Thực trạng và giải pháp phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Văn Chương - Khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin hiện đại hình thành nên ngân hàng số - xu hướng mới cho ngân hàng bán lẻ tương lai. Do còn khá mới mẻ tại Việt Nam so với các nước phát triển, số lượng ngân hàng số ở Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Ngân hàng số mang đến những cơ hội mới cho các ngân hàng thương mại nhưng cũng đặt ra những thách thức cần phải vượt qua cho các nhà quản lý. Bài viết trao đổi thực trạng hiện nay, kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển ngân hàng số tại Việt Nam thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những lợi ích từ ngân hàng số

Ngân hàng số là mô hình hoạt động chủ yếu dựa vào các nền tảng và dữ liệu điện tử để kinh doanh sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin (CNTT) kéo theo xu hướng phát triển ngân hàng số đã mang lại nhiều tiện ích cho cả ngân hàng và khách hàng.

So với ngân hàng truyền thống, ngân hàng số giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, chi phí cũng như công sức khi thanh toán tiền điện, tiền nước trực tiếp, mua sắm trực tuyến mà không phải đến tận nơi.

Đồng thời, với sự hỗ trợ từ công nghệ, dịch vụ ngân hàng số còn có thể phục vụ tốt hơn nhiều đối tượng khách hàng, thậm chí cả những khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, giúp ngân hàng nâng cao lợi thế cạnh tranh hiệu quả so với đối thủ. Ngân hàng số cũng giúp tạo ra sản phẩm độc đáo, giá trị cao, đáp ứng được đa dạng đối tượng khách hàng.

Việc phát triển và đưa vào sử dụng ngân hàng số mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho ngân hàng. Khi thu nhập từ hoạt động tín dụng ngày càng giảm, phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ số tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng nâng tỷ trọng nguồn thu trong tổng lợi nhuận chung.

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động ngân hàng sẽ khiến chi phí tăng khoảng 31% nhưng cũng làm tăng lợi nhuận ròng khoảng 43%.

Số liệu công bố tại Diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2017 với chủ đề “Tương lai ngân hàng bán lẻ và dịch vụ thanh toán trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” cho thấy, năm 2018 sẽ có 44% doanh thu ngân hàng đến từ dịch vụ ngân hàng số.

Việc ứng dụng công nghệ số cũng giúp ngân hàng gia tăng 45% cơ hội lợi nhuận trong mảng bán lẻ, giảm thiểu chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ, nhờ đó duy trì bền vững lợi thế cạnh tranh so với những đối thủ không có khả năng cạnh tranh tính năng số hoá xuyên suốt.

...

Xu hướng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam

Tận dụng lợi thế từ xu hướng ngân hàng số, nhiều ngân hàng Việt không kể quy mô lớn hay nhỏ đang từng bước nghiên cứu, đưa ra các dịch vụ hiện đại, tiện ích trong cuộc đua nâng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng và chiếm lĩnh thị phần.

Hơn 6 năm trước, TPBank (lúc đó là ngân hàng Tienphong Bank) - đang đứng trước nguy cơ bị tái cơ cấu thì hiện nay, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, ngân hàng này đã có cuộc “lột xác” trở thành một trong những ngân hàng phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc và những chỉ số tài chính đầy hứa hẹn.

Để làm được điều đó, một trong những chiến lược mà ngân hàng này đưa ra là tập trung phát triển ngân hàng số. Năm 2017, TPBank đã khai trương điểm giao dịch LiveBank (ngân hàng tự động) phục vụ 24/7, cho phép khách hàng có thể tương tác với các thiết bị để thực hiện nhiều loại giao dịch.

Đồng thời, Ngân hàng này cũng tung ra ứng dụng đột phá QuickPay (thanh toán và chuyển tiền bằng mã QR trên điện thoại di động), giúp các nhà bán lẻ và người dùng có thể thực hiện giao dịch trên điện thoại di động một cách nhanh chóng, thuận tiện.

TPBank còn dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực thanh toán với mPOS (máy chấp nhận thanh toán thẻ di động) thế hệ mới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mới nhất về an toàn và bảo mật…

...

Những rào cản đặt ra

Dù ngân hàng số đã có những bước tiến và mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đang đặt ra cho các ngân hàng nhiều thách thức, cụ thể:

Thứ nhất, phát triển ngân hàng số ở Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, hành lang pháp lý hiện hành còn nhiều quy định chưa tương thích với bối cảnh số hóa dịch vụ, chưa thực sự thúc đẩy cho phát triển ngân hàng số, thanh toán số.

Đặc biệt, hành lang pháp lý cho những vấn đề mới như bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng, chuẩn kết nối mở, chia sẻ dữ liệu, nhận biết khách hàng điện tử (eKYC)… vẫn chưa được ban hành để tạo cho các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán an tâm đầu tư.

Ngoài ra, vấn đề khó khăn khi chuyển sang giao dịch qua môi trường số là việc xác thực người dùng, bởi sử dụng ngân hàng số sẽ hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng nên để xác thực đòi hỏi nền tảng công nghệ đặc thù như hệ thống xác thực sinh trắc học, chứng minh thư điện tử, chữ ký số cũng như các vấn đề pháp lý liên quan mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

...

Một số kiến nghị giải pháp

Về phía cơ quan quản lý:

- Cần hoàn thiện hành lang pháp lý khuyến khích phát triển ngân hàng số. Theo đó, cơ quan quản lý tập trung hoàn thiện quy định nhà nước về an ninh, an toàn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, bảo mật thông tin, tăng cường kiểm tra giám sát công tác thanh toán thẻ, đẩy mạnh truyền thông về bảo mật, cảnh giác và cẩn trọng ở khách hàng.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN và cơ quan Công an điều tra làm rõ nguyên nhân, hành vi gian lận, cảnh báo tổ chức tín dụng và người sử dụng để nâng tính bảo mật.

...
Bài viết chi tiết mời độc giả xem trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 7/2018.