Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu trong năm 2016

PV.

Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 xuống dưới 3% đã thành hiện thực. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu trong năm 2016 cũng còn nhiều khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ riêng của hệ thống ngân hàng…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nợ xấu đã phát sinh từ lâu nhưng bắt đầu được quan tâm đặc biệt từ cuối năm 2011. Giai đoạn 2008 – 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân là 26,56%, nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu lại ở mức 51%. Nợ xấu tăng nhanh là mối đe dọa đến an ninh hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính quốc gia.

Vì vậy, từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa hoạt động tài chính… để tiến đến xử lý nợ xấu toàn diện. Năm 2014, công cuộc xử lý nợ xấu bước đầu mang lại những kết quả ấn tượng nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Và đến cuối năm 2015, nhiệm vụ xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu khi tỷ lệ nợ xấu được kéo mạnh từ mức 17% của năm 2012 về mức 2,72% vào thời điểm 30/11/2015.

Báo cáo báo cáo tài chính năm 2015 được công bố của hầu hết các ngân hàng cũng cho thấy những con số đẹp về nợ xấu. Nợ xấu của các ngân hàng đều giảm so với cuối năm 2014, xét về tỷ lệ. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng BIDV là 1,62%, MB là 1,6%, ACB là 1,32%, VietinBank là 0,91%, Eximbank là 1,85%, SHB là 1,72%, Techcombank là 1,66%, Vietcombank là 2%, TPBank là 0,4%...

Số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cũng cho thấy, chất lượng tín dụng có sự cải thiện trong năm 2015, nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4% (năm 2014 là 5,3%). Nợ xấu là 119.660 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 2,9% (năm 2014 là 3,7%). Số nợ xấu được giải quyết chủ yếu thông qua bán cho VAMC. Số nợ bán cho VAMC đến năm 2015 là 243.000 tỷ đồng, tăng so với mức 133.000 tỷ đồng của năm 2014.

Những kết quả đạt được về xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.

Tuy nhiên, bàn về nợ xấu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho biết, việc tăng trưởng tín dụng rất cao trong năm 2015 cũng là một điều cần cảnh báo về nguy cơ phát sinh nợ xấu. Năm 2015, số nợ xấu mới phát sinh là 45.000 tỷ đồng. Theo ông Trương Văn Phước thì mặc dù con số này chưa bộc lộ rõ ở thời điểm hiện nay nhưng là nguy cơ tiềm ẩn cho các năm tiếp theo khi tín dụng tiếp tục tăng tạo nguồn thu ngắn hạn.

Việc xử lý nợ xấu trong năm 2016 còn nhiều khó khăn cũng là nhận định của chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, quá trình xử lý nợ xấu khá chậm chạp. Việc giải chấp tài sản đảm bảo thu hồi nợ của Việt Nam vẫn là bài toán nan giải cho các ngân hàng trong việc xử lý, thu hồi nợ vay.

“Xử lý tài sản đảm bảo là trọng tâm của vấn đề và phải được giải quyết một cách dứt điểm," ông Hiếu nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần trao thêm quyền cho VAMC để VAMC có thể chủ động hơn trong việc thanh lý tài sản đảm bảo mà không cần sự hợp tác của con nợ và tổ chức tín dụng, qua đó, tạo dựng được thị trường mua bán nợ quốc gia, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.

Cùng chung nhận định trên, Ông Trần Thăng Long, Giám đốc phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, chi phí trích lập dự phòng rủi ro tại các ngân hàng sẽ tăng cao trong năm nay, lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Ông Long nhận định, năm 2016, NHNN, VAMC và các ngân hàng thương mại cần tập trung xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC thông qua thanh lý tài sản đảm bảo, bán nợ xấu, mua nợ xấu theo giá trị thị trường và giảm dần mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt... Hoạt động này, nếu có kết quả tốt, sẽ làm giảm áp lực trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng và giảm nguy cơ nợ xấu quay trở lại hệ thống ngân hàng.

Còn theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thì nợ xấu do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có những nguyên nhân từ thiên tai, môi trường kinh doanh biến động xấu, thị trường hàng hóa suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực quản trị của DN yếu… Với nhiều quốc gia nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng là vấn đề của nền kinh tế và để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng, với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và DN.