Tiền sẽ đổ tiếp vào chứng khoán

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Thị trường chứng khoán khởi sắc, nhiều công ty chứng khoán lên kế hoạch chuẩn bị nguồn tiền đẩy mạnh hoạt động margin, dự báo sẽ có một lượng tiền lớn đổ vào chứng khoán thời gian tới.

Tiền sẽ đổ tiếp vào chứng khoán
Các nhà đầu tư nên chuyển thêm vốn sang chứng khoán và bất động sản. Hai kênh này sẽ tiếp tục tạo ra mức sinh lợi tương đối hấp dẫn trong xu hướng đi lên của thị trường hiện nay. Nguồn: internet

Công ty chứng khoán TP.  Hồ Chí Minh (HSC) vừa công bố Quyết định của HĐQT về việc vay bổ sung nguồn vốn lưu động, với tổng hạn mức lên đến 1.400 tỷ đồng. Sau khi chủ trương này được HĐQT thông qua, HSC đề nghị 4 ngân hàng cấp hạn mức tín dụng, cụ thể HDBank, BIDV và Maritime Bank, mỗi ngân hàng 400 tỷ đồng và Vietcombank 200 tỷ đồng.

Gọi là “bổ sung vốn lưu động” nghe có vẻ chung chung, nhưng thực chất toàn bộ số tiền HSC dự kiến vay ngân hàng sẽ được dùng để tăng cường hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin).

Sau 2 năm liền đứng vị trí số 1 về thị phần môi giới toàn thị trường, HSC đã phải nhường lại vị trí này cho CTCK Sài Gòn (SSI) trong 3 quý liên tiếp vừa qua, đặc biệt trong quý III/2014, HSC chứng kiến thị phần trên sàn TP. Hồ Chí Minh (HOSE) sụt giảm so với quý liền trước. Có lẽ đây là nguyên nhân chính HSC quyết định đẩy mạnh hoạt động margin, nhằm củng cố ngôi vị của mình.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng hiện tương đối dễ dàng. Theo tính toán của nhiều CTCK, đi vay ngân hàng với lãi suất khoảng 10,5%/năm, sau đó cho các nhà đầu tư vay lại có thể tạo ra mức sinh lợi gộp khoảng 16 - 17%/năm. Nếu cộng với phí giao dịch tăng thêm ước tương đương khoảng 4%/năm, trừ đi phí hoa hồng môi giới và các phí liên quan khác, mức sinh lợi ròng từ hoạt động margin sẽ vào khoảng 7,5 - 8%/năm - một mức được xem là đủ hấp dẫn để các CTCK đẩy mạnh nghiệp vụ này.

“Tiền HSC vay được sẽ chỉ dùng vào một mục đích duy nhất là cho các nhà đầu tư vay lại. Với thanh khoản của thị trường hiện nay, cũng như qua theo dõi giao dịch hàng ngày của các nhà đầu tư, dự báo nhu cầu margin sắp tới sẽ tiếp tục tăng. Vì thế, HĐQT quyết định ký hạn mức với các ngân hàng là để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng khi khách hàng có nhu cầu”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc HSC nói, đồng thời cũng khẳng định, hoạt động margin của HSC được giám sát một cách chặt chẽ, hệ thống kiểm soát rủi ro của Công ty hoàn toàn có đủ năng lực khi dư nợ margin tăng lên.

Hiện nay, tuỳ từng mã cổ phiếu, HSC đang cấp margin cho khách hàng với các mức phổ biến 30%, 40% hoặc 50%. Nhiều tuần liên tiếp trong các bản tin hàng ngày, HSC cho biết, dư nợ margin trên thị trường đang ở mức cao, xoay quanh đỉnh của năm, nhưng với những gì công ty này đang rốt ráo triển khai có vẻ vẫn còn dư địa để hoạt động margin tăng tiếp.

Đối với nhà đầu tư, thông tin mà họ nhận được thời gian gần đây là những lưu ý của CTCK về mức margin cao và những rủi ro có thể xảy ra nếu thị trường đảo chiều, bên cạnh đó là khả năng UBCK có thể sẽ ban hành quy định “chỉnh đốn” nghiệp vụ này.

Tuy nhiên, theo ông Giang, mức margin hiện tại không có gì đáng lo ngại và khả năng thị trường đảo chiều là không có, thậm chí triển vọng thị trường trong trung hạn vẫn khá lạc quan. Về phía UBCK, cơ quan này cũng cho biết, chưa có bất cứ ý định nào siết lại margin.

Điều đáng nói là hiện không có con số chính thức được công bố liên quan đến hạn mức margin toàn thị trường. Một vài CTCK đưa ra con số ước tính vào khoảng 2% tổng vốn hoá thị trường, phần lớn khá dè dặt khi đưa ra các con số kiểu như thế.

Bên cạnh HSC, một số CTCK khác cũng đang rục rịch cân đối đầu này, đầu kia để tìm nguồn đẩy mạnh margin. Chẳng hạn, CTCK Trí Việt (TVC) cho biết sắp tới sẽ phát hành khoảng 50 tỷ đồng trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động margin.

Chứng khoán đang cho thấy sức hấp dẫn của mình so với các kênh đầu tư khác, vì thế dòng tiền kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào “vùng trũng” này.

Trong báo cáo gần đây nhất, VinaCapital cho biết, với lạm phát liên tục giảm, đi kèm là lãi suất tiền gửi ngân hàng thấp hơn, nhiều nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi đã dịch chuyển tiền từ kênh tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác có khả năng sinh lợi cao hơn như chứng khoán và bất động sản. Xu hướng này có thể nhận thấy một cách dễ dàng khi VN-Index tăng 22% trong năm 2013 và 25% từ đầu năm 2014 đến nay.

Cũng theo VinaCapital, cổ phiếu của nhiều công ty bất động sản, đặc biệt những công ty thuộc phân khúc nhà thu nhập thấp, đã được hưởng lợi đáng kể.

“Chúng tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên chuyển thêm vốn sang chứng khoán và bất động sản. Hai kênh này sẽ tiếp tục tạo ra mức sinh lợi tương đối hấp dẫn trong xu hướng đi lên của thị trường hiện nay”, báo cáo của VinaCapital viết.