Thực trạng nợ xấu hiện nay ra sao?

PV.

Sáng ngày 07/6/2017, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV đã họp phiên toàn thể để thảo luận về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã làm rõ thực trang nợ xấu hiện nay mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tại phiên họp, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nêu cụ thể về số liệu nợ xấu. Theo đó, tại thời điểm tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu ước tính chiếm 17,21% tổng dư nợ và cho vay nền kinh tế.
Ông Hưng cho biết, nếu đánh giá một cách toàn diện và thực chất qua công tác thanh tra thì con số nợ xấu ở thời điểm đó có thể cao hơn.
Tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng hiện nay là trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Tổng nợ xấu Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua nhưng chưa xử lý được là trên 195.000 tỷ, hiện chiếm 3,29% tổng dư nợ.
Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được hiện nay là trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ. Nếu tính toàn bộ các khoản nợ về bản chất là nợ xấu thì khoảng 10,08%.

Theo lãnh đạo NHNN, nợ xấu luôn tiềm ẩn và phát sinh hằng ngày với hoạt động của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, về bản chất, hoạt động của các tổ chức tín dụng rất dễ rủi ro và xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

"Tính trung bình thì chúng tôi đánh giá trong những năm qua thì nợ xấu phát sinh hằng năm là từ 1,3% - 1,5% phát sinh thêm." - Thống đốc cho biết.

Phân loại của NHNN cho thấy, hiện nay, trong số tổng nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho VAMC, nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm khoảng gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân chiếm khoảng trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,8% tổng dư nợ.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, giải pháp xử lý tình trạng nợ xấu hện nay được NHNN xác định một mặt là xử lý nợ xấu, mặt khác ngăn ngừa các nợ xấu phát sinh.
Đồng thời, thống nhất nguyên tắc xử lý nợ xấu theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội là không sử dụng ngân sách nhà nước, bổ sung nguyên tắc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và làm trái quy định pháp luật gây ra nợ xấu và tổn thất cho hoạt động của ngân hàng.