Tiền xu "mất tích" trong tiêu dùng: Bỏ thì thương, vương thì tội

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Thôi hay tạm dừng sử dụng tiền xu? Đó là câu hỏi mà phóng viên đặt ra với các cán bộ có trách nhiệm của ngành ngân hàng, cùng hàng loạt câu hỏi mà dư luận đang quan tâm về số phận của loại tiền này. Tuy nhiên, câu hỏi này chưa có lời giải đáp thoả đáng và câu chuyện này còn tiếp tục bỏ ngỏ.

Tiền xu "mất tích" trong tiêu dùng: Bỏ thì thương, vương thì tội
ồng tiền xu chết yểu còn bởi việc mất giá quá nhanh của VND trong giai đoạn 2003-2010. Nguồn: internet
Có lãng phí “khủng” 

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc phát hành tiền kim loại năm 2003 nhằm mục đích hoàn thiện cơ cấu mệnh giá các đồng tiền kim loại phù hợp với yêu cầu lưu thông tiền tệ. Lý do để phát hành tiền xu là hướng tới mục tiêu lắp đặt các hệ thống bán hàng tự động như máy bán nước ngọt, điện thoại, bán vé tự động... 

Nhưng trên thực tế, cho đến nay những loại máy tự động này vẫn gần như chưa sử dụng được ở Việt Nam. Vậy mà loại tiền xu vẫn được đưa ra lưu thông với lý do: Đồng tiền xu có rất nhiều ưu điểm về lợi ích kinh tế xã hội như: Tiết kiệm chi phí ngân sách, tuổi thọ cao, trao tay tiện lợi, thời gian bảo quản dài lâu, môi trường sạch sẽ, không bị thấm hút như tiền giấy. 

Tại thời điểm đó, đã có cán bộ NHNN từng phát biểu: “NHNN thời gian tới sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích trong công chúng. Đồng thời, chủ động nắm vững cơ cấu lưu thông tiền tệ để bố trí phù hợp với nhu cầu của xã hội. Sử dụng tiền xu thể hiện sự văn minh nhân loại, ý thức pháp luật trong các loại hình giao dịch dân sự và Nhà nước, nên mỗi người dân phải đặt quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong bối cảnh tổng thể theo xu hướng vận động chung của toàn xã hội”.

Ngay từ thời điểm phát hành tiền xu, đã có hàng loạt câu hỏi đặt ra với lãnh đạo ngành ngân hàng rằng việc phát hành đồng tiền kim loại liệu có là một sự lãng phí? 

Tại thời điểm đó, Thống đốc NHNN là ông Lê Đức Thúy khẳng định: “Đã nhiều năm trở lại đây, người dân Việt Nam không quen dùng tiền kim loại cho nên không có thói quen sử dụng, bảo quản, thanh toán tiền kim loại. Việc tập thói quen mới là khó khăn. Người dân sẽ thích nghi dần với việc sử dụng, bảo quản và cất giữ đồng tiền kim loại để đỡ bị mất”. 

Được biết, đợt phát hành tiền xu năm 2003 có 5 loại mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng. Loại tiền xu 200, 500 đồng được làm bằng chất liệu thép mạ niken; loại 1.000, 2.000 đồng bằng thép mạ đồng vàng; riêng loại 5.000 đồng bằng hợp kim đồng, bạc, niken. 

Thực tế đã không như Thống đốc Lê Đức Thúy phát biểu, bởi chất lượng tiền xu các mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000 đồng rất kém, nhanh gỉ sét..., nên bị mọi người từ chối. 

Ngoài ra, đồng tiền xu chết yểu còn bởi  việc mất giá quá nhanh của VND trong giai đoạn 2003-2010, trong khi đơn vị tiền xu lại nhỏ, không phù hợp trong tiêu dùng. 

Trước câu hỏi của phóng viên: “Tổng kinh phí sản xuất tiền xu 2003 là bao nhiêu?” Chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời “muốn hiểu thế nào cũng được” rằng: Thời gian đó có thông tin tổng số lượng tiền kim loại theo kế hoạch NHNN đã thuê đúc là 1 tỉ. Tuy nhiên, không ai giải thích rõ là 1 tỉ tính theo mệnh giá, hay 1 tỉ đồng tiền kim loại tính theo miếng?. 

Thôi, hay tạm dừng tiền xu?

Sau 8 năm phát hành, các đồng tiền xu vắng bóng trong lưu thông từ năm 2011. Trước tình huống này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước về việc dừng in đúc, phát hành tiền xu mới.

Được biết, hồi đầu năm 2013, đại diện NHNN khẳng định tiền xu vẫn được duy trì lưu thông. Với những đồng tiền xu chất lượng kém không đủ tiêu chuẩn, người dân sẽ được đổi sang tiền mới cùng mệnh giá. Đồng thời, đại diện NHNN cũng cho biết sẽ có trách nhiệm phân loại, bảo quản tiền và đổi những đồng không đủ tiêu chuẩn lưu thông, xử lý theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tuyên bố, còn thực tế thì đồng tiền xu với người tiêu dùng đã không còn khái niệm.

Điều mà dư luận quan tâm rằng cả đống tiền xu bị chối bỏ giờ đang nằm ở đâu? Đó là câu hỏi được xếp vào loại “bí mật” của ngành ngân hàng và không nhận được sự hợp tác. 

Tuy nhiên, theo những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu thì hiện nay, phần lớn số tiền xu đang được bảo quản tại kho của NHNN Việt Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, một ít nằm ở kho các NHNN - chi nhánh tỉnh/thành phố. Số tiền xu này đang chiếm rất nhiều diện tích kho tàng. 

Việc phát hành ra một số lượng lớn tiền như vậy mà không đưa được vào lưu thông đã là một sự lãng phí rất lớn. Có lẽ, NHNN đã tính đến việc xử lý các đồng tiền kim loại không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Còn việc tuyên bố tiền kim loại có chấm dứt lưu thông hay không thì điều đó vẫn còn bỏ ngỏ, vì chẳng lẽ cơ cấu đồng tiền Việt Nam lại không như thông lệ?