“Căn bệnh” cố hữu

Những bất cập của thị trường vàng Việt Nam không phải là chủ đề mới. Trách nhiệm về sự bất ổn và nỗ lực của các cấp quản lý cũng đã được xác định, tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn chưa đưa thị trường vào thế ổn định. Trong những ngày đầu tháng 12, đã có thời điểm giá vàng miếng SJC được các công ty kinh doanh vàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh niêm yết quanh mức mua vào là 46,81 triệu đồng/lượng và bán ra là 46,96 triệu đồng/lượng, chênh lệch ở mức kỷ lục từ 3,8 triệu đến 4,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.

Nhìn lại những "cơn sốt" giá vàng thời điểm trước có thể thấy thị trường gần như rơi vào cảnh náo loạn khi người dân lũ lượt xếp hàng chỉ để sở hữu những lượng vàng mang thương hiệu SJC. Sự náo loạn này đã đẩy giá vàng SJC lên cao hơn so với các thương hiệu khác và cao hơn giá vàng thế giới khoảng trên 3 triệu đồng/lượng. Lý giải cho tình trạng này, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng, để hoàn tất việc chấm dứt huy động vốn bằng vàng, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã đẩy mạnh hoạt động thu mua trên thị trường, khiến giá trong nước bỏ xa giá thế giới trong suốt một  thời gian dài.

Sau nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thị trường vàng về cuối năm vẫn chưa cải thiện, giá vàng SJC được giao dịch trên thị trường Hà Nội tại thời điểm đầu tháng 12/2012 vẫn còn cao hơn các thương hiệu vàng khác. Cụ thể, trong hai ngày 8 và 9/12, giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội niêm yết phổ biến ở mức 46,86 triệu đồng/lượng (mua vào) - 46,92 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi đó, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu lại thấp hơn khá nhiều khi niêm yết với giá mua vào 43,3 triệu đồng/lượng và bán ra 43,55 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ với giá vàng trong nước đã có độ vênh khá cao giữa hai thương hiệu nội địa. Giá vàng SJC vẫn bỏ xa giá thế giới, ngày 7/12, giá vàng thế giới đạt 1.701 USD/ounce, quy  đổi ra VND theo tỷ giá 20.880 VND/USD, giá vàng SJC tiếp tục chênh tới gần 4 triệu đồng/lượng.

Rõ ràng người chịu thiệt nhiều nhất trong diễn biến này chính là người dân tích trữ vàng phi SJC. Những bất ổn và rối loạn của thị trường vàng lại tiếp tục bộc lộ không chỉ ở việc vàng mang thương hiệu phi SJC bị mất giá mà trên thị trường còn xuất hiện vàng giả vàng nhái SJC, người dân thiệt thòi hơn ngay cả với việc nắm giữ vàng SJC khi bị móp méo và không có bao bì…

Tất cả các diễn biến trên cho thấy, biện pháp quản lý để ổn định thị trường vàng trong thời gian vừa qua không đạt được hiệu quả cao. Trong bối cảnh đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN đã thể hiện rõ quan điểm “không nhất thiết phải bình ổn giá vàng” và “liên thông giá vàng là vấn đề chúng ta không đặt ra”. Điều này khiến dư luận suy nghĩ về vai trò của NHNN đối với thị trường vàng và lời cam kết đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới với khoảng chênh chỉ trên dưới 400.000 đồng/lượng lãnh đạo NHNN trước đó.

“Năm 2013 giá vàng thề giới sẽ lập đỉnh là 2.000 USD/ounce và năm 2014 giá vàng có thể lên 2.400 USD/ounce; Triển vọng đi lên của thị trường vàng với mức trung bình trong năm 2013 là 1.850 USD/ounce.” - Ngân hàng HSBC.

Chờ giải pháp mới

Một sự hiển nhiên của thị trường là nếu các biện pháp quản lý tốt thì thị trường sẽ vận hành tốt, còn ngược lại, nếu cơ quan quản lý đưa ra những biện pháp không phù hợp, nó sẽ tự tìm cách đi riêng. Và thị trường vàng Việt Nam dường như đang buộc phải tìm cách đi riêng cho mình.

Nguyên nhân chính của những diễn biến bất thường trên là do thị trường trong nước không liên thông với thế giới. Tuy nhiên, quan điểm của NHNN, không liên thông vàng trong nước và vàng thế giới thì việc giá chênh là chuyện bình thường. Điều này dường như cơ quan quản lý đang chấp nhận mâu thuẫn với Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ. “Để giá vàng liên thông với giá vàng thế giới có nghĩa là chúng ta chấp nhận trở thành thị trường đầu cơ về vàng, cái mà chúng ta đang chống, cái mà chúng ta đang vất vả bao lâu nay thì đến nay đã khắc phục được, cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình bày tỏ.

Theo các chuyên gia kinh tế, những bất cấp tồn tại trên thị trường vàng hoàn toàn không do quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP mà do các cấp quản lý mới chỉ thực hiện một phần trong Nghị định nói trên. Bên cạnh đó, chưa đưa ra được ngay các quy định về việc quy đổi từ vàng phi SJC sang vàng SJC nên nên khi vận hành thị trường đã tạo sự chênh lệch với nhau về giá, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và các doanh nghiệp kinh doanh vàng. Bên cạnh đó là sự thiếu nhất quán và kiên quyết trong việc cấm không cho các NHTM huy động vàng, lùi hết thời hạn này sang thời hạn khác… Rõ ràng, những ứng xử đó đã nhận được những phản ứng ngoài mong muốn từ thị trường.

Đối với chính sách cấm nhập khẩu vàng và lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng quốc gia, nhiều chuyên gia kinh tế phân tích: Khi lựa chọn SJC làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, lúc đó quan điểm của NHNN là vàng là tiền, điều này đồng nghĩa với việc chọn một thương hiệu để thống nhất một loại tiền. Bước tiếp theo là loại tiền đó phải trao đổi, mua bán, tích lũy được. Nhưng lại ngắt đi đoạn thanh toán, thước đo giá trị thì nó chỉ còn là tài sản dự trữ. Thực tế, Việt Nam không làm ra vàng mà vàng phải nhập khẩu, vậy phải liên thông với quốc tế. Tóm lại, toàn bộ một chuỗi đó phải gắn với nhau mà lại ngắt đi đoạn đầu chỉ còn mỗi SJC là vàng thương hiệu, trong khi toàn bộ khối đi sau là làm sao cho nó vận hành thì hiện còn bỏ ngỏ. Đã nhiều lần, việc cấm nhập khẩu vàng được đặt ra  nhưng lại xuất hiện tình trạng nhập lậu. Theo một số chuyên gia, nếu không có giải pháp đột phá cho thị trường vàng liên thông thì giá vàng trong nước sẽ còn tiếp tục chênh lệch, chỉ người dân mua vàng chịu thiệt.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc chấm dứt huy động vốn bằng vàng sẽ tác động mạnh tới tâm lý của người dân cũng như thị trường. Người dân sẽ không còn đổ xô đi mua để gửi tiết kiệm vàng, sẽ chuyển sang giữ vàng vừa giúp bảo tồn nguồn vốn an toàn và điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc không thông nguồn lực vàng trong dân.

Theo Tài chính & Đầu tư số 11-2012

Thị trường vàng: Ứng xử với bất cập?

Thùy Dương

(Tài chính)Trước những diễn biến không mong đợi, vượt ngoài tầm điều hành của cơ quan quản lý, dư luận đang đặt ra câu hỏi cần phải ứng xử như thế nào với thị trường vàng trong nước? Làm sao để thị để thị trường này ổn định và liên thông với thị trường vàng thế giới về giá?…

Xem thêm

Video nổi bật