm vàng thuộc hộ gia đình sẽ không được phép mua bán vàng trang sức. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, hộ cá thể là lực lượng kinh doanh vàng trang sức chiếm thị phần lớn. Nếu siết quá hoạt động kinh doanh vàng nữ trang sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều người dân.

Hơn nữa, các hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp mua nguyên liệu để sản xuất nữ trang chủ yếu ngoài thị trường, không loại trừ nguồn nguyên liệu này có gốc từ vàng nhập lậu được sơ chế.

Nếu chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước 4-5 triệu đồng/lượng, chỉ cần chênh lệch vàng nhẫn so với vàng miếng 2 triệu đồng/lượng, việc nhập lậu vàng về sản xuất vàng nhẫn vẫn có lợi. Bởi các doanh nghiệp có thể sản xuất vàng nhẫn với chất lượng và độ tuổi thấp hơn vàng miếng.

Do vậy, việc siết thêm 2 thị trường vàng miếng và vàng trang sức chỉ có tác dụng trước mắt, còn về lâu dài không đảm bảo sự ổn định của thị trường cũng như mục tiêu chống đô la hóa. Căn bản nhất vẫn là tạo niềm tin cho giá trị tiền đồng, kiềm chế lạm phát hiệu quả, người dân sẽ tự khắc giảm đầu cơ, cất trữ vào vàng.