Thị trường vàng vẫn cần "trợ lực" từ Ngân hàng Nhà nước

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Có thể nói, trong thời gian qua, với việc Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng và trực tiếp tham gia với tư cách là người mua bán cuối cùng bằng hoạt động đấu thầu vàng miếng, thị trường kim loại quý trong nước đã tương đối ổn định. Sự đầu cơ, lũng đoạn, làm giá trên thị trường đã không còn.

Thị trường vàng vẫn cần "trợ lực" từ Ngân hàng Nhà  nước
Ngân hàng Nhà nước triển khai Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng và trực tiếp tham gia với tư cách là người mua bán cuối cùng bằng hoạt động đấu thầu vàng miếng. Nguồn: internet

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá vàng trong nước đã sát hơn với giá vàng thế giới nhưng chưa tạo được sự ổn định thực sự và khoảng cách chênh lệch giá vàng cần phải kéo xuống thấp hơn nữa.

Thực tế cho thấy, dù đã được “tiếp sức” hơn 63 tấn vàng qua đấu thầu trong thời gian qua nhưng thị trường dường như vẫn cần vàng cung qua kênh này.

Điều đó đã được thể hiện qua các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, ngoại trừ một vài phiên có số lượng "ế" lớn thì hầu hết lượng vàng chào thầu được các doanh nghiệp "vét sạch."

TS. Nguyễn Trí Hiếu, người có nhiều năm hoạt động và nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước không thể dừng đấu thầu vàng lúc này bởi nó sẽ kéo cả thị trường vàng và nền kinh tế vào rủi ro lớn.

Theo ông, đến nay Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất cung cấp vàng, khó có thành phần kinh tế nào có thể cung cấp một lượng vàng nhiều đến như vậy để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Việc dừng đấu thầu sẽ giống như người bơi ở trong bể đang được cấp oxy, nếu rút ra sẽ rất nguy hiểm.

Bên cạnh đó, nếu Ngân hàng Nhà nước không còn giữ vai trò là người mua bán cuối cùng nữa thì có thể gây ra những biến động giá cả lớn, nhất là khi cung - cầu mất cân đối.

Việc vội vã rút khỏi vai trò nhà kinh doanh cuối cùng có thể đi đến sự triệt tiêu kết quả quản lý thị trường vàng mà Ngân hàng Nhà nước đạt được trong thời gian vừa qua.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến lo ngại rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước cứ tiếp tục đấu thầu vàng sẽ ảnh hưởng đến dự trữ quốc gia.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng thừa nhận, nếu cứ đấu thấu vàng mãi, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải dùng số ngoại tệ quá lớn và sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế.

Đến một lúc nào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chấm dứt hoạt động bán vàng ra, thậm chí còn phải mua vàng vào, bởi vàng cũng là một dạng dự trữ ngoại hối của quốc gia.

“Tôi cho rằng để thời điểm Ngân hàng Nhà nước có thể ngưng đấu thầu chính là khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới được rút ngắn còn khoảng từ 400.000 - 1 triệu đồng/lượng,” vị chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhận định.

Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhận định: việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng chỉ là tạm thời, vì liên quan đến chức năng can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước.

Sau ngày 30/6 nhu cầu giảm thì lượng đấu thầu cũng đã giảm, các phiên đấu thầu cũng thưa hơn và số lượng trúng thầu cũng ít hơn. Chứng tỏ nhu cầu cũng đã giảm. Về lâu về dài thì khi khi nhu cầu đã đáp ứng tương đối thì câu chuyện về đấu thầu cũng sẽ không nhiều như bây giờ.

Vậy sau khi Ngân hàng Nhà nước ngừng đấu thầu, thị trường vàng sẽ được quản lý ra sao? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên chuẩn bị một thị trường trong đó có nhiều nhà kinh doanh để dần dần tiến đến thay thế vai trò của mình.

Trong tương lai, thị trường vàng nên có giá bình quân giống như thị trường ngoại hối, với mức giá này, các ngân hàng không thể vượt trần và Ngân hàng Nhà nước có thể đẩy giá xuống một cách kỹ thuật, hành chính.

Còn TS. Cấn Văn Lực thì đề xuất: có một phương pháp mà nước ngoài hay dùng và chúng ta cũng nên áp dụng là cho phép người dân gửi vàng và tài sản quý giá vào các Ngân hàng Thương mại, ở nhiều nước họ có các quỹ két để có thể cất giữ vàng miếng, trang sức cũng như của hồi môn, di chúc.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, cơ chế quản lý vàng đang áp dụng hiện nay đã được Chính phủ giao cho các cơ quan nghiên cứu trong nhiều năm.

Cùng với đó, đã có nhiều năm thị trường vàng, đặc biệt là vàng miếng quản lý chưa được chặt chẽ. Nhưng từ khi Nghị định 24 của Chính phủ ra đời, việc quản lý thị trường vàng miếng đã rất rõ ràng, có lợi nhiều mặt cho nền kinh tế, đã có những bước tiến đáng kể và đạt hiệu quả cao.

“Hiện nay, chúng ta mới chỉ bước đầu áp dụng cơ chế này để quản lý thị trường vàng nhưng đã phát huy tác dụng bình ổn thị trường và đạt được nhiều kết quả tích cực, mà lại đặt vấn để trả lại như ngày xưa thì rõ ràng chưa đúng thời điểm.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là phải tiếp tục cơ chế quản lý vàng làm sao cho hiệu quả,” Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, cơ quan này hiện đang liên tục theo dõi, đánh giá diễn biến cung cầu trên thị trường và khi còn nhu cầu bình ổn thị trường vàng thì sẽ tổ chức đấu thầu.

Tần suất cũng như khối lượng đấu thầu sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến cung cầu vàng miếng trên thị trường.