Thông tư 02: Vừa mừng, vừa lo

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Nhiều ngân hàng và doanh nghiệp vui mừng trước thông tin chỉnh sửa Thông tư 02/2013/TT - NHNN

Thông tư 02: Vừa mừng, vừa lo
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Các ngân hàng và doanh nghiệp đã khấp khởi vui mừng khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết Thông tư 02 sẽ được chỉnh sửa theo hướng giữ nguyên nhóm nợ đối với những khoản vay tốt. Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng việc chỉnh sửa Thông tư sẽ càng tạo tâm lý ỷ lại và làm chậm quá trình tái cấu trúc ngân hàng.

Về phía các ngân hàng và doanh nghiệp, họ vui mừng cũng là điều dễ hiểu. Ngân hàng sẽ không phải trích lập dự phòng nhiều cho nợ xấu, giúp giảm chi phí. Còn doanh nghiệp cũng sẽ có cơ hội tiếp cận vốn vay mới.

Theo Thông tư 02 hiện hành, đối với khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên, trong đó có một khoản nợ có rủi ro cao hơn các khoản nợ khác thì tổ chức tín dụng phải xếp các khoản nợ còn lại vào cùng nhóm với khoản nợ có mức độ rủi ro cao nhất.

Ví dụ, khách hàng vay vốn ở 3 ngân hàng A, B và C. Dù hai khoản nợ ở ngân hàng B và C chưa đến kỳ hạn trả nợ, nhưng khi khoản nợ ở ngân hàng A bị xếp vào nợ xấu thì B và C cũng phải xếp nợ của khách hàng này vào nợ xấu ngang mức rủi ro với A và phải trích lập dự phòng. Vì thế, để đảm bảo an toàn, ngân hàng sẽ hạn chế cho doanh nghiệp vay thêm.

Trong khi đó, theo thông tư sắp được ban hành, ngân hàng sẽ đánh giá từng khoản vay riêng biệt, không đánh đồng xếp hạng tín dụng đối với các khoản vay của cùng một khách hàng. Nhờ đó, ngân hàng có thể giảm bớt số tiền phải trích dự phòng. Như trường hợp 3 ngân hàng nói trên, B và C sẽ giảm được chi phí dự phòng và lợi nhuận sẽ cao hơn. Doanh nghiệp đang có 3 khoản vay trên sẽ có thể được vay thêm để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Đứng về phía giới chuyên gia, cũng có nhiều luồng ý kiến. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia tài chính ngân hàng độc lập, việc điều chỉnh quy định phân loại nợ là hợp lý. Mặt tích cực của thông tư mới là sẽ giúp giải quyết nợ xấu theo lộ trình và không làm cho tình trạng nợ xấu trầm trọng hơn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, để đạt được mục đích của Thông tư 02 là minh bạch hóa nợ xấu, nên rút ngắn lộ trình áp dụng thông tư mới trong khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Đồng quan điểm, ông Ngô Nam Phong, Giám đốc Chi nhánh Techcombank Cao Thắng (TP. Hồ Chí Minh), nhận định, việc chỉnh sửa Thông tư 02 cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang điều hành rất linh hoạt và phù hợp với tình hình hiện nay. “Thị trường tài chính Việt Nam còn non trẻ nên việc áp dụng ngay Thông tư 02 một cách cứng nhắc sẽ khiến cho ngân hàng gặp khó và nhiều doanh nghiệp sẽ bị đẩy vào cảnh phá sản. Việc điều hành có lộ trình và linh hoạt sẽ giúp ngân hàng và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị để tránh tình trạng xáo trộn, ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông nói.

Tuy vậy, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho rằng việc chỉnh sửa Thông tư 02 cũng như những lần chỉnh sửa các quy định khác của Ngân hàng Nhà nước là kiểu điều hành “gọt chân cho vừa giày”. Một khi Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉnh sửa chính sách đã ban hành theo đề nghị của ngân hàng thương mại thì rủi ro chính sách là rất lớn. Điều này tạo ra tâm lý ỷ lại ở các ngân hàng thương mại. Theo ông, việc ban hành Thông tư chỉnh sửa sẽ chỉ giúp cho ngân hàng che đậy thực trạng nợ xấu và khó xử lý triệt để vấn đề này và tiến trình cải cách ngân hàng sẽ không đạt hiệu quả.

Ông ủng hộ thông tư hiện hành và cho rằng đây là điều kiện cần thiết để tình hình tài chính trở nên minh bạch hơn, giúp nhà đầu tư, cổ đông, cộng đồng quốc tế đánh giá đúng thực trạng và năng lực của hệ thống ngân hàng. Và đây cũng là cách thức bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, cổ đông. Quan trọng là thông tư này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ sở nắm được nợ xấu thực sự để từ đó đưa ra chính sách điều hành phù hợp.

Ngân hàng HSBC cũng không đánh giá cao việc chỉnh sửa nội dung Thông tư 02. “Trong khi Chính phủ đã thành lập công ty quản lý nợ chịu trách nhiệm giải quyết những khoản nợ xấu trong hệ thống thì những cải cách then chốt nhằm khẳng định vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành hệ thống tài chính lại bị trì hoãn”, HSBC nhận xét.

Trong báo cáo về hệ thông ngân hàng Việt Nam năm 2014, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s cho rằng tỉ lệ nợ xấu thực tế của ngành ngân hàng ít nhất ở mức 15%. Tuy nhiên, theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu là vào khoảng 9% (bao gồm nợ xấu được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN). Sự khác biệt về số liệu này là do Việt Nam sử dụng phương pháp phân loại nợ riêng.

Mặc dù số liệu của Moody’s chỉ mang ý nghĩa tham khảo, nhưng thiết nghĩ, các ngân hàng cũng nên từng bước áp dụng các biện pháp phân loại nợ và quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc này sẽ giúp lành mạnh hóa và minh bạch hệ thống tài chính, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.

Mặc dù cho rằng chỉnh sửa Thông tư 02 là phù hợp nhưng ông Phong, Techcombank, cũng lưu ý: “Đã đến lúc ngân hàng phải cải cách năng lực quản trị và cấu trúc hoạt động nếu muốn cạnh tranh và phát triển thay vì quá trông chờ vào thông tư này”.