Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Tuy chưa đạt kết quả như kỳ vọng trong năm 2013 nhưng hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã đề ra các mục tiêu phấn đấu khá cao cùng những giải pháp khá quyết liệt, đồng thời đề xuất, kiến nghị với cấp thẩm quyền nhiều biện pháp tháo gỡ ách tắc nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong năm 2014.

Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng
Hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2014 sẽ tiếp tục triển khai chương trình kết nối tín dụng giữa ngân hàng và DN. Nguồn: internet

Nâng chất chương trình kết nối tín dụng

Một trong những hoạt động nổi bật của hệ thống ngân hàng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2014 là tiếp tục triển khai chương trình kết nối tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp (DN). Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2013 đã có 136 lượt ngân hàng kết nối được với các DN ở 24/24 quận, huyện của thành phố. Cụ thể, đã có 533 DN, 68 hộ sản xuất, kinh doanh và hai hợp tác xã nhận được nguồn tín dụng hỗ trợ với tổng hạn mức gần 14 nghìn tỷ đồng; lãi suất vay vốn nằm ở mức dưới 9%/năm đối với vay ngắn hạn và từ 9% đến 12%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.

Điểm nhấn trong chương trình này là các DN, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động trong nhiều lĩnh vực đều được hưởng lãi suất cho vay ưu đãi tối đa bằng lãi suất cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên theo quy định hiện hành. Có địa bàn đã tiến hành việc kết nối tín dụng đến lần thứ ba như quận Gò Vấp; lần thứ hai như các quận 7, Tân Bình, quận 8...

Trong năm 2014 này, chương trình kết nối tín dụng sẽ được nâng cao hơn nữa về chất lượng lẫn số lượng. Theo Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh thành phố Nguyễn Hoàng Minh, tổng hạn mức tín dụng hỗ trợ sẽ được nâng lên gấp hai lần trong năm 2014, dự kiến đạt từ 25 nghìn đến 30 nghìn tỷ đồng. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao), các ngân hàng sẽ mở rộng cho vay ở nhiều lĩnh vực khác.

Trong đó, các ngân hàng sẽ chú trọng nhiều hơn đối với những DN ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, do dư nợ cho vay ở nhóm DN này vẫn còn thấp trong thời gian vừa qua. NHNN cũng "bật đèn xanh" cho các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho DN thế chấp bằng khoản phải thu, thay vì phải có tài sản thế chấp. Có thể nói, cùng với những chương trình tín dụng khác, chương trình kết nối tín dụng giữa ngân hàng và DN đã giúp cộng đồng DN giảm bớt khó khăn về vốn và chi phí lãi vay, góp phần giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính nói riêng và năng lực cạnh tranh nói chung của DN.

Gỡ bỏ nhiều rào cản

Tăng trưởng tín dụng của thành phố trong năm 2013 chỉ đạt 9%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng của cả nước. Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng thành phố đặt ra trong năm 2014 là đạt mức tăng từ 12% đến 14% so với cuối năm 2013. Đây được xem là chỉ tiêu khá cao trong bối cảnh tình hình kinh tế chưa mấy sáng sủa hiện nay.

Để có thể đạt được mức tăng trưởng tín dụng này, ngành ngân hàng thành phố đã đề xuất nhiều phương án và hướng phát triển. UBND thành phố đã đề nghị NHNN cần thông tin thường xuyên cho thành phố về định hướng các chính sách điều hành để thành phố phối hợp, chỉ đạo triển khai kịp thời đến các DN và tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN cần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nhằm giúp DN mạnh dạn đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đối với công tác tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng, NHNN cần có giải pháp tích cực để bảo đảm hoạt động của hệ thống ngân hàng minh bạch, an toàn, hiệu quả, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong hệ thống ngân hàng.

Liên quan vấn đề cho vay hỗ trợ nhà ở (gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng), Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Hồng đề nghị NHNN phối hợp các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện khung pháp lý về các thủ tục công chứng, giao dịch bảo đảm trong thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai để làm cơ sở cho các ngân hàng nhận thế chấp tài sản.

Cùng với đó, giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở và tăng thời hạn cho vay lên từ 15 đến 20 năm (quy định hiện nay là 10 năm) đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội và một bộ phận nhà ở thương mại (có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 ) để tạo điều kiện cho các đối tượng này đủ khả năng trả nợ và tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ. Cho phép khách hàng được vay toàn bộ giá trị của căn nhà (hiện nay chỉ cho vay 80% giá trị căn nhà).

Với công văn số 7558/NHNN-TD ngày 14/10/2013 của NHNN về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với tổ chức tín dụng và khách hàng liên quan đến điều kiện và thủ tục tín dụng, thành phố đề nghị NHNN điều chỉnh văn bản này thành văn bản quy phạm pháp luật, có thời gian đủ để DN và tổ chức tín dụng thực hiện, vì thời hạn thực hiện các giải pháp nêu tại công văn này chỉ được thực hiện đến cuối năm 2013.

Có như vậy thì chính sách đúng đắn này mới đến được hệ thống ngân hàng và cộng đồng DN, thật sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống. Đối với các giải pháp mà thành phố đề xuất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN sẽ xem xét và phối hợp với các bộ, ngành liên quan cũng như đề xuất Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ tích cực, hoàn thiện chính sách tín dụng theo hướng thông thoáng hơn, bảo đảm thuận lợi hơn nữa cho tăng trưởng tín dụng và phát triển sản xuất, kinh doanh.