Thiểu phát có nguy hiểm không?

Theo Vũ Minh (CafeF)

Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, cứu các DN nhỏ và vừa sẽ góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập...

Lần đầu tiên trong năm 2008, tháng 10 CPI đã ở mức âm. Các chuyên gia đang đặt ra vấn đề là liệu có nên bắt đầu nghĩ đến việc chuyển hướng sang chống suy thoái?

Ngày 26/10, tai cuộc hội thảo khoa học “Khó khăn, thách thức do biến động kinh tế vĩ mô và đề xuất của Việt Nam” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã trao đổi rõ hơn với báo giới về những thắc mắc xung quanh vấn đề liệu có đặt vấn đề về thiểu phát hay không?

Thiểu phát có nguy hiểm không?

Đứng dưới góc độ khoa học, chuyên gia tài chính- ngân hàng, GS Cao Cự Bội - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: nếu thiểu phát thì rất nguy hiểm, nền văn mình nhân loại không lên được, thiểu phát nghĩa là sang suy thoái, không có tăng trưởng, nếu chạy từ lạm phát sang thiểu phát là rất đáng sợ. Tuy nhiên ông Bội khẳng định ở nước ta hiện nay lạm phát đang vẫn là câu chuyện đáng lo hơn thiểu phát.

Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đặt vấn đề: Liệu có nên đặt ra vấn đê là “tiếp tục” chứ không phải “ưu tiên” nữa cho lạm phát mà chuyển sang chống suy thoái?

Ông Tuyển không loại trừ nguy cơ thiểu phát trên cơ sở nguy cơ là kinh tế thế giới giảm, xuất khẩu đã giảm, đầu tư giảm thì GDP sẽ giảm. “Thiểu phát là nguy cơ chúng ta phải tính đến.” ông Tuyển cho biết.

Vì vậy, trước câu hỏi nếu như đặt ra vấn đề giảm phát mà vẫn hăng hái chống lạm phát thì sẽ gặp những khó khăn gì? “ Có thể kinh tế vĩ mô sẽ xấu, tăng trưởng sẽ giảm và dẫn đến thất nghiệp.” Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại trả lời.

Phát hành trái phiếu Chính phủ để lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp

Trong khi đó, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa căn cứ trên các cơ sở để phân tích về vấn đề này, ông kết luận giá cả và GDP cùng liên tục giảm.

"Nếu GDP giảm sẽ dẫn đến sản xuất trì trệ, làm giảm sức mua. Với mức tăng trưởng dự kiến 6,5% Việt Nam vẫn đảm bảo tạo ra việc làm, thu nhập, tiêu dùng...", ông Khiêm cho biết.

Ông Kiêm nhấn mạnh đến vấn đề cứu doanh nghiệp và góp phần tăng trưởng: "Theo tôi chưa cần đặt nặng vấn đề giảm phát vì cứu nền kinh tế đồng nghĩa cứu cả giảm phát và lạm phát. Nếu cứu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ có điều kiện phát triển thì sẽ góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập và khi đó nhiều vấn đề cơ bản sẽ được giải quyết”.

Cùng là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tại hội thảo, GS Cao Cự Bội đề xuất phát hành trái phiếu Chính Phủ để thành lập một quỹ hỗ trợ DN, thông qua Ngân hàng để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn thuận liện và lãi suất ưu đãi.

“Nêu lên điều này có người sẽ nghĩ rằng sẽ nghĩ rằng áp đặt hành động “xin, cho” và bao cấp đối với doanh nghiệp, song tôi nghĩ rằng phải mất hàng chục năm qua mới xây dựng và hình thành nên mấy vạn doanh nghiệp.

Chính các doanh nghiệp là nòng cốt cho tăng trưởng kinh tế, nay nếu không có vốn mà sụp đổ thì sẽ có hệ lụy tai hại đến cả nền kinh tế quốc dân, có khi đến vài thập kỷ nữa mới mới phục hồi lại được tất nhiên kèm theo nó sẽ không có tăng trưởng như mong muốn”, GS kết luận.