Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người dân gửi tiền vào ngân hàng

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 22/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã tha thiết kêu gọi người dân gửi tiền bằng đồng Việt Nam vào hệ thống ngân hàng, đồng thời khẳng định đây là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi người dân gửi tiền vào ngân hàng
Suốt 2 năm qua, những ai có tiền gửi đồng Việt Nam vào hệ thống ngân hàng đều có lãi, an toàn. Nguồn: internet
"Gửi VND vẫn là có lợi nhất" 
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, suốt 2 năm qua, những ai có tiền gửi đồng Việt Nam vào hệ thống ngân hàng đều có lãi, an toàn.
 
"Với chính sách kiên định của NHNN, chúng tôi có thể khẳng định rằng nếu đồng bào, nhân dân nào đã có tiền gửi bằng đồng Việt Nam thì hãy nên tiếp tục gửi tiền bằng đồng Việt Nam, cũng như những ai còn đang băn khoăn thì hãy nên sử dụng đồng Việt Nam để gửi vào hệ thống ngân hàng.
 
Đây thực sự là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền và đó cũng là mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN”, Thống đốc Bình nói.
 
Thống kê của NHNN cho thấy, trong năm 2013 NHNN đã giảm 2%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 3%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên, giảm 1%/năm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND. Từ cuối tháng 6 cho phép các tổ chức tín dụng tự ấn định lãi suất tiền gửi VND có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. 
 
Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm 2-5%/năm trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006.
 
Việc hạ lãi suất huy động tiền đồng, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, người dân sẽ có xu hướng dịch chuyển sang USD. 
 
Việc NHNN tiếp tục cam kết tỷ giá sẽ chỉ được điều chỉnh trong biên độ 2- 3% nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mấy giá của đồng Việt Nam nhưng cho dù lãi suất huy động đôla Mỹ đang ở mức 2% (đối với khách hàng cá nhân), cộng mức điều chỉnh 3% (tối đa, theo NHNN), thì dù lợi ích có thấp hơn, nhưng rõ ràng người gửi ngoại tệ vẫn sẽ yên tâm hơn khi gửi tiền đồng với mức lãi suất dưới 7%/năm.
 
Tháng 7/2013 vừa qua, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động. Cụ thể, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng từ 6%-6,5%/năm còn 5%/năm.
 
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng bất ngờ điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 6% còn 5%/năm.
 
Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) giảm 6,5% lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 1 tháng còn 6%/năm.
 
Đối với kỳ hạn 3-6 tháng, BIDV, Vietcombank,VietinBank huy động với lãi suất từ 6,8% -7,5%/năm.
 
Cộng với việc lạm pháp tăng cao, VND bị mất giá sẽ khiến người dân càng giữ VND lâu càng bị thiệt hại nặng trong khi đó người Việt vẫn chuộng những tài sản được giá qua thời gian như vàng, USD. 
 
Tái cơ cấu ngân hàng sẽ kéo dài trong nhiều năm
 
Liên quan tới việc xử lý các nhà băng yếu kém và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Thống đốc Bình thông tin, theo đúng lộ trình tới 2013 xử lý các Ngân hàng yếu kém nhất thì đến nay đã xử lý được 9 Ngân hàng yếu kém nhất trong toàn hệ thống.
 
“Nhưng đây là quá trình lâu dài kéo dài trong nhiều năm khi đã xử lý được là những Ngân hàng là mắt xích yếu nhất thì tiếp theo sẽ xử lý những Ngân hàng yếu khác để đảm bảo mục tiêu trung hạn tới 2015-2020 sẽ được hoàn thiện”- Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
 
Trước đó, ngày 18/12 tại Hội nghị tổng kết ngành ngân hàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đặc biệt nhắc nhở những Ngân hàng còn yếu kém, khó khăn phải tự giác xử lý, tái cơ cấu. 
 
Tình trạng sân sau, sở hữu chéo, Ngân hàng cho công ty của mình vay đổ vào bất động sản, gây ra nợ xấu phải chấn chỉnh.
 
“Sở hữu chéo có lũng đoạn ngân hàng, nhưng giải quyết bằng cách gì? Bằng văn bản pháp quy chứ bằng cách gì! Trước hết, làm sao có giải pháp gì kiểm soát chặt chẽ, hội đồng quản trị bỏ vốn vào đây, rút tiền làm sân sau đầu tư, thực tế xã hội như thế thì ngăn bằng gì, chuyện rút vốn của cổ đông lớn phải bằng luật pháp. Thấy không lành mạnh rồi thì phải ngăn, phải hoàn thiện thể chế”, Thủ tướng gợi ý.
 
“Có ý kiến nói với tôi các ngân hàng đã thực hiện cổ phần rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch, bởi như vậy sẽ hạn chế, khắc phục được sở hữu chéo. Nếu ý kiến này đúng như vậy thì các đồng chí ban hành văn bản quy định bắt buộc, vì đây là pháp luật. Anh không chần chừ được nữa, anh phải niêm yết”, Thủ tướng kết luận.