Tiến trình tự do hóa lãi suất ở Việt Nam và một số kiến nghị

Phan Thị Nhã Trúc, Phạm Thị Kim Ánh

Tự do hoá lãi suất là một bộ phận cơ bản của tự do hoá tài chính, tức là lãi suất được tự do biến động để phản ứng theo các lực lượng cung - cầu vốn trên thị trường, loại bỏ những áp đặt mang tính hành chính lên sự hình thành của lãi suất. Việc xác định lãi suất hợp lý sẽ là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa phát triển và ngược lại. Ở Việt Nam, chính sách lãi suất đã góp phần bình ổn giá cả, đẩy lùi và kiềm chế lạm phát, kích cầu, tăng trưởng thu nhập quốc dân. Bài viết phân tích diễn biến lãi suất thời gian qua và nêu ra một số giải pháp cụ thể, nhằm thực hiện tiến trình tự do hóa lãi suất tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập vào thị trường tài chính quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Diễn biến lãi suất qua các giai đoạn

Cùng với tiến trình mở của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thị trường tiền tệ cũng có sự biến động với những tác động từ thị trường quốc tế, trong đó biểu hiện rõ nhất là những diễn biến của lãi suất qua từng giai đoạn.

Giai đoạn từ năm 1989 đến năm 1993

Từ ngày 26/3/1988, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đổi mới cơ cấu tổ chức theo Nghị định 53/HĐBT, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngân hàng cũng như điều hành về lãi suất. Theo đó, nếu trước đây hệ thống ngân hàng hoạt động độc quyền thì nay đã hình thành nên ngân hàng thương mại (NHTM) hoạt động dưới sự kiểm soát của NHNN.

Theo đó, Quyết định số 25-NH/QĐ ngày 12/5/1980 của NHNN quy định lãi suất tiền gửi  không kỳ hạn là 0,6%/tháng; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng là 0,9%/tháng; 2-6 tháng là 1,05%/tháng; từ 6-12 tháng là 1,2%/tháng; trên 12 tháng là 1,5%/tháng... Trong giai đoạn này, chính sách lãi suất dần thể hiện được vai trò của mình trong công cuộc kiềm chế lạm phát, đồng thời đã hình thành nhiều loại lãi suất phù hợp với yêu cầu thị trường như lãi suất liên ngân hàng... Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa lãi suất tiền gửi của các tổ chức kinh tế và lãi suất tiết kiệm, lãi suất huy động cao hơn lãi suất cho vay, hơn nữa có sự phân biệt lãi suất cho vay giữa khu vực quốc doanh và ngoài quốc doanh gây ra tình trạng bất bình đẳng trong nền kinh tế.

Giai đoạn từ năm 1994 đến năm 2000

Năm 1996, theo nghị quyết của Quốc hội, NHNN bãi bỏ chính sách thu thuế doanh thu của các hoạt động tín dụng nhằm giảm chi phí cho vay, song lãi suất cho vay vẫn tăng đột biến trên 20%/năm. Lãi suất cho vay duy trì có sự khác nhau giữa nông thôn và thành thị, trong khi tại khu vực nông thôn, NHNN duy trì lãi suất cao hơn để kích thích nguồn vốn vay về khu vực này.

Quyết định số 39/1998/QĐ/NHNN ban hành nhằm xóa bỏ cách biệt giữa lãi suất cho vay ở cả hai khu vực, đồng thời thu hẹp lãi suất trần và bãi bỏ chêch lệch 0,35%/tháng nhưng trên thực tế càng đưa khu vực nông thôn vào tình cảnh thiếu vốn, không đảm bảo an toàn tín dụng ở nông thôn, vì không áp dụng chính sách ưu đãi về lãi suất. Từ sau năm 1997, các NHTM đã giảm lãi suất cho vay như gia hạn các khoản nợ từ 1-3 năm cho DN lên đến 5 năm, cho các tập đoàn nhà nước vay không thế chấp đẩy lãi suất cho vay từ 20,1%/năm trong năm 1996 giảm còn 14,4%/năm duy trì trong 2 năm 1997-1998.

Lãi suất tín dụng tăng trong thời gian này đến trực tiếp từ việc vay mượn bởi các DNNN nhằm tái cấu trúc hệ thống tài chính của mình được vững vàng hơn để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong năm 1999, việc mở rộng chính sách tín dụng không làm kích thích tăng trưởng kinh tế, lãi suất huy động vốn và lãi suất tín dụng đã giảm lần lượt 2%/năm so với những năm trước.

Tuy nhiên, năm 2000 đánh dấu bước phát triển mới trong cơ chế điều hành lãi suất. Theo đó, NHNN đã chấp nhận thay đổi lãi suất cho vay không được vượt qua lãi suất cơ bản cộng thêm 0,3% mỗi tháng cho vay ngắn hạn và 0,5% mỗi tháng cho vay trung và dài hạn. Về cơ bản, quyết định này không khác mấy so với quyết định áp trần lãi suất như trước kia nhưng các NHTM có thể chủ động hơn trong việc đưa ra lãi suất cho vay tương ứng với từng đối tượng khách hàng mà họ hướng tới.

Giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2008

Từ năm 2001 - 2008, có sự tăng lên nhịp nhàng giữa lãi suất huy động và cho vay tăng giảm nhịp nhàng. Chính sách bỏ trần sàn lãi suất, áp dụng lãi suất cơ bản làm cơ sở tham chiếu, nên các ngân hàng cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD) đua nhau thiết lập lãi suất của mình. Trong 7 năm, mức lãi suất tăng lên lần lượt là 97% đối với lãi suất huy động vốn và 67% đối với lãi suất cho vay.

Mức tăng kỷ lục này báo động một khoảng hở trong quản lý và điều hành lãi suất của NHNN, đẩy lãi suất tăng cao trên thị trường. Tuy nhiên, việc thiết lập lãi suất của các NHTM lại làm cho bài toán quản lý trở nên khó hơn trong vấn đề tự do hóa lãi suất. Năm 2008 là năm Việt Nam bị tác động gián tiếp bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu buộc NHNN phải “bơm” gói kích cầu 30.000 tỷ đồng để kích thích thị trường tiêu dùng. Cùng với việc tăng lãi suất 3 lần (đỉnh điểm của mức lãi suất huy động là 14% vào tháng 6/2008, cao nhất tại châu Á), NHNN cũng thực hiện giảm giá VND xuống 2% để giải tỏa áp lực của đồng tiền trong nước (NHNN, 2010). Việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng là giải pháp để giải cứu thị trường trước đà tăng của lạm phát, dù chưa đủ tạo áp lực giảm nhiệt của lãi suất cho vay.

Cụ thể, Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam do NHNN ban hành nhằm điều hành lãi suất cho vay của các TCTD không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Diễn biến của thị trường lãi suất năm 2008 đã đi ngược với mong đợi của NHNN, lãi suất không phản ánh đúng quan hệ cung-cầu, bất cập về trần lãi suất cũng đẩy các TCTD bước vào thời kỳ mất cân đối trong cầu vốn vay tín dụng trung dài hạn rất lớn, gia tăng rủi ro trong kỳ hạn vốn.

Giai đoạn từ năm 2009 đến nay

NHNN ban hành Thông tư 07/2010/TT-NHNN quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam thu lãi suất thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề về lãi suất, cho phép ngân hàng được phép áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận với các khách hàng trung và dài hạn vay phục vụ cho mục đích kinh doanh, mở rộng sản xuất. Tình hình lãi suất năm 2011 không mấy khả quan, khi chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế cũng là một trong những lý do đẩy mức lãi suất huy động và cho vay tăng cao, trong khi lãi suất thực trên thị trường phải duy trì ở ngưỡng âm 3,55%.

Trong khi NHNN đã quy định mức trần lãi suất huy động là 14%/năm nhưng các NHTM vẫn lách luật và huy động trượt lãi suất 2%-5% nữa để thu hút khách hàng. Ngày 21/12/2012, NHNN ban hành Quyết định số 2646/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng nhằm giảm lãi suất tái cấp vốn từ 10%/năm xuống còn 9%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 8%/năm xuống còn 7%/năm, lãi suất cho vay qua đêm giữa các liên ngân hàng giảm từ 11% còn 10% năm. Như vậy, với chính sách thắt chặt tiền tệ, đến nay lãi suất có xu hướng giảm trên thị trường…

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự sửa đổi được ban hành năm 2015 đã quy định trần lãi suất không vượt quá 20%/năm đối với các khoản vay tín dụng, được áp dụng vào ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất không phải là giải pháp tối ưu như đã phân tích, nhưng bộ luật này cũng đã “mở đường” cho các TCTD đó là được phép thỏa thuận lãi suất theo cơ chế thị trường với điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” (NHNN, 2015)…

Giải pháp thực hiện tiến trình tự do hóa lãi suất

Nhằm thực hiện tiến trình tự do hóa lãi suất, góp phần hội nhập vào thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu trong thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng hệ thống chỉ tiêu kiểm soát thị trường liên ngân hàng: Việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu kiểm soát thị trường liên ngân hàng để theo dõi kịp thời diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, làm cơ sở ban hành lãi suất tái cấp vốn. Hiện nay, NHNN đang thực hiện cơ chế điều hành trực tiếp có giới hạn đối với lãi suất huy động và cho vay của các NHTM làm cho lãi suất của các NHTM không phù hợp với quan hệ cung cầu vốn trên thị trường làm giảm tác dụng của các công cụ lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu.

Dự báo sự biến động lãi suất theo tình hình kinh tế: Việc dự báo sự biến động lãi suất theo tình hình kinh tế trong và ngoài nước, qua đó áp dụng các biện pháp định hướng lãi suất phù hợp với thực tế nền kinh tế, bởi lãi suất là công cụ điều tiết quan trọng của chính sách tiền tệ, đặc biệt là trong quá trình nước ta đã hội nhập.

Ba là, sửa đổi và bổ sung các quy định về tái cấp vốn, chiết khấu và tái chiết khấu. Theo đó, NHNN cần nghiên cứu sửa đổi và bổ sung các quy định về tái cấp vốn, chiết khấu và tái chiết khấu của NHNN đối với các TCTD theo hướng thông thoáng hơn về điều kiện vay, hạn mức vay đối với các NHTM.

Bốn là, hoàn thiện các quy định về lãi suất, quy chế quản lý ngoại hối theo thông lệ quốc tế. NHNN cần hoàn thiện các quy định về lãi suất phù hợp với thông lệ quốc tế, hoàn thiện và phát triển thị trường nội tệ liên ngân hàng, thị trường đấu thầu trái phiếu chính phủ, nghiệp vụ thị trường mở để lấy mức lãi suất trên thị trường này làm cơ sở xác định cho lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Đồng thời, cần công bố lãi suất tiền gửi và cho vay bằng VND tính theo năm, các kỳ hạn cụ thể đối với lãi suất cho vay và huy động được tính trên cơ sở lãi suất năm như đối với lãi suất ngoại tệ cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Năm là, xóa bỏ các hình thức cho vay ưu đãi trong hệ thống ngân hàng: Đây là yêu cầu tất yếu trong quá trình tự do hoá lãi suất. Theo kinh nghiệm tự do hoá lãi suất của các nước, thì việc đề cập đến vấn đề xoá bỏ các mức lãi suất ưu đãi trong quá trình tự do hoá lãi suất ở Việt Nam hiện nay là muộn. Các nước thường tiến hành việc xóa bỏ kiểm soát này vào thời kỳ đầu của quá trình tự do hoá lãi suất. Bởi việc tồn tại các mức lãi suất ưu đãi có ảnh hưởng tới các mức lãi suất cho vay thương mại của các trung gian tài chính.

Thông thường các NHTM hiện nay vẫn dùng nguồn vốn tự huy động để cho vay ưu đãi theo các mục tiêu chỉ định, nhưng việc cấp bù phần giảm lãi suất cho vay chưa được thực hiện đầy đủ (chỉ thực hiện khi kết quả kinh doanh bị lỗ). Trong những trường hợp như vậy, lãi suất cho vay thương mại sẽ bị đẩy lên cao để bù đắp cho những khoản vay ưu đãi. Bên cạnh đó, việc cho vay ưu đãi trong những trường hợp này thường gắn liền với rủi ro tín dụng, do người vay gây ra, cũng có thể do chính các NHTM gây ra, vì họ nghĩ rằng các khoản cho vay đó đã được Nhà nước bảo lãnh, nên không quan tâm đến hiệu quả đầu tư, giám sát quá trình sử dụng vốn vay…

Sáu là, thực hiện cơ chế điều hành hệ thống lãi suất chỉ đạo: Nếu thị trường tiền tệ thực sự phát triển theo hướng ổn định và có đủ điều kiện để thực hiện tự do hoá lãi suất hoàn toàn, thì có thể bỏ cơ chế điều hành theo lãi suất cơ bản để chuyển hẳn sang cơ chế điều hành hệ thống lãi suất chỉ đạo của NHNN. Sau khi bỏ biên độ lãi suất, thực hiện cơ chế lãi suất thoả thuận, thì vai trò của lãi suất cơ bản đối với cho vay bằng VND thực chất chỉ còn mang tính hướng dẫn, tham khảo cho các TCTD, không còn vai trò kiểm soát và tác động trực tiếp đến lãi suất trên thị trường. Vì vậy, khi thị trường tiền tệ phát triển theo hướng ổn định và có đủ điều kiện để tự do hoá lãi suất hoàn toàn, cần phải chuyển sang cơ chế điều hành hệ thống lãi suất chỉ đạo của NHNN.

Bảy là, nâng cao năng lực quản lý và vai trò giám sát của NHNN: Cần nâng cao vị thế độc lập của chính sách tiền tệ và quyền tự chủ của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ. Đổi mới cơ cấu tổ chức của hệ thống NHNN theo hướng tập trung quản lý, điều hành, nâng cao tính chuyên môn hóa, xác định rõ ràng chức năng nhiệm vụ và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, giảm bớt các đầu mối quản lý. Tiếp tục tăng cường năng lực thanh tra và giám sát ngân hàng của NHNN...

Tám là, nâng cao năng lực canh tranh của các NHTM. NHNN thông qua việc phân loại, xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu của các NHTM, minh bạch các báo cáo tài chính hàng năm và tăng cường chất lượng tài sản, tín dụng cũng như nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát tín dụng của các NHTM, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Tài liệu tham khảo

1. Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13;

2. Ngân hàng Nhà nước (2010), Thông tư 07/2010/TT-NHNN Quy định về cho vay bằng đồng Việt Nam theo lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với khách hàng;

3. IFM, staff. (1998, 1999), Vietnam: Selected issues and Statistical Appendix. IMF;

4. Worldbank. (1995). Vietnam Financial Sector review. Worldbank countries report;

5. Nguyen, X. T. (2003). The road to interest rate liberalization. Hochiminh: Fulbright Economic.