Tiền gửi tăng mạnh: Điều kiện cần để ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn

Chính sách tăng trưởng tín dụng vừa phải cùng với tiền gửi vào hệ thống ngân hàng gia tăng sẽ là điều kiện cần thiết để mặt bằng lãi suất tiếp tục ổn định ở mức phù hợp, từ đó giúp ổn định kinh tế.

Chính sách tăng trưởng tín dụng vừa phải cùng với tiền gửi vào hệ thống ngân hàng gia tăng. Nguồn: internet
Chính sách tăng trưởng tín dụng vừa phải cùng với tiền gửi vào hệ thống ngân hàng gia tăng. Nguồn: internet

Và có vẻ như mọi việc đang diễn biến thuận lợi theo xu hướng này.

Huy động vốn bứt phá so với tín dụng

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ đầu tháng 6 đến nay, cho thấy thanh khoản của hệ thống tiếp tục dồi dào.

Trên thị trường, nửa đầu tháng 6 tiếp tục chứng kiến một số ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động, như Techcombank hay Tienphongbank, theo sau chính sách điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi của một loạt ngân hàng đã diễn ra trong tháng 4 và tháng 5.

Có thể nói 2 diễn biến trên là hệ quả của việc tiền gửi ngân hàng đã bất ngờ tăng vọt trở lại trong tháng 5 vừa qua. Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) thì tăng trưởng huy động vốn trong 5 tháng qua đã đạt mức 6,2%, trong đó tiền gửi VND tăng 7,4%, ngược lại tiền gửi ngoại tệ giảm 3,1%.

Trong khi đó, theo UBGSTCQG, vốn đầu ra trong 5 tháng qua tăng 5,8%, thấp hơn tăng trưởng huy động vốn. Diễn biến này cho thấy tăng trưởng huy động vốn đã bứt phá khá mạnh so với tín dụng trong tháng 5, khi mà vào cuối tháng 4 huy động vốn chỉ mới tăng 3,5% so với đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng tín dụng là 4,3%.

Như vậy, nếu chỉ tính riêng trong tháng 5 thì tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã tăng thêm hơn 185.000 tỷ đồng, tương đương 2,6% so tháng trước, trong khi tín dụng ước tăng chưa tới 100.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 1,4%. Sự chênh lệch giữa tăng trưởng huy động vốn và tín dụng khá cao đã giúp thanh khoản của hệ thống thêm dồi dào và dẫn tới mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm trên cả thị trường 1 lẫn thị trường 2 như những gì đã xảy ra.

Cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô

Diễn biến đảo chiều giữa huy động vốn và tín dụng trong tháng 5 là điều tích cực trong tình hình hiện nay. Có thể nói thị trường bất động sản chững lại, chứng khoán điều chỉnh mạnh cùng với việc triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi của các ngân hàng đã góp phần giúp dòng tiền gửi tăng mạnh.

Về tín dụng, dù tăng trưởng trong tháng 5 nhưng vẫn không đuổi kịp con số tăng trưởng huy động vốn. Đáng lưu ý là tín dụng ngoại tệ tiếp tục ở mức cao khi tăng đến 8%, trong khi tín dụng VND tăng thấp hơn, chỉ ở 5,6%. Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao thường dẫn đến hệ quả làm tăng rủi ro tỷ giá, đặc biệt là vào cuối năm và nhất là khi các nền kinh tế đều đang phải đối mặt với thách thức rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ tiếp tục tăng.

Để đối phó với rủi ro tỷ giá cũng như áp lực lạm phát có thể gia tăng trở lại, nhà điều hành cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô bằng cách giảm bớt chính sách nới lỏng tiền tệ ngay từ lúc này, hay nói cách khác là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, tránh đẩy lên quá cao như 3 năm trở lại đây.

Vì vậy, để đối phó với rủi ro tỷ giá cũng như áp lực lạm phát có thể tăng trở lại, nhà điều hành cần ưu tiên giảm chính sách nới lỏng tiền tệ ngay từ lúc này, hay nói cách khác là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, tránh đẩy lên quá cao như 3 năm trở lại đây.

Có thể thấy chính sách nới lỏng tiền tệ cùng với dòng vốn nước ngoài chảy vào mạnh mẽ đã góp phần đẩy các thị trường tài sản như chứng khoán và bất động sản tăng khá mạnh từ năm 2015 trở lại đây, tuy nhiên điều này nếu tiếp tục duy trì thì có thể xảy ra rủi ro.

Điều kiện quan trọng để ổn định lãi suất

Trong bảng đánh giá về nền kinh tế Việt Nam công bố ngày14/6 vừa qua, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo Việt Nam cần phải cẩn thận nếu muốn được nâng bậc đầu tư, theo đó không được hy sinh sự ổn định để đổi lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Ông Stephen Schwartz - trưởng Bộ phận Tín nhiệm quốc gia tại Fitch Ratings khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng có thắt chặt tiền tệ ở mức độ nào đó từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong ngắn hạn, thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc thông qua các đợt nâng lãi suất, nhất là khi có sự cải thiện về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng và tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh trong thời gian gần đây".

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là khả thi sau khi GDP quý I đạt mức kỷ lục, vì thế nhà điều hành không cần thiết tiếp tục nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ kinh tế, mà thay vào đó ưu tiên thắt chặt chính sách tiền tệ để tránh gây áp lực lên lạm phát và tỷ giá, nhất là khi các nền kinh tế khác cũng đã bắt đầu lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại trong thời gian qua.

Nếu như tăng trưởng tín dụng không phải chịu áp lực tăng cao bằng mọi giá, cùng với dòng vốn vào ngân hàng tiếp tục thể hiện tích cực như tháng 5 vừa qua, thì thanh khoản của các ngân hàng thêm dồi dào sẽ càng giúp mặt bằng lãi suất ổn định. Nhờ vậy các doanh nghiệp sẽ có điều kiện tiếp cận các khoản vay với chi phí phù hợp để mở rộng sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, không phải đối mặt với nỗi lo rơi vào suy thoái.