Tiến trình cải cách thị trường vàng Việt Nam

Từ sau năm 1975, vàng đã trở thành hàng hóa đặc biệt như tiền tệ khi được sử dụng làm thước đo giá trị, phương tiện thanh toán và được ưa thích cất trữ vì lạm phát thường xuyên ở mức cao, dù rằng việc dùng vàng để định giá, thanh toán không được pháp luật thừa nhận. Việc giao dịch vàng kể cả vàng trang sức lẫn vàng miếng của tư nhân bị cấm cùng với việc Nhà nước dùng các biện pháp hành chính mạnh để kiểm soát và điều khiển giá vàng. Đến năm 1986, Việt Nam mới thực hiện chủ trương cho thành lập mạng lưới các cửa hàng kinh doanh vàng bạc quốc doanh và đến năm 1989 mới chính thức cho phép tư nhân thành lập cửa hàng kinh doanh vàng, bạc, đá quý. Từ đó, thị trường vàng mới bắt đầu có sự cạnh tranh.

Ngày 23/9/1993, Chính phủ ban hành Nghị định 63/1993/NĐ-CP về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp về vàng của mọi tổ chức và cá nhân. Cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được quyền cất giữ, vận chuyển hoặc gửi vàng ở ngân hàng. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng được mua bán vàng các loại; được chế tác, gia công, cầm đồ vàng. Từ năm 1994, Vụ Quản lý ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép nhập ủy thác để Công ty Vàng bạc Đá quý Việt Nam (VJC) nhập trực tiếp cho các doanh nghiệp và Vụ Quản lý ngoại hối bán vàng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 1996 do tình hình ngoại tệ khan hiếm vì ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á, NHNN tạm dừng việc cấp phép nhập khẩu vàng.

Tháng 12/1999, Chính phủ ban hành Nghị định 174/1999/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thay thế Nghị định 63/1993/NĐ-CP. Cùng với Nghị định 63/1998/ NĐ-CP về quản lý ngoại hối được ban hành ngày 17/8/1998, cơ chế quản lý vàng ở Việt Nam đã chính thức tách bạch rõ việc quản lý vàng tiền tệ, và quản lý vàng phi tiền tệ với sự nới lỏng đáng kể trong việc quản lý đối với vàng phi tiền tệ tập trung vào các nội dung chính: phân định rõ vàng miếng, vàng trang sức; quản lý xuất nhập khẩu; quản lý sản xuất, gia công; quản lý kinh doanh giao dịch. Nhờ chính sách nới lỏng này, đã có 8 đơn vị tham gia sản xuất, gia công vàng miếng theo dây chuyền công nghệ hiện đại và hơn 12.000 cửa hàng kinh doanh vàng trên khắp cả nước. NHNN cũng đã cho phép các tổ chức tín dụng đủ điều kiện được phép kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, quy định cụ thể việc huy động vàng và cho vay bằng vàng... Sàn giao dịch vàng vật chất cũng nở rộ, phát triển mạnh và trở nên phức tạp trong các năm 2008-2009 với hơn 20 sàn giao dịch trước khi Chính phủ ban hành lệnh cấm vào cuối năm 2009.

Tiến trình cải cách thị trường vàng tại Việt Nam  - Ảnh 1

Có thể thấy, tiến trình cải cách thị trường vàng Việt Nam giai đoạn 2000-2011 đã đi theo hướng tự do hóa. Tuy nhiên, Việt Nam chưa hề ban hành được bất kỳ quy định cụ thể nào để thống nhất tổ chức quản lý các sàn giao dịch vàng. Đây chính là điểm mấu chốt khiến cho thị trường vàng đã xảy ra những biến động phức tạp, hỗn loạn trong giai đoạn 2009-2011. Sau khi ban hành quy định đóng cửa các sàn giao dịch vàng trong nước kể từ 30/3/2010, không cho phép các ngân hàng được kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài kể từ 30/6/2010. Cùng với việc cấm nhập khẩu vàng nguyên liệu nhưng vẫn không hạn chế được nhập khẩu vàng bất hợp pháp và kiểm soát được biến động bất thường của thị trường vàng, Chính phủ đã quản lý chặt chẽ hơn thị trường vàng bằng giải pháp độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và đặt ra rào cản kỹ thuật đối với việc kinh doanh, giao dịch vàng miếng kể từ 01/5/2012 theo quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

Những vấn đề đặt ra

Thông qua độc quyền, NHNN đã kiểm soát hoàn toàn nguồn cung vàng thương hiệu SJC - vốn là thương hiệu chiếm trên 90% thị phần trước khi độc quyền, nhờ vậy đã chấm dứt được tình trạng nhập khẩu vàng bất hợp pháp, hạn chế phần nào tác động tiêu cực đến tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, có rất nhiều bất hợp lý ảnh hưởng bất lợi từ chính sách độc quyền này, cụ thể:

(i) Không giải quyết căn bản cầu vàng trong nước vì nhu cầu nắm giữ vàng của dân chúng vốn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố quan trọng như: tập quán, lạm phát, mức độ ổn định của USD/VND, chênh lệch lãi suất giữa USD với lãi suất VND, biến động thị trường bất động sản, biến động thị trường chứng khoán và các kênh đầu tư khác. Hậu quả rõ ràng nhất của việc độc quyền là đã không rút ngắn chênh lệch giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới về mức 400.000 đồng/lượng như tuyên bố của NHNN khi chênh lệch liên tục duy trì ở mức rất cao, phổ biến từ 2,0-3,5 triệu đồng/lượng.

(ii) Lãng phí nguồn lực tài chính trong nước khi dân chúng phải trả giá quá đắt, tốn kém nhiều tiền hơn cho cùng một tài sản nắm giữ so với người dân nước khác. Lãng phí vốn đầu tư khi 7 doanh nghiệp khác đã đầu tư vào dây chuyền sản xuất vàng không có cơ hội khai thác trong lúc toàn bộ lợi nhuận dồn về SJC.

(iii) Trong dài hạn, những nhà đầu tư có nhu cầu nắm giữ vài chục lượng vàng trở lên có thể lựa chọn giải pháp sang Thái Lan mua vàng theo tiêu chuẩn quốc tế, nhập khẩu về Việt Nam theo con đường bất hợp pháp. Chi phí cho hoạt động này thấp hơn so với mua vàng trong nước với giá cao. Trào lưu này xuất hiện rất sẽ kéo theo những đường dây nhập khẩu bất hợp pháp vàng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Nếu tình trạng này xảy ra, thị trường vàng và thị trường ngoại tệ sẽ trở nên khó kiểm soát hơn cả trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời.

(iv) Không cho phép lưu thông vàng theo tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín thế giới sẽ khiến thị trường vàng Việt Nam càng khó có cơ hội liên thông với thị trường vàng thế giới. Số lượng vàng có giá trị lớn sẽ không được sử dụng hiệu quả khi phải “nằm chết” với vai trò cất trữ hoặc sẽ tốn kém nhiều chi phí khi phải chuyển ngược số vàng này ra nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể giao dịch được.

(v) NHNN can thiệp quá sâu vào thị trường vàng phi tiền tệ khi trực tiếp tham gia vào quá trình xuất nhập khẩu, sản xuất vàng là không phù hợp với chức năng ngân hàng trung ương.

Phân tích trên cho thấy các quy định của Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã đưa thị trường vàng quay trở lại rất gần với cơ chế độc quyền trong những năm đầu thập niên 1990 sau hơn 20 năm Việt Nam thực hiện cải cách thị trường vàng theo hướng tự do hóa.

Đề xuất một số giải pháp

Từ những lập luận trên, chúng tôi cho rằng cần xem xét để sớm chấm dứt chủ trương độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng và tiếp tục cải cách thị trường vàng theo hướng tự do hóa với các bước cụ thể như sau:

Bước 1 (từ năm 2013-2015):

• Bãi bỏ độc quyền nhập khẩu, xuất khẩu vàng nguyên liệu thông qua việc cho phép các đơn vị đã sản xuất vàng trước đây được phép nhập khẩu, sản xuất vàng miếng và phải chấm dứt sản xuất sau 5 năm nếu sản phẩm không đạt được chuẩn mực quốc tế.

• Công bố công khai tiêu chuẩn, điều kiện được cấp giấy phép và hạn ngạch nhập khẩu.

• Hạ thấp các rào cản kỹ thuật để gia tăng số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể được kinh doanh vàng miếng và công bố lộ trình nâng dần rào cản kỹ thuật để phục vụ cho việc ra đời Sở giao dịch vàng ở bước 2.

Bước 2 (từ năm 2015-2020):

• Thành lập và đưa vào hoạt động Sở giao dịch vàng.

• Cho phép giao dịch vàng theo tiêu chuẩn quốc tế tại Sở giao dịch vàng.

• Nâng dần rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế tối đa việc giao dịch vàng qua kênh OTC, đưa các giao dịch vàng vật chất chủ yếu thực hiện qua Sở giao dịch vàng.

• Thiết lập các rào cản kỹ thuật để các doanh nghiệp sản xuất vàng miếng ở Việt Nam gia tăng tỷ trọng sản xuất vàng miếng theo đơn vị đo lường kilogram, ounce và khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vàng được quốc tế công nhận.

• Thành lập Văn phòng công nhận chất lượng vàng đạt chuẩn quốc tế và được công nhận.

• Thị trường vàng phi tiền tệ ở Việt Nam sẽ lưu hành song song ba loại vàng: vàng theo tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất bởi các nhà sản xuất uy tín trên thế giới; vàng theo tiêu chuẩn quốc tế do các công ty Việt Nam sản xuất được các tổ chức quốc tế công nhận đạt chuẩn; vàng theo tiêu chuẩn truyền thống của Việt Nam. Trong đó hai loại vàng đầu tiên sẽ là sản phẩm chủ lực được giao dịch phổ biến qua sở giao dịch. Loại sản phẩm thứ ba sẽ chỉ còn giao dịch trên thị trường OTC và sẽ không còn quá thông dụng.

Với các nội dung cải cách này, việc quản lý thị trường vàng trong giai đoạn 2015-2020 sẽ được tổ chức như minh họa (Hình 1).

Bước 3 (sau năm 2020):

• Cho phép sử dụng đòn bẩy và bán khống trên Sở giao dịch vàng.

• Cho phép sử dụng các công cụ phái sinh và thành lập Sở giao dịch hàng hóa phái sinh.

• Nới lỏng dần các quy định nhập khẩu vàng theo lộ trình tự do hóa tài chính của Việt Nam.

Có thể nói, việc từ bỏ cơ chế quản lý lấy việc độc quyền nhập khẩu và sản xuất vàng giữ vai trò trung tâm nếu sớm được sử đổi sẽ tạo lập được thị trường vàng hoạt động theo nguyên tắc căn bản của cơ chế thị trường, duy trì được sự liên thông chặt chẽ giữa thị trường vàng phi tiền tệ trong nước với thị trường vàng phi tiền tệ thế giới, giảm thiểu sự tác động tiêu cực của những biến động thị trường vàng đến kinh tế vĩ mô, giảm dần vai trò của vàng như là tiền tệ và tiến đến việc chấm dứt tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hữu Định (1996), Kinh doanh vàng tài khoản tại TP. Hồ Chí Minh: Chính sách và giải pháp, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh;

2. Himadri Bhattacharya (2002), Deregulation of gold in India, WGC, London;

3. IMF (2003), Balace of Payment Manual, Washington DC;

4. London Bullion Market Assosiation (2011), Chinese gold market: past, present and Future, London.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 3 - 2013

Tiến trình cải cách thị trường vàng tại Việt Nam

TS. Hoàng Công Gia Khánh - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

(Tài chính) Tiến trình cải cách chính sách quản lý thị trường vàng tại Việt Nam được triển khai từ năm 1999 và đến năm 2006 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, chính sách quản lý thị trường vàng đã không đảm bảo được tính ổn định. Để bình ổn thị trường vàng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã ra đời kèm theo quy định “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng…”. Song, thực tế cho thấy đây vẫn chưa phải là giải pháp căn bản để giải quyết những bất ổn của thị trường vàng.

Xem thêm

Video nổi bật