Thu hút FDI 2009: Sẽ khó có những kỷ lục mới

Theo Vũ Hạnh (VOV)

FDI toàn cầu sẽ sụt giảm, các nhà đầu tư khó khăn trong việc thu xếp vốn, dự báo vốn đăng ký năm 2009 đạt khoảng 20 tỷ USD.

Tính riêng trong 2 năm 2007 và 2008, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt 85 tỷ USD, gấp hơn 20 lần tổng vốn FDI đăng ký của 19 năm trước cộng lại. Sự gia tăng các dự án mới cũng như vốn đăng ký và vốn giải ngân đã làm tăng qui mô của khu vực kinh tế có vốn FDI.

Đến nay, đã có trên 4,000 doanh nghiệp FDI đi vào hoạt động, đóng góp hơn 40,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Năm 2008, khu vực FDI đóng góp trên 28% GDP so với mức 16% của năm 2004. Tốc độ tăng trưởng khá cao của khu vực kinh tế có vốn FDI đã góp phần quan trọng vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước ở mức trên 6,25%.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kết quả trên xuất phát trước hết từ niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phát triển của Việt Nam, từ việc cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là giữ vững ổn định an ninh chính trị, thể chế kinh tế tiếp tục được hoàn thiện cùng với việc thực hiện mở cửa nền kinh tế theo lộ trình cam kết WTO.

Chậm tiến độ

Theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế về tình hình thực hiện các dự án FDI tại Việt Nam thì tính khả thi của một số dự án lớn có qui mô vốn hàng tỷ USD còn hạn chế gây lo ngại về tiến độ triển khai theo cam kết, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đang gặp khó khăn về tài chính do tác động của cuộc khủng hoảng. Ở góc độ khác có thể thấy khả năng hấp thụ hết 64 tỷ USD vốn cam kết trong năm 2008 là không dễ dàng do tình trạng “thắt nút cổ chai” của nền kinh tế, nhất là yếu, thiếu về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Qui hoạch ngành và qui hoạch vùng lãnh thổ chưa hoàn thiện, việc vận động đầu đầu tư và cấp phép cho một số dự án còn chịu ảnh hưởng của lợi ích trực tiếp của từng địa phương, chưa tính đến một cách đầy đủ lợi ích của chung của nền kinh tế, các yếu tố về môi trường, tiết kiệm sử dụng đất đai, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng…

Tỷ lệ đầu tư vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ cao công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu còn thấp, trong khi đầu tư vào lĩnh vực bất động sản quá lớn. Nhu cầu thu hút đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, các nhà máy thuỷ điện… là rất lớn nhưng vẫn còn thiếu vắng các dự án đầu tư vào lĩnh vực này theo hình thức BOT, BT.

Ngoài ra, TS Nguyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập báo Đầu tư đưa ra nhận xét: “Các thủ tục đầu tư cấp phép, nhất là thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng chưa được cải thiện, thậm chí tại một số địa phương đang trở thành vấn đề khó khăn lớn, cản trở tiến độ triển khai dự án”.

Khó khăn xen thuận lợi?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra con số dự báo, năm 2009 kiều hối trên thế giới sẽ giảm 20%, trong đó, các nước phát triển sẽ nhận được kiều hối ít hơn 40 tỷ USD. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại (nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư), trong tình trạng suy thoái kinh tế, thu nhập giảm thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ khó có được lượng kiều hối gửi về nước như năm 2008.

Do vậy, không chỉ cán cân thương mại của nước ta năm 2009 vẫn mất cân đối do tốc độ xuất khẩu giảm mạnh, nhập siêu khá lớn mà cán cân thanh toán quốc tế cũng khó có thể cân bằng, tác động đến dự trữ ngoại tệ, tỷ giá hối đoái và các hoạt động kinh tế đối ngoại. Cộng thêm vào hàng loạt yếu tố như thu nhập của người dân giảm, thất nghiệp gia tăng, CPI vẫn ở mức cao…

Những thách thức từ bên ngoài sẽ làm xuất khẩu khó khăn, FDI và kiều hối giảm, kết hợp với bên trong bắt nguồn từ thâm hụt lớn cán cân vãng lai cũng như yếu kém trong lĩnh vực ngân hàng và doanh nghiệp sẽ làm cho tình hình kinh tế Việt Nam trở nên khó khăn hơn.

TSKH Nguyễn Mại cho rằng: thực trạng đó đã làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta xấu đi nhiều so với những năm trước. Chắc chắn, điều này sẽ có tác động đến việc lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cũng theo TSKH Nguyễn Mại, năm 2009, FDI toàn cầu sẽ sụt giảm, do các nước xuất khẩu FDI phải quan tâm đến những khó khăn trong nước, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ở nước mình.

Theo ông Claudio Dordi- Tư vấn trưởng Dự án hỗ trợ đa biên giai đoạn 3 (Mutrap3), gia nhập WTO, Việt Nam đã nâng được vị thế của mình trên trường quốc tế, đồng thời củng cố lòng tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam. Lý do tại sao lại có nhiều nhà đầu tư lại chọn Việt Nam là điểm đến của mình như vậy? Đó là vì Việt Nam có một môi trường chính trị-xã hội ổn định, những quyết tâm của Chính phủ trong việc thay đổi hệ thống pháp luật.

Theo ông Claudio Dordi, ảnh hưởng của khủng hoảng đến FDI của Việt Nam là hiện thực nhưng không phải là do chúng ta hội nhập mà đó là thực tiễn mà chúng ta phải trải qua. Giai đoạn này, chúng ta cần tập trung ổn định kinh tế dài hạn chứ không phải tham lam lợi nhuận. Việt Nam ở vị trí dễ bị ảnh hưởng hơn các quốc gia khác, vì trong WTO Việt Nam vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường nên nhiều nước khác có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với Việt Nam. Điều quan trọng hiện nay là cần có những biện pháp phòng ngừa cho những khủng hoảng trong tương lai.

Ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) tỏ ra lạc quan khi dự báo về tình hình đăng ký đầu tư năm 2009-2010. Theo ông Thắng, Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư như ổn định kinh tế-chính trị; thị trường tiềm năng, rộng lớn, đa dạng, dồi dào; hạ tầng ngày càng được cải thiện; khung pháp lý và hành chính ngày càng được cải thiện.

Ông Thắng cũng đưa ra các kịch bản cho tình hình đầu tư nước ngoài trong năm 2009-2010, đó là: thứ nhất, vẫn duy trì tốc độ như năm 2008, nhưng phải với quyết tâm rất cao và đòi hỏi nhiều yếu tố khác như thay đổi về chính sách, luật pháp; thứ hai, bằng 50% so với năm 2008 (điều này dựa vào các dự án tiềm năng của các địa phương đang đàm phán)… Trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn đầu tư trong năm 2009 và 2010 có thể giảm đáng kể so với năm 2008. Dự báo vốn đăng ký khoảng 20 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 11-12 tỷ USD./.