Tiền mồi

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Có những thông tin chỉ như đốm sáng lóe lên trên thị trường, nhưng cũng đủ sức thay đổi và dẫn dắt hành động của giới tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuần qua thông tin ấy là sự rơi đột ngột của trái phiếu kỳ hạn ba năm do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành được Chính phủ bảo lãnh xuống 6,2%/năm, thấp hơn 0,6%/năm so với chính nó một tuần trước (đây là trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, còn trái phiếu chính phủ kỳ hạn ba năm chỉ 5,79%/năm). Cú rơi này có tốc độ còn nhanh hơn mức rớt 0,27%/năm của trái phiếu kỳ hạn hai năm tuần trước.

Giám đốc đầu tư của một quỹ nước ngoài khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Lãi suất còn giảm vì tiền carry trade (ngoại tệ từ bên ngoài chuyển vào Việt Nam, đổi qua tiền đồng và kinh doanh chênh lệch lãi suất) đang vào và sẽ còn vào mạnh trong vòng ba tháng tới”. Bây giờ không chỉ trái phiếu kỳ hạn ngắn, mà kỳ hạn dài 10, 15 năm các tổ chức cũng mua. “Một nửa lượng trái phiếu kỳ hạn 10 và 15 năm phát hành các đợt vừa rồi do chúng tôi trúng thầu” - ông cho biết.

Nhiều ngân hàng, đặc biệt các tổ chức tín dụng lớn, đã bỏ thầu lãi suất cực thấp nhằm “bao” luôn toàn bộ khối lượng chào bán trong các đợt đấu thầu. Có thể đây là những động thái nằm trong nỗ lực chung nhằm kéo lãi suất thị trường về mặt bằng mới. Việc giữ nguyên trần lãi suất huy động ngắn hạn ở thời điểm hiện tại chủ yếu để “đối phó” với phản ứng của dư luận về lãi suất thực dương của tiền gửi tiết kiệm.

Sử dụng lãi suất trái phiếu, biến nó thành đường cong chuẩn, gián tiếp dùng nó để can thiệp vào mặt bằng lãi suất chung là động thái mà cơ quan quản lý đang làm. Nó có ba điểm lợi: thứ nhất, Chính phủ vay được vốn rẻ hơn, đầu tư công nhờ đó có giá thành thấp hơn. Thứ hai, lãi suất trái phiếu thấp buộc các ngân hàng phải cân nhắc hạ lãi suất huy động. Đây là điều cơ quan quản lý mong muốn mà không cần đến biện pháp hành chính trần lãi suất. Thứ ba, ngân hàng phải tìm cách giảm lãi suất đầu ra, đẩy tín dụng. Trước mắt 4-5%/năm có vẻ đang là mục tiêu hướng đến của lãi suất tiền đồng.

Những chỉ đạo nói trên tưởng có tính bắt buộc, lại đang được các ngân hàng chấp nhận một cách hào phóng. Nguyên nhân do thanh khoản quá dồi dào. Nếu không chảy vào trái phiếu, thanh khoản có thể khiến giao dịch liên ngân hàng dội chợ và lãi suất ở đây có khả năng lặp lại tình trạng dưới 1%/năm cho vay qua đêm như đã từng xảy ra năm ngoái. Lúc ấy, cơ quan quản lý sẽ vất vả hơn trong việc bơm/hút tiền.

Lãi suất cũng đang tác động đến trái phiếu doanh nghiệp. Đại diện Vietcombank cho biết một khách hàng “đại gia” đã trả khoản vay 2.100 tỉ đồng mà không xin gia hạn thêm sau khi doanh nghiệp này phát hành được trái phiếu với lãi suất thấp hơn cho một tổ chức tín dụng khác. Lượng trái phiếu doanh nghiệp chưa đáo hạn toàn thị trường hiện ước 100.000 tỉ đồng, nhưng đang có dấu hiệu giảm nhanh nhờ các công ty bất động sản cấn trừ nợ cho ngân hàng bằng đất đai, cổ phiếu.

Một đơn vị dẫn đầu thị trường về kinh doanh khu công nghiệp là Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), sau khi phát hành 100 triệu cổ phiếu để cấn trừ 1.000 tỉ đồng nợ vào tháng 4/2014, đang chuẩn bị cơ cấu lại nợ với sự tham gia của cả ngân hàng lớn. Ba năm qua, Kinh Bắc không được vay thêm một đồng vốn ngân hàng, nhưng cuối cùng họ vẫn trụ được. Nguồn tin từ KBC cho biết tập đoàn LG có thể thuê thêm một diện tích đất lớn nữa ở khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng) của KBC trong năm nay.

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà mỗi khi nhắc đến giới tài chính tỏ ra lạc quan. Đó là lãi suất càng giảm, chứng khoán càng có cơ hội. Các blue-chips đã tăng giá 30-50% kể từ đầu năm nay và không ít ý kiến cho rằng chúng đã trở nên đắt đỏ, chỉ số P/E của nhóm này đã 11-12 lần. P/E của những cổ phiếu như GAS, VNM, DHG... đã 16-17 lần. Bất chấp những đánh giá đắt/rẻ, chúng vẫn đang thu hút dòng tiền.

Cái gì đang tạo đà cho chứng khoán? Đấy là cung tiền. Theo Ngân hàng Nhà nước, sáu tháng đầu năm nay tổng phương tiện thanh toán đã tăng 7,29% so với cuối năm ngoái. Tín dụng vật vã, tiền phải len lỏi vào trái phiếu và một phần nào đó chưa đo lường được, đã và đang tìm đến chứng khoán.

Phần tiền chảy vào cổ phiếu giống như tiền mồi. Một mặt các kênh đầu tư khác như ngoại tệ, vàng bị bít chặt. Bất động sản tiếp tục “chìm đắm trong hôn mê”. Gửi tiết kiệm đã bớt màu sắc hào nhoáng. Gửi tiết kiệm 12 tháng được 8-9%/năm, trong khi cứ “liều mình” giải ngân vào các blue-chips, nhà đầu tư cũng có hy vọng giá cổ phiếu tăng 10%/năm, cộng thêm cổ tức chừng 3-4%/năm tính trên mệnh giá.    

Mặt khác, Nhà nước, sau bao nỗ lực chưa thành công suốt 5-7 năm qua, đang thể hiện một sự ủng hộ “ngầm” cho sự chuyển biến của thị trường chứng khoán. Mặc dù không phải tất cả các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước đều bán hết lượng cổ phần chào bán, nhưng Chính phủ đã ráo riết thúc giục các doanh nghiệp to cổ phần hóa. Ít nhất thì hàng hóa đang và sẽ được mang ra chợ, còn liệu có bán được thì phải có các giải pháp tiếp thị đi kèm. Cách tiếp thị tốt nhất là VN-Index lên điểm.

Lạm phát và lãi suất là hai yếu tố ảnh hưởng quyết định đến chứng khoán, mà cả hai lại đang rất thuận lợi cho thị trường. Lãi suất hứa hẹn mặt bằng thấp hơn trong khi lạm phát đang được kiềm chế ở mức 0,2-0,3%/tháng.

Trách nhiệm của tiền mồi sẽ nặng nề vì để hấp dẫn được tiền lỏng từ kênh nhàn rỗi của dân cư hay tiết kiệm, nó phải cho thấy được hiệu quả tức sự bứt phá của chứng khoán. Từ năm 2009, VN-Index chưa khi nào qua mốc 630 điểm. Tiền mồi liệu có giúp chỉ số vượt qua thử thách này tới đây?