Xu hướng mới

Trước đây, ở nhiều quốc gia trên thế giới giống như Việt Nam hiện nay, khách hàng thường phải đến tận điểm giao dịch, hoặc gọi điện thoại cho ngân hàng để kiểm tra các thông tin hoặc trực tiếp thực hiện giao dịch. Điều này khiến cho khách hàng thường phải tốn thời gian, công sức, chí phí và đối mặt với không ít rủi ro khi giao dịch.

Tuy nhiên, giờ đây, với sự ra đời của các loại máy điện thoại thông minh cùng sự chú trọng đầu tư công nghệ của các ngân hàng, thì hầu hết các công việc đó đều được thực hiện thông qua internet hoặc các thiết bị điện thoại. Kinh nghiệm của nhà cung cấp các giải pháp ở các nước phát triển cho thấy mobilebanking ra đời chủ yếu phục vụ cho các khách hàng cá nhân, tạo nên điểm nhấn quan trọng cho các sản phẩm cá nhân. Nói cách khác, dần dần các dịch vụ ngân hàng nằm trên thiết bị cầm tay của khách hàng.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, Việt Nam rất có tiềm năng về phát triển dịch vụ mobilebanking. Điều này thể hiện rõ nhất khi gần đây các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng được các ngân hàng triển khai qua dịch vụ mobilebanking ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng hiện đều ưu tiên phát triển công nghệ, coi là mobilebanking như lợi thế cạnh tranh trong chiến lược phát triển của mình.

Mobilebanking mang lại rất nhiều lợi ích cho ngân hàng khi giúp ngân hàng không phải tốn công sức, thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực để mở thêm các chi nhánh mới.

Chẳng hạn mới đây, Nam A Bank đã tung ra dịch vụ Mobilebanking được xây dựng trên nền tảng hệ thống ngân hàng lõi Flexcube (core banking), cung cấp bởi Oracle Financial Sevices Sofware Limited (Mỹ) đảm bảo an toàn và bảo mật. Giao diện thiết kế đẹp, thân thiện và dễ thao tác, ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động, hỗ trợ nhiều dòng điện thoại, máy tính bảng dùng hệ điều hành iOS và Android. Chương trình giúp khách hàng thực hiện các giao dịch trên tài khoản tiền gửi và một số tiện ích giá trị gia tăng khác…

Ở Việt Nam, hiện nhiều ngân hàng cũng đang đưa ra các dịch vụ thanh toán cước điện thoại, tiền điện, nước qua hệ thống mobilebanking. Dù dịch vụ này chưa thu hút được nhiều người dân, song nhiều chuyên gia nước ngoài cho biết, không nên quá lo lắng bởi thời kỳ đầu mobilebanking chỉ đáp ứng các nhu cầu bình thường của khách hàng là kiểm tra số dư tài khoản, sau đó cao hơn nữa là cung cấp các sản phẩm về đầu tư. Chẳng hạn, khách hàng muốn đầu tư, kiểm tra tài sản có thể thực hiện thao tác trên thiết bị cầm tay như điện thoại di động, ipad…

Không chỉ nhằm phục vụ khách hàng, mobilebanking còn giúp ngân hàng không phải tốn nhiều thời gian, tiền bạc và nguồn nhân lực để mở chi nhánh mới. Các chuyên gia ngân hàng quốc tế khẳng định, Việt Nam cũng như nhiều nước, khi các dịch vụ ngân hàng điện tử, mobilebanking phát triển đến một lúc nào đó, thì các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng sẽ dần co hẹp lại. Bởi khi đó, khách hàng không có nhu cầu đến chi nhánh, phòng giao dịch. Thậm chí mở tài khoản mới cũng không cần đến ngân hàng mà đều thông qua hết qua internetbanking hoặc mobilebanking.

Thách thức không ít

Theo ông Jitin Goyal – Chủ tịch và phụ trách kinh doanh toàn cầu của Công ty Polaris (chuyên cung cấp giải pháp ngân hàng), điều băn khoăn lớn nhất của các ngân hàng khi đẩy mạnh dịch vụ mobilebanking là họ phải xem số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) đã đủ lớn hay chưa. Bởi nếu khách hàng sử dụng điện thoại phím bấm thì không thực hiện được các giao dịch qua mobilebanking.

Theo chuyên gia này, xét trên giác độ tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đủ lớn, thì tỷ lệ người sử dụng ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ hiện đã vượt 50%. Còn ở Việt Nam, ít nhất cũng phải đạt mức 25-30% thì mới tạo được sự đột biến để phát triển dịch vụ mobilebanking. Khi lượng người sử dụng điện thoại thông minh đã đủ lớn thì các ngân hàng sẽ đẩy mạnh được việc triển khai mobilebanking và thời gian để triển khai dịch vụ này chỉ khoảng từ 3-6 tháng.

Dù được xem là thị trường có tiềm năng lớn cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ cao song con số thống kê gần đây cho thấy, hiện nay ở Việt Nam trong tổng số trên 80 triệu dân thì mới chỉ có trên 3,5 triệu người dùng điện thoại di động thông minh. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp dịch vụ mobilebanking vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, phát triển mạnh được dịch vụ mobilebanking hay không còn phụ thuộc vào thu nhập, đời sống của người dân Việt Nam. Vài năm gần đây, lạm phát cao và suy thoái của các kênh đầu tư đang khiến cho thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, và điều này cũng đang phần nào ảnh hưởng đến chiến lược đẩy mạnh dịch vụ mobilebanking của các ngân hàng.

Trong khi đó, xét về công nghệ, đây không phải là trở ngại lớn bởi các ngân hàng hoàn toàn không gặp trở ngại gì. Các ngân hàng sẵn sàng đầu tư để thúc đẩy các sản phẩm liên quan đến dịch vụ mobilebanking phát triển.

Hiện nay, doanh thu đến từ mảng dịch vụ chiếm 20 – 30% tổng doanh thu của ngành ngân hàng, trong đó mobilebanking chưa đóng góp được nhiều. Tuy nhiên, với áp lực cạnh tranh khiến các ngân hàng tăng cường đầu tư về công nghệ nhằm mở rộng mạng lưới kênh phân phối và nâng cao chất lượng dịch vụ, chắc chắn tới đây, dịch vụ mobilebanking sẽ có những bước phát triển đáng kể.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư 12-2012

Thời của Mobilebanking

Trang Thu

(Tài chính) Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử trên thiết bị di động (mobilebanking) cũng bùng phát và đang mở ra nhiều hứa hẹn cho sự phát triển nhanh chóng và rộng khắp các quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế phát triển đó…

Xem thêm

Video nổi bật